Những giá trị to lớn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

31/03/2020 20:38 Số lượt xem: 2518
Trong tâm thức của người Việt Nam bao đời nay luôn coi vua Hùng là vị vua Thủy Tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Vì thế, giỗ Tổ Hùng Vương (10 tháng 3 âm lịch) là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi; khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện cao nhất của Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam, đó là lòng biết ơn đối với Hùng Vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Trong tâm thức của người Việt, Hùng Vương là vị Thủy tổ khai sinh ra dân tộc Việt. Với lòng tôn kính, biết ơn Vua Hùng, cộng đồng người Việt đã tự nguyện thờ cúng Hùng Vương, đưa việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 6-12-2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây chính là đề cao sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có giá trị to lớn, mang tính giáo dục đạo lý truyền thống dân tộc sâu sắc. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với triết lý “con người có tổ có tông” và “uống nước nhớ nguồn” được trao truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam. Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 1.417 di tích, riêng tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc có 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống xã hội đương đại; khẳng định sức sống của biểu tượng cội nguồn dân tộc, tự hào về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, tạo sức mạnh cho việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam.

 

Con Lạc, cháu Hồng dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. (tháng 4-2019). Ảnh: V.T

 


Công đức các Vua Hùng được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng tôn thờ, biết ơn là biểu tượng của anh hùng lập nước. Đây là cội nguồn của tinh thần yêu nước của dân tộc Việt. Ý thức về các vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước từ đó hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập tự chủ. Dân tộc ta trải qua thăng trầm của bao cuộc chiến tranh nhưng lòng yêu nước, ý thức độc lập tự chủ được các thế hệ người Việt tiếp nối nhau chưa bao giờ tắt, tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật trong hệ thống giá trị đạo đức của người Việt. Giá trị tinh thần yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc được khởi nguồn từ sự khai sinh lập nước của các Vua Hùng được các thế hệ người Việt gìn giữ, tiếp nối và khẳng định.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn có ý nghĩa giá trị giáo dục tinh thần cố kết cộng đồng dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng thể hiện sự gắn bó của cộng đồng trong nghĩa “đồng bào”, với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, dân tộc Việt Nam cùng có chung một cội nguồn, chung một dòng máu Lạc Hồng, là những người con cùng một bọc, nghĩa “đồng bào” từ đó mà sinh ra, cả nước cùng tôn thờ một vị vua Tổ, một biểu hiện cho sức mạnh siêu nhiên bảo vệ cho sự tồn vong của dân tộc, của cả cộng đồng.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn hướng con người tới cái chân - thiện - mỹ, cái cao cả mà con người luôn ước vọng tôn thờ. Trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, các yếu tố văn hóa tâm linh được tiềm ẩn từ các kiến trúc tín ngưỡng đình, đền, miếu - nơi thờ phụng, thực hành tín ngưỡng đến các nghi lễ rước, tế, lễ vật, phẩm phục, diễn xướng dân gian.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn quốc gia dân tộc, ý thức của người dân về lịch sử - một ý thức hệ sâu sắc như một minh triết được ông cha truyền lại cho đến ngày hôm nay. Truyền thống tôn thờ Hùng Vương là một hình thức biểu hiện mạnh mẽ nhận thức về lịch sử và sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam, truyền cảm mãnh liệt sự tôn kính của người dân với quá khứ của tổ tiên và di sản văn hóa đặc sắc. Trên vùng đất Phú Thọ dày đặc các truyền thuyết huyền thoại về thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Các truyền thuyết về Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mai An Tiêm; các lễ hội dân gian Rước Vua về làng ăn Tết, Rước Chúa gái, Vua Hùng dạy dân cấy lúa, Lễ hội Hát Xoan… là minh chứng khẳng định Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam là kho tàng văn hóa dân gian lưu giữ dấu ấn lịch sử về thời đại Hùng Vương. Đằng sau truyền thuyết huyền thoại là yếu tố lịch sử. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình lịch sử hóa và huyền thoại hóa đan xen. Hệ thống các di chỉ khảo cổ Sơn Vi, Phùng Nguyên, Làng Cả, Xóm Rền, Gò Mun và các cổ vật được tìm thấy xung quanh núi Hùng như Nha chương, trống đồng, rùi, mũi tên… cho ta thấy một thời đại Hùng Vương rực rỡ và cho thấy rõ nét một nhà nước Văn Lang cổ đại - trung tâm khởi phát của người Việt cổ.
Hướng về Ngày giỗ Tỗ Hùng Vương (10-3 âm lịch); với  tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc công lao to lớn của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, lớp lớp thế hệ người Việt Nam nguyện đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, vận hội, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp hàng nghìn năm của dân tộc, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày một văn minh, giàu đẹp.

Ngọc Đăng (tổng hợp)