Những Bí thư Chi bộ 8X

01/11/2018 08:52 Số lượt xem: 3570
Bằng sức trẻ và lòng nhiệt tình, tận tụy với công việc của dân, những Bí thư Chi bộ 8X ở xã Quảng Phú (Lương Tài) đang đem lại nét mới trong công tác  xây dựng Đảng, tạo sự đột phá về phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Đồng chí Đỗ Huy Duy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã trao đổi công việc với 3 Bí thư 8X (Từ ngoài vào trong là Trịnh Văn Thập, Nguyễn Văn Đoàn, Đỗ Huy Khoa).

Đồng chí Đỗ Huy Duy (sinh năm 1980), Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quảng Phú cho biết: “Việc tạo nguồn cán bộ cấp cơ sở là một trong những chủ trương được Đảng ủy xã quan tâm xây dựng, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực và từng bước trẻ hóa đội ngũ Bí thư Chi bộ nông thôn. Đây là giải pháp tích cực nhằm khắc phục tình trạng “già hóa” đảng viên, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tạo ra luồng sinh khí mới trong tư duy phát triển sản xuất”.
Nghe những lời anh Duy gợi mở, chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Văn Đoàn, sinh năm 1985 - Bí thư Chi bộ trẻ tuổi nhất của xã Quảng Phú. Năm 2006, tốt nghiệp khoa Kinh tế, trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên, anh Đoàn về quê lập nghiệp. Năm 2010, vinh dự và tự hào khi được đứng trong hàng ngũ tổ chức Đảng, anh Đoàn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Nông thôn mới. Năm 2015, anh Nguyễn Văn Đoàn đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ thôn Lĩnh Mai. Rót chén trà mời khách, anh Đoàn chia sẻ: “Mới đầu nhận nhiệm vụ, tôi không khỏi lo lắng, nhưng cứ nghĩ Đảng tin, dân mến, nên càng thêm nghị lực phấn đấu, rèn luyện. Để thuận tiện trong công tác lãnh chỉ đạo, tôi đã lập nhóm Zalo thông tin kịp thời tới các đồng chí trong Chi ủy những Chỉ thị, Nghị quyết cấp trên. Trước mỗi vấn đề, tôi luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kinh nghiệm của các đảng viên lớn tuổi, đưa ra bàn, triển khai nhiệm vụ trong các cuộc sinh hoạt Chi bộ, họp dân”.
Với cách làm sáng tạo, công khai, dân chủ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Đoàn từng bước tạo niềm tin đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ năm 2015 đến nay, anh Đoàn cùng với Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận làng vận động nhân dân đóng góp gần 1 tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi: Cổng chùa, đường giao thông nội đồng, sân nhà văn hóa, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế và sinh hoạt cộng đồng. Không chỉ là người đứng đầu cấp ủy thôn Lĩnh Mai, anh Nguyễn Văn Đoàn còn là một thanh niên điển hình trong phong trào phát triển kinh tế. Hơn 10 năm qua, anh mở rộng xưởng cơ khí, tạo việc làm ổn định cho 4 đến 5 lao động với thu nhập trung bình từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng. 
Bí thư Chi bộ thôn Tuyên Bá Trịnh Văn Thập (sinh năm 1980) tạo ra sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp khi đưa ra chủ trương ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác. Anh Thập bộc bạch: “Người đứng đầu Chi bộ phải biết lo công việc cho dân. Dân có no thì Đảng mới mạnh”. Lời nói tuy giản dị, mộc mạc nhưng khi theo anh Thập tới những thửa ruộng, cánh đồng, chúng tôi mới hiểu rõ hơn những điều anh trăn trở. Thôn Tuyên Bá có 560 hộ, 1200 nhân khẩu, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Diện tích canh tác của thôn hiện có hơn 300 mẫu ruộng. Để nâng cao năng suất cây trồng cho người dân, anh Thập thường xuyên truy cập internet tìm hiểu về những phương pháp gieo trồng, thử nghiệm các giống lúa chất lượng cao.
Nghĩ là làm, anh Thập chủ động bàn bạc với Chi bộ, đảng viên, người dân thực hiện dồn điền, đổi thửa và ứng dụng KHKT vào sản xuất. Năm 2015-2016, thôn Tuyên Bá bắt đầu thí điểm phương pháp gieo thẳng trên một số diện tích canh tác. Anh Thập so sánh: “Một người cấy lúa bằng tay chỉ đạt khoảng 1 sào/ngày còn gieo thẳng có thể đạt từ 6-7 sào/ngày; năng suất cấy gieo thẳng rất cao từ 2,4 đến 2,6 tạ/sào (cao hơn từ 0,6 đến 0,7 tạ/sào so với cấy thủ công)”. Nhận thấy mô hình này đem lại hiệu quả rõ rệt, đến nay 100% diện tích canh tác của thôn Tuyên Bá được người dân làm theo phương pháp gieo thẳng, góp phần đem lại thu nhập bình quân hơn 40 triệu đồng/người/năm. 
Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ đúc đồng Quảng Bố, anh Đỗ Huy Khoa (sinh năm 1983) Bí thư Đoàn xã Quảng Phú kiêm Bí thư Chi bộ thôn Quảng Bố nhiệt tình giới thiệu: “Quảng Bố bây giờ khác xưa rất nhiều, những âm thanh ồn ã phát ra từ những động cơ cũ kỹ đã giảm hẳn, thay vào đó là những dây chuyền tự động hiện đại”. Thôn Quảng Bố có 1.100 hộ với 4.200 nhân khẩu, trong đó có 70% hộ gia đình làm nghề thủ công mỹ nghệ đúc đồng truyền thống. Làng nghề thủ công phát triển kéo theo những hệ lụy về ô nhiễm môi trường và an toàn lao động trong sản xuất. Nắm rõ những hạn chế, bất cập ấy, Bí thư Chi bộ Đỗ Huy Khoa cùng với Chi bộ đề ra Nghị quyết: Khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất làng nghề bằng nhiều giải pháp tích cực như: Tuyên truyền các chủ doanh nghiệp và hộ gia đình đầu tư mua máy sản xuất tự động nhằm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường; nâng cao chăm sóc và khám sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động; khơi thông dòng chảy, vệ sinh môi trường khu dân cư… Từ chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế, các chủ doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư các loại máy hiện đại nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, thôn Quảng Bố có 80% hộ giàu và khá, hộ nghèo chỉ còn 1,89%.
“Trẻ hóa cán bộ gắn với sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18,19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đem lại nét mới trong xây dựng Đảng, tạo sự đột phá về phát triển kinh tế-xã hội. Đây là nền tảng quan trọng, để Đảng ủy tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình này trong thời gian tới”. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đỗ Huy Duy cho biết.
Những Bí thư Chi bộ 8X ở Quảng Phú-Mỗi người trong số họ có cách làm, cách nghĩ khác nhau, song đều có điểm chung là không ngừng nỗ lực, phát huy trí tuệ, bản lĩnh và sức trẻ trong lãnh đạo, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tin rằng, việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy cơ sở ở xã Quảng Phú sẽ là nguồn động lực mới, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu quả, đẩy mạnh các phong trào thi đua, lao động, sản xuất trong giai đoạn mới.

Ghi chép của Xuân Bình-Phong Vân