Những bàn tay “chắp cánh” tinh hoa

25/02/2020 09:27 Số lượt xem: 1418
Được mệnh danh là những “báu vật sống của làng nghề”, rất nhiều nghệ nhân Kinh Bắc đã sáng tạo nên bao tác phẩm kiệt xuất, không chỉ tưới đẫm và gìn giữ những hồn cốt truyền thống quê hương trên từng nét vẽ, nét khắc, mà còn phát triển và chắp cánh cho những giá trị cao quý, tinh hoa của làng nghề vươn xa. 

Thổi hồn cho sự thịnh vượng của làng nghề
Giữa những nếp nhà khang trang của làng quê Xuân Lai (Gia Bình), khuôn viên của nghệ nhân Nguyễn Văn Kỷ nổi bật bởi chính vẻ cũ kỹ với nhà tranh vách đất, túm rơm, chõng tre. Không gian đậm chất nghệ thuật ấy khiến cho mỗi du khách bước vào có cảm giác như đang trải nghiệm trong những thước phim tài liệu về làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ những năm 40 của thế kỷ 20. Ở đó, nghệ nhân trẻ tuổi Nguyễn Văn Kỷ đang ngồi tỉ mẩn cạo từng thớ tranh mỉm cười tiếp đón chúng tôi: “Nghề sáng tác phải có không gian để bay bổng chứ thử tưởng tượng nếu cứ ngồi trong căn phòng điều hòa máy lạnh khó mà sáng tạo được các chị ạ”.  
Thế rồi bên bộ bàn trà bằng chất liệu mây tre đan, anh lật giở lại từng trang trong hành trình theo đuổi đam mê nghề chế tác mây tre đan. Sinh ra ở làng nghề có đến hàng trăm năm tuổi, nhưng thực chất gia đình anh Kỷ chẳng có thuận lợi được cha ông truyền dạy để tiếp nối làm nghề. Chỉ có tình yêu văn hóa nghệ thuật khiến chàng trai luôn bị thu hút bởi những sản phẩm mây tre đan độc đáo được những người thợ trong làng tạo ra. Sau khi xuất ngũ trở về, anh quyết tâm học hỏi nghề làm giát giường đang thịnh hành lúc đó. Chỉ một năm sau, nhận thấy thị hiếu của người tiêu dùng muốn tạo ra bức tranh trên chính chiếc giát giường anh nảy sinh ý tưởng và mày mò đưa bức tranh Đông Hồ đầu tiên lên nền tre hun khói. Từ những cây tre gần gũi và thân thiện với môi trường, qua quá trình bén hơi lửa đã trở thành những bức tranh mang đặc tính nghệ thuật cao. Sau 20 năm làm nghề, từ những chiếc giát giường đơn giản, anh Kỷ đã thành thạo tất cả các bí quyết, kỹ thuật cơ bản của nghề sản xuất nội thất tre, nhà tre, tranh tre. Đến nay, anh đã sản xuất hàng chục nghìn bức tranh và luôn đổi mới mẫu mã sản phẩm độc đáo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nhiều nước trên thế giới như Nga, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc… Anh cũng tham gia nhiều triển lãm với một số tác phẩm nổi tiếng như tranh Bác Hồ, Phật bà quan âm; Mục đồng thổi sáo, Thả diều… Các sản phẩm được Việt hóa và phục vụ nhiều cho thị trường nội địa, hiện nay lượng xuất khẩu khoảng 20%.
Từ thành công bản thân mình, nghệ nhân trẻ lại đau đáu gây dựng lại sự thịnh vượng của làng nghề. Thế là, bằng kinh nghiệm và lòng nhiệt tình anh tham gia nhiều lớp dạy nghề cho các bạn trẻ trên kênh VTC16, rồi trực tiếp truyền đạt lại tại cơ sở và đến những địa phương có nhu cầu. Số lượng học viên được anh đào tạo đến nay được khoảng 300 người. Từ đó nhiều bạn trẻ chẳng phải bôn ba xứ người, những cơ sở sản xuất mây tre đan ngày càng thu hút khách và người dân làng Xuân Lai có thể cố gắng bảo tồn và phát triển nghề truyền thống quê hương. 
Đam mê và hướng thiện 
Không chỉ là nghệ nhân tài hoa, tâm thiện, Đặng Đình Duy còn được nhiều người biết đến là một doanh nhân thành đạt về điêu khắc, tu bổ, tạo dựng các công trình văn hóa tâm linh. 
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm phù điêu đắp nổi ở thôn An Động, xã Lạc Vệ (Tiên Du), được thừa hưởng dòng máu nghệ thuật từ gia đình, từ nhỏ Duy đã tỏ ra có năng khiếu trong lĩnh vực đắp tượng, làm phù điêu. Dù chưa được ai chỉ dạy, nhưng những bức tượng trâu, bò, sư tử, hổ, báo, rồng phụng… nặn bằng đất sét từ khi mới 9 - 10 tuổi  lại sống động và có hồn y như thật. Đến năm 13 tuổi, Duy bắt đầu được cha và anh dắt đi theo các công trình để học nghề gia truyền. Sau hơn 10 năm theo cha anh học hỏi và hơn 15 năm truyền nghề, tạo nghiệp, Duy đã trở thành doanh nhân, nghệ nhân làm phù điêu đắp nổi có tiếng trong và ngoài tỉnh. Tất cả những công trình Duy tham gia đều được nhà đầu tư và các chuyên gia trong ngành đánh giá cao. Tiêu biểu như công trình phục dựng đình Đông, thôn Chi Hồ, xã Tân Chi  (Tiên Du); tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Quốc gia đền thờ Cao Lỗ Vương (Gia Bình); hạng mục nhà Cổng tam quan thuộc di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chùa Dạm; đền Hoà Đình, chùa Điều Sơn (thành phố Bắc Ninh) và xây dựng các công trình nhà chứa Quan họ; di tích lịch sử quốc gia chùa Thiên Long, xã Tiền Phong, Mê Linh  (Hà Nội); làng văn hóa Nắng Sông Hồng, phường Bồ Đề, Long Biên (Hà Nội).

 

Nghệ nhân Đặng Đình Duy (người đứng đầu từ trái sang) đang lựa chọn nguyên liệu phục vụ cho các công trình.


Duy chia sẻ: “Điều quan trọng nhất để đắp, tu bổ, tôn tạo, phục hồi các công trình văn hóa tâm linh cho đúng và đẹp, ngoài việc phải có năng khiếu đặc biệt và lòng say mê, người thợ làm phải am tường về lịch sử, đặc trưng văn hóa của mỗi thời và mỗi vùng. Đặc biệt, tâm phải thiện mới có thể tạo ra được tác phẩm tâm linh vừa có Thần vừa toát lên được sự linh thiêng và tôn kính, có sức lan tỏa thiện tâm đến người chiêm bái”.
Công ty Cổ phần Tu bổ, Tôn tạo và Xây dựng Duy Linh thành lập năm 2012 do anh làm giám đốc luôn duy trì và phát triển vững mạnh và trở thành địa chỉ uy tín trong lĩnh vực thiết kế, thi công, tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa tâm linh. Hiện tại, Duy Linh đang đảm nhận hàng chục công trình trọng điểm của tỉnh và nhiều công trình ở các tỉnh thành khác, tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động với thu nhập bình quân gần 15 triệu đồng/người/tháng”. 
Cùng nỗ lực tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nghệ nhân Đặng Đình Duy còn tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo như: Ủng hộ quỹ vì người nghèo, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa cùng một số đình, chùa; động viên giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần cho các đối tượng tàn tật; hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Từ năm 2017 đến năm 2019, Công ty Duy Linh đã dành gần 11 tỷ đồng trích từ doanh thu, tiền lương và đóng góp tự nguyện của cán bộ công nhân viên để làm từ thiện và ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và “Đền ơn đáp nghĩa”, tôn tạo các đình, chùa và nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo khác.
Ghi nhận những đóng góp của nghệ nhân Đặng Đình Duy, năm 2011, anh được Trung ương Hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Bàn tay vàng; năm 2012, được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam; năm 2013, được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân “Điêu khắc, tu bổ, tạo dựng các công trình văn hóa  tâm linh”; được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trao tặng Bằng khen “Cá nhân tiên tiến điển hình có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 1997-2017”... 
Chế tác chân dung Bác - Niềm say mê bất tận
Với năng khiếu đặc biệt và lòng say mê, nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh chuyên khảm ốc xà cừ trên gỗ ở Hoài Trung, Liên Bão (Tiên Du) tạo nên những bức tranh khảm ốc sống động khiến bao du khách trong và ngoài nước yêu thích, say mê.
Chúng tôi Nguyễn Đình Vinh khi anh đang mải mê chỉnh sửa tác phẩm “Huyết chiến Bạch Đằng Giang”. Đây là tác phẩm thực hiện liên tục trong 3 năm qua, hứa hẹn tạo thêm dấu ấn mới trong cuộc đời làm nghề của mình. Vừa làm, anh vừa kể cho chúng tôi nghe về chuyện nghề, chuyện đời của anh.
Đam mê nghề khảm từ nhỏ, lớn lên, thay vì học đại học, anh quyết tâm tìm về quê nội ở Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) - nổi tiếng với nghề khảm trai truyền thống để học nghề. Anh may mắn được theo học bác của mình là nghệ nhân Trần Bá Dinh-người được gọi với cái tên kính trọng: “người giữ lửa cho làng”. Sau gần chục năm học và làm nghề, anh trở về quê ngoại gây dựng và tạo lập một cơ sở khảm trai cho riêng mình. 
Với những kinh nghiệm, kỹ năng tích luỹ trong nghề, anh đã sáng tác hàng nghìn tác phẩm tinh xảo, có giá trị, trong đó, những tác phẩm về Bác Hồ nhiều nhất và đặc sắc nhất. Bởi chế tác chân dung Bác là niềm say mê bất tận và cũng là tâm huyết của cả cuộc đời nghệ nhân Vinh. Đó không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà cao hơn cả, còn thể hiện lòng ngưỡng mộ, tôn kính của anh với Bác. Tác phẩm “Bác Hồ cười” đạt giải tinh hoa làng nghề năm 2008. Thành công ban đầu đã giúp nghệ nhân Vinh tiếp tục chế tác những sản phẩm hoàn mỹ, nổi tiếng độc đáo khác như: Thiên đô chiếu” (hay Chiếu dời đô) đạt giải tác phẩm tiêu biểu do Bộ Nông nghiệp tổ chức năm 2010 và từng được trưng bày tại Bảo tàng Bắc Ninh, Thái bình, Bảo tàng Quốc gia. Tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập ” đạt giải sản phẩm tiêu biểu năm 2012 và được xác lập kỷ lục Việt Nam do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập ngày 23 - 3 - 2014; “ Đĩa khảm chim uyên ương” đạt giải sản phẩm tiêu biểu năm 2012… 
Nghệ nhân Vinh chia sẻ: “Để có được một sản phẩm khảm trai theo đúng nghĩa là cả một nghệ thuật, không đơn giản chỉ là nghề đục đẽo, lắp ráp theo một khuôn mẫu nhất định. Người thợ khảm phải trải qua nhiều công đoạn, phải có kỹ năng, kỹ nghệ, óc sáng tạo và quan trọng nhất là tâm huyết với nó, phải cẩn trọng từng công đoạn. Tất cả kỹ thuật chạm khảm đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn xác tuyệt đối, tinh xảo, hoàn mỹ tới mức họa tiết trong tranh có thể chạm “nhỏ như một sợi chỉ”. 
Hiện nay, cơ sở của anh có gần chục lao động làm trực tiếp và gần 100 lao động nhận làm vệ tinh ở các địa phương. Với ý thức không ngừng chủ động cải tiến kỹ thuật, tìm tòi sáng tạo nhiều dòng mẫu mã đa dạng mang tính kỹ thuật, thẩm mỹ cao, đáp ứng thị hiếu thời đại cộng với việc tăng cường sử dụng các tính năng công nghệ thông tin. Từ năm 2009, gia đình đã xây dựng nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm kết hợp với chụp hình, quay clip, quảng cáo sản phẩm lên các trang mạng xã hội zalo, youtube, facebook… và đưa lên trang web của cơ sở. Hiện nay, 40% khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến cơ ở từ trang web, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng. 
Lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định: Trong năm 2020, Bộ Công Thương tổ chức Chương trình Lễ phong tặng “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ”, Bắc Ninh dự kiến có 13 nghệ nhân được vinh danh. Trong đó, các anh Vinh, Duy và Kỷ đều có tên trong đợt này. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho những người đang ngày đêm kết nối giá trị truyền thống, hiện tại hướng tới tương lai.

Thanh Ngân-Huyền Thương