Nhớ một thời sống nồng nàn cùng sách

20/04/2018 09:03 Số lượt xem: 824
Chủ đề ngày sách Việt Nam năm nay là “Sách với gia đình”. Chủ đề này làm tôi nhớ lại thuở bắt đầu biết đến sách, bị chúng hút hồn, làm cho mê mẩn, không thể từ bỏ…

Ông ngoại tôi là một thầy đồ nổi tiếng trong vùng. Bác và các dì của tôi đều theo nghề dạy học nên ngày nhỏ, ngoài giờ đến trường, bố mẹ thường gửi chị em tôi xuống chơi nhà ngoại để được ông và các dì kèm cặp. Nhiều hôm, tôi còn được ngủ ở nhà ngoại để học cùng các chị nhà bác. Bác tôi có 4 người con gái, các chị chỉ hơn kém tôi vài tuổi nhưng đều chung một niềm đam mê bất tận mà ban đầu tôi không sao lý giải nổi là có thể ngồi lì hàng giờ trong căn buồng tối để đọc sách mà không cần ra ngoài. Hiếm lắm các chị mới ra sân chơi nhưng lại kể chuyện về những nhân vật như: Mít Đặc, Biết Tuốt trong “Những chuyến phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn” hay các chị em gái của Laura trong “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” rồi Dế Mèn, Dế Trũi trong “Dế Mèn phiêu lưu ký”… và vô số nhân vật thú vị các chị đọc được từ những trang sách cũ mà ông ngoại và bác tôi mượn về từ thư viện.

Lúc ấy, tôi chưa biết đến sách nên đâu có biết các nhân vật ấy như thế nào. Vì vậy mà mỗi lần nghe các chị thao thao nói chuyện, miêu tả, tưởng tượng về các nhân vật là tôi chẳng vui, cứ thấy mình bơ vơ, lạc lõng như một đứa trẻ bị bỏ rơi, bị gạt ra rìa. Chơi một mình mãi cũng chán, tôi quay sang ghét những cuốn sách rồi tìm cách mang giấu đi để kéo các chị ra ngoài nhưng chẳng thể nào xoay chuyển được mấy “lô cốt” ấy. Các chị cứ ở lì trong buồng và chơi trò đố tìm chữ trong những tờ báo cũ dán trên tường. Chơi tìm chữ tôi cũng lại là người thua cuộc bởi các chị đều thuộc làu từng con chữ nhỏ li ti trên các trang báo đó. Tôi cảm nhận được mọi người trong nhà ngoại đều rất ít nói, cả ông ngoại, bác và các dì của tôi hễ rảnh là cầm sách đọc. Hình như ai cũng say sưa với những nhân vật trong cuốn sách của họ. Còn tôi, luôn luôn gặp lại cảm giác “bị bỏ rơi” mỗi khi được bố mẹ đưa xuống nhà ngoại.

 

Thiếu nhi tại phòng đọc Thư viện tỉnh.

 

Nhiều lần tôi tự hỏi, không biết những con chữ nằm im bất động trên những trang sách cũ mèm, ngả màu vàng ố ấy có ma lực gì mà lại có thể cuốn hút mọi người trong nhà, nhất là các chị của tôi đến thế. Tôi bắt đầu mon men xin ngồi đọc cùng, cứ thế, mỗi ngày tôi đọc vài trang. Sau đó, tôi cũng lờ mờ góp chuyện khi các chị thảo luận về các nhân vật trong sách. Dần dà như thế, tôi say sưa đọc đến mê mẩn không dứt ra được. Nhiều khi vừa ăn vừa đọc, đi bộ trên đường cũng tranh thủ đọc…

Lớn lên vào Đại học, sống trong ký túc xá cùng những người bạn “mọt sách”, chúng tôi thường ăn cơm tối từ 5 giờ chiều để kịp lên xếp hàng chờ cô Thủ thư của Thư viện KTX đến mở cửa. Vào thư viện, mượn sách, tìm chỗ rồi cắm đầu vào đọc, tranh thủ từng phút vì lo lại đến giờ đóng cửa. Cuốn nào có thể mượn mang về phòng là truyền tay nhau đọc ngấu nghiến như nuốt từng chữ, như sợ người khác nhai mất sách… Biết bao nhiêu đêm chúng tôi thức trắng đọc, bơ phờ đọc xuyên trưa, lảo đảo đọc qua chiều. Đọc như thể ngày mai những cuốn sách sẽ bốc hơi biến mất mãi mãi. Đọc xong cuốn sau là quên ngay cuốn trước. Cứ như thế, chúng tôi trải qua khoảng thời gian sống nồng nàn cùng sách và đọc sách khiến ta lâng lâng mê mẩn lạ kỳ.

 

Học sinh đọc sách tại Ngày Sách Việt Nam tỉnh Bắc Ninh.

 

Tôi đến với sách và đọc sách bắt đầu từ chính cảm giác sợ lạc lõng, sợ bị gạt ra rìa, sợ không nói chuyện được cùng với các chị từ thuở nhỏ ở nhà ông ngoại. Nhưng nếu như tuổi thơ tôi không có khoảng thời gian gắn bó cùng ông ngoại, các dì và các chị, không chứng kiến mọi người ngày nào cũng vùi đầu vào sách thì tôi làm sao biết đến những điều thú vị bất tận trong sách đến thế. Bây giờ, dù công việc bận rộn nhưng tôi vẫn dành thời gian đi mua sách, giữ thói quen đọc sách. Tôi cũng thường đọc sách, kể chuyện cho con trai trước khi đi ngủ, khuyến khích các con chơi cùng sách.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang chi phối mọi mặt của cuộc sống với vô vàn những tiện ích song SÁCH vẫn luôn là một Vitamin, một loại thực phẩm chức năng tuyệt vời không thể thiếu đối với sự phát triển của trẻ. Nhiều bậc phụ huynh băn khoăn, trăn trở không biết làm cách nào để con mình thích sách và chịu đọc. Tôi tin rằng, môi trường gia đình rất quan trọng và chúng ta không thể bắt những đứa trẻ cầm sách đọc khi mà ông bà, bố mẹ, anh chị, những người xung quanh đều cầm điện thoại rồi say sưa lên mạng…

Bài, ảnh: Việt Thanh