Nhịp sống Gia Bình

16/01/2020 09:40 Số lượt xem: 1924
Sau hai mươi năm tái lập (1999-2019), bộ mặt vùng chiêm trũng Gia Bình giờ thay da, đổi thịt. Mỗi xóm thôn, ven mỗi cung đường là những ngôi nhà tầng, công trình phúc lợi khang trang, hiện đại. Cuộc sống ấm no, trù phú mà bao đời mơ ước giờ hiện hữu trong mỗi gia đình, bừng lên trên gương mặt chất phác của người dân quê. Nhịp sống mới đã bắt đầu ở vùng chiêm trũng.

Có người nói với chúng tôi rằng, muốn xem nhịp sống hối hả, bận rộn thì về các huyện có tốc độ phát triển công nghiệp còn về Gia Bình, Lương Tài vẫn chầm chậm, bao đời vẫn thế. Với chúng tôi thì khác, đến và ở Gia Bình trọn ngày mới thấy cuộc sống rộn ràng, nhộn nhịp, vui tươi nhiều lắm! 
Từ mờ sáng, thanh âm ngày mới rộn rã khắp các làng quê. Trên những con đường bê tông to đẹp, trẻ em gọi nhau tung tăng tới trường, những tiếng nhạc từ loa truyền thanh thôi thúc mỗi người bắt đầu ngày lao động mới đầy khí thế. Người già tập thể dục dưỡng sinh, lao động trẻ hối hả lên những chuyến xe về các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh làm việc. Tiếng máy cày, máy cấy rộn vang. Đồng đất chiêm trũng khi xưa “chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn” giờ luôn mang trên mình một mầu xanh của hoa màu, cây trái. Người dân nơi đây vui với ruộng vườn, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, với những ngành nghề mới được mở mang, nghề truyền thống được khôi phục và phát triển...

 


Xác định rõ những lợi thế và tiềm năng của vùng đất thuần nông, Gia Bình tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị kinh tế cao. Từ những chủ trương, quyết sách đúng đắn của huyện, các ngành, địa phương quyết tâm thực hiện dồn điền đổi thửa, tập huấn KHKT, vận động người nông dân đưa cây, con giống mới vào sản xuất, nuôi trồng. Mỗi “tấc đất” hôm nay trở thành “tấc vàng” khi năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp ngày thêm tăng cao, nhiều vùng sản xuất chất lượng cao hình thành. Giá trị sản xuất trồng trọt trên 1 ha canh tác bình quân đạt gần 140 triệu/năm, giá trị nuôi trồng thuỷ sản trên 1 ha đạt khoảng 280 triệu đồng/năm. Năng suất lúa hàng năm đều nằm trong nhóm dẫn đầu toàn tỉnh, huyện có đến 1.000 ha nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với chăn nuôi để phát triển mô hình kinh tế trang trại tổng hợp VAC đem lại hiệu quả kinh tế cao. 
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng sen của anh Lê Văn Thực thôn Khoái Khê (xã Nhân Thắng). Đầu năm 2019, gia đình anh Thực mạnh dạn nhận 7 mẫu ruộng trũng của thôn Khoái Khê, Hương Triện để trồng sen lấy hoa, ngó và củ. Để có được đầm sen bát ngát ven cánh đồng lúa, anh phải xuống Hải Dương học kinh nghiệm, mua giống. Việc trồng sen lấy bát, lấy hạt thì nhiều nhưng trồng lấy ngó, lấy củ bán thì không phải ai cũng làm. Ngó sen, củ sen của gia đình bước đầu được nhiều người dân quanh vùng, khách buôn mang đến các tỉnh, thành phố để chế biến các món ăn, giá trị sản xuất tính toán sơ bộ cũng cao gấp 1,2-1,5 lần so với cấy lúa. Giữa đầm sen mênh mông ven cánh đồng làng, anh Thực nói rằng: “Sản xuất nông nghiệp giờ không vất vả như xưa. Nhiều nông dân nay đã thành ông chủ, không ít hộ trong nhà có bát ăn, bát để. Giọt mồ hôi hai sương một nắng trên vùng đất trũng giờ được trả công tương xứng…”
Những năm gần đây trên đồng đất Gia Bình xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. Với sự hỗ trợ, khuyến khích của huyện, nhiều hộ sản xuất, HTX phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị, mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho vùng đất thuần nông này. Điển hình như các HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc (Lãng Ngâm); HTX nông nghiệp rau sạch Hoàng Gia (Bình Dương); HTX Măng tây xanh (Thái Bảo)…  

 

Các vùng sản xuất nông nghiệp năng suất, chất lượng cao xuất hiện ngày càng nhiều ở Gia Bình.


 Chính sự sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự bền bỉ, năng động, sáng tạo, quyết tâm vượt lên đói nghèo của mỗi người, mỗi hộ dân nơi đây đưa lại sự phát triển bền vững. Nếu như năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của Gia Bình vẫn còn 4,8% (theo tiêu chí cũ) thì đến nay giảm xuống 1,62% (theo tiêu chí nghèo đa chiều), số hộ cận nghèo còn 2,33%. 
Con đường nhựa chạy dọc huyện, từ Đại Bái đến Vạn Ninh mới được nâng cấp lên Quốc lộ 17 mấy năm song lưu lượng xe cộ luôn tấp nập suốt ngày đêm. Người già, người khó tính thì bảo chỉ tổ bụi và mất an toàn, song với nhiều người đó là những âm thanh sống động của sự phát triển, của những đổi thay trên vùng quê thuần nông vốn bao đời tù túng, bó hẹp. Nhịp cầu Bình Than nối đôi bờ sông Đuống đã phá tan cái thế khu biệt, vùng sâu, vùng xa, mở ra cơ hội phát triển cho các xã phía Đông huyện Gia Bình. Trên con đường, trên cây cầu ấy, mỗi ngày có hằng trăm chuyến xe chở lao động Gia Bình đi làm việc ở các khu công nghiệp. Lao động trẻ chẳng còn thời gian rảnh rỗi, cũng hối hả góp cho đời những sản phẩm công nghiệp hiện đại. 
Hiện có hàng chục nghìn lao động Gia Bình tham gia hoạt động tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với mức thu nhập ổn định từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Huyện xây dựng chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Các làng nghề thủ công truyền thống như đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai… được duy trì, một số nghề mới hình thành và mở rộng sản xuất. Số cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN không ngừng tăng. Nhà máy may Nhân Thắng, Đông Bình cùng nhiều doanh nghiệp mới được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động mở hướng phát triển mới cho miền quê thuần nông này. Chủ tịch UBND xã Đại Bái, anh Đinh Gia Khoa cho biết: “Mặc dù gặp không ít khó khăn song làng nghề vẫn duy trì và phát triển, các cơ sở sản xuất luôn “đỏ lửa”, sản phẩm làm ra đến nhiều nơi trong nước. Đời sống người dân từng bước nâng cao”. 
Những sự đổi thay diệu kỳ hiển hiện rõ trên từng làng quê. Đi đến đâu cũng bắt gặp nét tươi mới của những công trình. Được sự quan tâm của tỉnh và nỗ lực của huyện, Gia Bình đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng khang trang, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí trong xây dựng NTM. Các tuyến tỉnh lộ 280, 282, 284, 285 được nâng cấp, mở rộng; nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn trải nhựa và bê tông hoá với tổng chiều dài hơn 450 km. Hàng loạt công trình thiết yếu như: Trụ sở làm việc của các cơ quan cấp huyện, cấp xã, nhà văn hoá thôn, trạm y tế, trường học, hệ thống cấp nước sạch, mạng lưới điện, hệ thống thông tin, liên lạc… được tăng cường đầu tư xây mới, cải tạo đáp ứng tốt yêu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Năm 2018, Gia Bình được công nhận là huyện Nông thôn mới với các tiêu chí đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đây chính là dấu mốc khẳng định quyết tâm, sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, là tiền đề, động lực để Gia Bình tiếp tục bứt phá vươn lên, đạt những mục tiêu mới cao hơn, xa hơn trong tiến trình CNH, HĐH. 
Đi đôi với phát triển kinh tế, Gia Bình đẩy mạnh hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo, chăm lo sức khoẻ nhân dân. An ninh chính trị, trật tự ATXH được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh toàn diện. Bởi thế, mỗi người dân Gia Bình đều cảm nhận rõ niềm vui, niềm hạnh phúc với cuộc sống yên bình nơi thôn quê. Mỗi buổi chiều về hay khi ánh đèn đêm vừa rạng, khắp các làng quê lại nhộp nhịp lời ca, tiếng hát và các hoạt động văn nghệ, thể thao sôi động của người dân quê. Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn Phương Triện (Đại Lai), các đại biểu bất ngờ bởi màn biểu diễn dưỡng sinh, khiêu vũ và ca hát của Người cao tuổi trong thôn. Ông Trần Danh Duy, Chi hội trưởng Người cao tuổi thôn cho biết, chăm lo đời sống tinh thần chính là động lực để mỗi người dân thêm đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương vì vậy luôn được cán bộ, chính quyền thôn, xã khích lệ. 
Với mỗi người dân Gia Bình, được sống cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc trên chính mảnh đất quê hương sẽ chẳng gì có thể so sánh được. Bởi thế, mọi người đều mong ước và tin tưởng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, với những định hướng phát triển và giải pháp đúng đắn, nhất là sự chung sức đồng lòng của cả huyện, quê hương Gia Bình sẽ ngày càng phát triển giàu đẹp, thực sự là miền quê đáng sống cho những người con quê hương. 
Chiều Xuân phơn phớt mưa bay chẳng làm chùn bước những người cao tuổi, thanh thiếu niên đổ về các nhà văn hoá luyện tập văn nghệ, thể thao. Khắp các làng quê rộn rã tiếng nô đùa của trẻ em sau một ngày vui cùng thầy cô, bè bạn. Đi trên bờ đê sông Đuống, qua những làng quê Song Giang, Xuân Lai, Thái Bảo, Vạn Ninh… đang chuyển mình vươn lên, nhìn dòng sông Đuống chở nặng phù sa bồi đắp cho cây màu trên vùng bãi thêm xanh tốt, lòng người bỗng thấy xốn xang. Miền quê Gia Bình ấp ủ biết bao dự định lớn lao, sẽ bung mình phát triển, như chồi non, lộc biếc bừng lên trong mùa Xuân ấm áp.   

Lê Thanh - Lê Đại