Nhìn lại hơn một năm chung tay chống đại dịch COVID-19

07/04/2021 16:58 Số lượt xem: 1278
Hơn một năm kể từ khi xuất hiện, với tốc độ lây lan “siêu khủng” qua đường hô hấp, dịch COVID-19 đã bao phủ hầu hết các quốc gia và trở thành mối đe doạ đối với toàn cầu. Để đạt được những thành quả cả thế giới ghi nhận, Việt Nam luôn chống dịch với tinh thần cao hơn một mức, đồng thời chủ động, quyết liệt thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn nguồn lây từ ngoài và kiểm soát tình hình nội địa. Đóng góp vào thành công đó, ngay từ những ngày đầu, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh đã luôn có những nhận định chính xác, tầm nhìn rộng, chỉ đạo kịp thời, linh động, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Mỗi người dân hãy tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch để bảo vệ sức khoẻ của mình và cộng đồng.

 

Dù áp dụng nhiều biện pháp chống dịch khác nhau qua mỗi giai đoạn, điểm chung nhất đối với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh là áp lực kiểm soát nhanh tình hình và hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội trên địa bàn. Điển hình là đầu năm 2020, giai đoạn chống dịch đầu tiên, nhanh chóng nắm bắt tình hình “đẩy giá” khẩu trang y tế tỉnh đã kịp thời có chỉ đạo bán khẩu trang giá bình ổn đến người dân; UBND tỉnh đặt may khẩu trang vải tặng học sinh trong tỉnh để tăng cường truyền thông về việc chỉ dùng khẩu trang y tế khi đến cơ sở y tế. Đến những ngày sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua, để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh vừa thăm nắm hoạt động sản xuất, vừa kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp trong KCN. Trong công tác chỉ đạo, tuỳ theo tình hình thực tế chỉ riêng số lượng văn bản hướng dẫn, điều chỉnh các biện pháp chống dịch được phát ra từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh và UBND tỉnh đã lên đến khoảng hơn 800 văn bản các loại. Chia đều cho hơn 400 ngày chống dịch vừa qua, bình quân mỗi ngày có 2 văn bản được phát hành.
Bắc Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về việc tổ chức thực hiện cách ly tập trung đối với chuyên gia, lao động kỹ thuật nhập cảnh. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm hiện thực hoá quan điểm luôn đi trước một bước để ngăn chặn dịch xâm nhập. Ngành Y tế với vai trò cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm về chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chủ lực thực hiện tốt các hoạt động ngăn chặn như: Giám sát, phát hiện sớm và cách ly kịp thời các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch, những người nghi ngờ, người mắc bệnh và người tiếp xúc; tổ chức truy vết và xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Ngay từ đầu, ngành cũng kiên quyết thực hiện cách ly những trường hợp F1 và lấy mẫu xét nghiệm để đưa ngay mầm bệnh ra khỏi cộng đồng.
Để đáp ứng tốt với diễn biến dịch thay đổi theo từng giai đoạn, ngành Y tế có nhiều nỗ lực và trưởng thành nhanh chóng, toàn diện cả y tế dự phòng lẫn năng lực điều trị và xét nghiệm. Từ việc chỉ thực hiện xét nghiệm sàng lọc, ngành nâng cao năng lực, đủ trình độ xét nghiệm chẩn đoán xác định SARS-CoV-2. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh đáp ứng đủ năng lực cách ly y tế, điều trị các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm COVID-19, đồng thời sẵn sàng năng lực đáp ứng tình huống có ca bệnh nặng, hoặc dịch bệnh lây lan trên địa bàn. Các bệnh viện dã chiến cùng nhiều phương án về nhân lực, vật lực đủ đáp ứng các tình huống dịch, kể cả trường hợp bùng phát và lây lan rộng trong cộng đồng luôn sẵn sàng vận hành…
Bài học huy động sức dân vẫn còn nguyên giá trị qua mỗi đợt dịch. Đây vừa là đòi hỏi của thực tiễn, song cũng thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết, đồng lòng khi “giặc” COVID đe doạ sự bình yên của nhân dân. Khi trang thiết bị vật tư phòng, chống dịch khó khăn do nguồn cung khan hiếm và vướng thủ tục, cơ chế mua sắm, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh và các địa phương đã huy động được nguồn vật tư nhất định, phục vụ đắc lực cho công tác chống dịch. Từ sự cổ vũ to lớn của cộng đồng, các lực lượng chống dịch được tiếp thêm động lực để kiên cường ứng phó với đại dịch.
Tại Bắc Ninh, phương châm “4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ đã phát huy được vai trò chủ động của chính quyền các địa phương mà đợt dịch gần nhất với ổ dịch lây nhiễm trong cộng đồng tại xã Lâm Thao (Lương Tài) là một minh chứng.
Đóng góp không nhỏ vào “cuộc chiến tranh nhân dân” chống lại COVID-19 hơn một năm qua phải kể đến hơn 3.700 Tổ COVID cộng đồng trong toàn tỉnh. Ở mỗi góc phố, làng quê, các thành viên Tổ COVID cộng đồng đã trở thành cầu nối giữa chính quyền địa phương và ngành Y tế với người dân, tích cực thực hiện giám sát và truyền thông phòng, chống dịch chủ động tới từng hộ gia đình.
Cùng nhìn lại chặng đường dài chung tay chống đại dịch COVID-19 để thấy giành được những thành quả tốt đẹp đã không dễ dàng, bảo toàn được thành quả đó càng nhiều thách thức. Tin rằng, trên con đường còn rất xa phía trước, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân - yếu tố quan trọng hàng đầu bất biến quyết định sự thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn sẽ luôn được phát huy, lan toả.

Việt Hoa