Nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình

23/02/2020 17:37 Số lượt xem: 1659
Là một trong những nội dung quan trọng của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường giai đoạn 2019-2020 của tỉnh, phân loại rác thải tại hộ gia đình đang được thực hiện hiệu quả tại một số vùng nông thôn trong tỉnh. Người dân dần hình thành ý thức, thói quen phân loại rác ngay từ hộ gia đình, góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, vừa tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo phân bón sạch cho cây trồng, giảm ô nhiễm môi trường và các loại dịch bệnh từ rác thải gây ra.

Kỹ thuật viên Công ty Thiện Tâm hướng dẫn sử dụng hố rác cho người dân.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, trong chất thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày có khoảng gần 60% là chất thải hữu cơ, còn lại là chất thải vô cơ và chất thải tái chế. Chất thải hữu cơ chính là nguồn phân bón sạch sử dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Chất thải tái chế như nhựa, nylon, kim loại, cao su…, người dân có thể tận dụng để bán phục vụ cho sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp. Số chất thải vô cơ phải vận chuyển, xử lý hàng ngày sẽ giảm đáng kể, vừa giảm chi phí vận chuyển, vừa giải quyết triệt để tình trạng tồn đọng rác ra môi trường. Trước ưu thế đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2022, nhằm giải quyết đồng bộ, cơ bản vấn đề phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ từ hộ gia đình, giảm thiểu lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, tạo điều kiện cho việc thu gom và xử lý chất thải rắn vô cơ được thuận lợi.

Hiện toàn tỉnh có 4 thôn thuộc 2 xã bắt tay thực hiện thí điểm từ năm 2019 là thôn Hoài Thượng, thôn Chè, xã Liên Bão (Tiên Du); thôn Kim Thoa, thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao (Lương Tài). Công ty TNHH Đại diện Thiện Tâm là đơn vị thực hiện việc mua các thiết bị, vật tư, công cụ, dụng cụ và chế phẩm... để phục vụ cho việc phân loại rác tại hộ gia đình. Đồng thời tổ chức tập huấn công tác phân loại, cách chứa rác, chế phẩm thành phân bón cho người dân. Mỗi gia đình sẽ được trang bị 3 thùng đựng rác nhỏ gồm: thùng đựng rác hữu cơ; thùng đựng rác vô cơ; thùng đựng rác tái chế và 1 ang to, hoặc đào hố ủ phân đúng quy chuẩn. Lượng chất thải phát sinh hàng ngày sẽ được người dân lựa chọn, cho vào những thùng nhỏ, cuối ngày sẽ đổ rác hữu cơ vào ang lớn hoặc hố ủ phân, rác vô cơ được tổ thu gom vận chuyển về nơi tập kết, còn lượng rác tái chế có thể tích trữ để bán. Qua công tác kiểm tra, đánh giá của ngành chức năng cho thấy: Việc phân loại chất thải tại hộ gia đình rất hữu ích trong xử lý chất thải sinh hoạt phát sinh hiện nay. Tuy nhiên, làm thế nào để thực sự hình thành ý thức, thói quen cho người dân trong việc thực hiện không hề đơn giản. Chị Nguyễn Thị Thành, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Lâm Thao cho biết: “Người dân đã được tập huấn, trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị, chế phẩm và thường xuyên được Hội phụ nữa các cấp tuyên truyền, nhắc nhở nhưng số gia đình có sử dụng hoặc sử dụng đúng hướng dẫn còn thấp. Đa số người dân vẫn duy trì thói quen cũ, tiện đâu đổ đấy. Chúng tôi thực sự mong muốn ngành chức năng, nhất là Công ty Thiện Tâm tiếp tục quan tâm tập huấn, hướng dẫn người dân để việc phân loại rác thải tại hộ gia đình thực sự phát huy hiệu quả”. Ông Nguyễn Bá Hả, cố vấn kỹ thuật cho Công ty TNHH Đại diện Thiện Tâm cho biết: Đến thời điểm này, Công ty đã trang bị đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, chế phẩm và cấp đến tận tay người dân. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện. Ngay sau khi có đề nghị của người dân và ý kiến chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị Thiện Tâm tiếp tục tổ chức tập huấn cho 100% hộ dân ở 4 thôn của 2 xã để hướng dẫn quy trình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; giới thiệu các công cụ, dụng cụ, chế phẩm, hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản dụng cụ; hướng dẫn sử dụng sản phẩm sau khi phân loại, ủ, phân hủy thành phân hữu cơ; giải đáp các thắc mắc của người dân. Đến thời điểm này, cơ bản người dân đã biết cách thực hiện và dần đi vào nền nếp. Chị Nguyễn Thị Ngọc, người dân thôn Kim Thao, xã Lâm Thao chia sẻ: Ban đầu thực hiện cũng thấy vướng víu, mỗi khi đổ rác cứ phải lựa chọn, phân loại, nhưng sau một thời gian thì thấy thực sự hiệu quả. Rác phát sinh hàng ngày chủ yếu là rau, vỏ hoa quả, thức ăn thừa, có thể ủ mục làm phân bón cho cây rất tốt. Lượng rác phải vận chuyển rất ít, có khi giảm 2/3 so lượng rác trước đây, bước đầu thấy sạch sẽ, không ô nhiễm.
Ông Lê Đức Thọ, Phó Chi cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định: Phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình là việc làm cần thiết trong lộ trình hành động vì môi trường sạch của tỉnh. Từ các mô hình này sẽ nhân rộng ở các gia đình nông thôn và tiến tới thực hiện ở 100% số hộ nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Để người dân thực sự nhận thức rõ vấn đề phân loại rác thải tại hộ gia đình thì Hội phụ nữ các cấp phải là nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động và đơn vị thực hiện việc chuyển giao phương thức, trang thiết bị thực hiện phải nhiệt tình, trách nhiệm hơn nữa. Có như vậy, mô hình mới sớm được nhân rộng ở các địa phương trong tỉnh.

Bài, ảnh: Hoài Anh