Nhân lên truyền thống Lạc Hồng

20/02/2019 08:56 Số lượt xem: 3018
Hằng năm đến ngày 18 tháng Giêng, nhân dân trong tỉnh cũng như du khách thập phương lại nô nức hành hương bái yết tổ tiên tại Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành), thể hiện lòng thành kính tri ân bậc Vương Tổ đã sinh ra các vua Hùng để truyền thống con Lạc cháu Hồng mãi được lưu truyền.

Rước kiệu trong lễ hội Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương (huyện Thuận Thành).                        Ảnh tư liệu.
 

Đất nước trải qua bao cuộc bể dâu, phần mộ của vị Thủy tổ đất Việt vẫn vẹn nguyên trên nền đất cao được bao phủ bởi màu xanh của những gốc cổ thụ cành lá xum xuê, tôn thêm vẻ cổ kính, linh thiêng. Phía trước mộ là dòng sông Đuống lấp lánh vẫn ngày đêm lặng chảy chất chứa trong lòng bao huyền tích. Bao đời nay, nhân dân thôn Á Lữ vẫn chung sức trông nom, gìn giữ khu di tích này. Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương được các vương triều xưa trùng tu, tôn tạo nhiều lần, kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Nơi đây còn lưu lại những dấu tích xưa với hoành phi, câu đối, sắc phong: “Nam Bang Thủy Tổ” (Thủy tổ nước Nam), “Nam Tổ miếu” (Miếu thờ ông Tổ nước Nam), “Bách Việt Tổ” (Vua Tổ nước Nam)… khẳng định đây là lăng tẩm đế vương khai sinh nước Việt và nhắc nhở con cháu nhớ tổ tông để thờ phụng chu đáo.
Những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh quan tâm trùng tu, tôn tạo khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay khu di tích đã trùng tu xong một số hạng mục trong đó có phần Lăng, sân, thềm, tạo điều kiện cho nhân dân và du khách được thuận tiện khi về bái yết tổ tông.
Một ngày đầu tháng Giêng, chúng tôi về thăm di tích lịch sử Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương. Chưa đến ngày vào hội nhưng nơi đây đã đón tiếp nhiều đoàn du khách thập phương tới viếng thăm với cùng một tâm nguyện là trở về nguồn cội, tưởng nhớ Kinh Dương Vương - vị vua Thủy tổ người Việt. Được biết, ngay từ khi thời khắc chuyển giao sang năm mới, chốn thiêng  Đền thờ và Lăng Kinh Dương Vương đã rộng cửa đón khách tới lễ. Để phục vụ nhân dân và du khách thập phương, Ban Quản lý di tích của xã Đại Đồng Thành phân công các thủ hương tại Lăng và Đền thờ Kinh Dương trực viết sớ, làm lễ, hướng dẫn du khách.
Ông Biện Xuân Sam, thủ hương Lăng Kinh Dương cho hay: Ngay khi Giao thừa, du khách khắp nơi hành hương về vấn tổ tìm tông, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam và cầu mong các bậc tiền nhân phù hộ cho một năm mới bình an, may mắn. Càng gần đến ngày lễ hội, du khách về lễ Đền và Lăng ngày càng đông, tiêu biểu vào ngày mồng 6 tháng Giêng vừa qua, di tích đón một đoàn du khách từ Đan Phượng (Hà Nội) với 2.500 người tới bái yết.
Chị Dương Thị Xiêm, 43 tuổi, xã Thanh Khương (Thuận Thành) cho biết: Đoàn của tôi đi 2 xe ô tô gần 100 người đến khu di tích Lăng và Đền thờ làm lễ dâng hương vua Thủy Tổ và cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ. Đến đây trong tâm tôi thấy thanh thản hơn, vì thế hàng năm dù đi lễ nơi đâu cũng không quên về bái yết tổ tông.
Hằng năm, Lễ hội Kinh Dương Vương được huyện Thuận Thành chú trọng tổ chức với phần Lễ trang nghiêm theo nghi thức truyền thống, phần Hội với nhiều hoạt động phong phú tạo không khí sôi nổi trong nhân dân nhằm tuyên truyền, giáo dục con Lạc cháu Hồng nhớ về cội nguồn dân tộc, phát huy giá trị tốt đẹp từ ngàn xưa để lại, nêu cao ý thức tự hào dân tộc, cùng nhau đoàn kết, thi đua lao động, học tập để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm nay, Lễ hội Kinh Dương Vương bắt đầu  từ ngày 14 tháng Giêng với nghi thức rước nước từ sông Đuống về thờ tại Đền. Sáng 16 tháng Giêng, đại biểu, nhân dân cùng du khách địa phương làm lễ dâng hương và khai mạc lễ hội. Phần Hội diễn ra đến hết ngày 18 âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: Hát Tuồng, múa Rối nước, hát Trống quân, Chèo, Quan họ, Ca trù, thi biểu diễn dưỡng sinh, giải bóng chuyền, giải vật, cờ tướng, tổ tôm điếm…; các trò chơi dân gian như: Kéo co, đập niêu, chơi đu…
Để tổ chức mùa lễ hội văn minh, giàu bản sắc văn hóa, huyện Thuận Thành thành lập Ban Chỉ đạo lễ hội Kinh Dương Vương, bảo đảm tính trang nghiêm, thành kính, chu đáo, an toàn và tiết kiệm. Theo ông Nguyễn Đăng Quản, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo lễ hội Kinh Dương Vương: Ban Chỉ đạo huyện phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tiểu ban, chú trọng xây dựng không gian lễ hội văn minh. Công tác vệ sinh môi trường được dọn dẹp sạch sẽ không chỉ nơi diễn ra lễ hội mà ở trên khắp các tuyến đường. Công tác bảo đảm ATTP cũng được quan tâm, đoàn kiểm tra của huyện phối hợp với Đội Thanh tra quản lý ATTP của tỉnh thường xuyên kiểm tra các hàng quán, dịch vụ ăn uống, yêu cầu ký cam kết về ATTP… Xã Đại Đồng Thành xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, thành lập Ban Tổ chức nhằm bảo đảm các điều kiện cần thiết. Theo chỉ đạo của huyện Thuận Thành, xã Đại Đồng Thành và thôn Á Lữ cũng có các tiểu ban phục vụ lễ hội, phân công nhiệm vụ các thành viên, các thôn cùng phối hợp chuẩn bị địa bàn và các điều kiện phục vụ công tác quản lý, tổ chức lễ hội an toàn, lành mạnh.
Những năm gần đây, lượng du khách hành hương về Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương ngày càng đông, tín hiệu vui này chứng tỏ ngày càng có thêm nhiều người tường tận về lịch sử và cội nguồn dân tộc. Ước tính, chỉ riêng dịp lễ hội hàng năm, hàng vạn du khách thập phương hội tụ về đây, nhân lên truyền thống Lạc Hồng.

Nhóm PVVX