Nhân lên những tấm lòng vì nạn nhân da cam

10/08/2018 08:16 Số lượt xem: 1325
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hệ lụy từ chất độc da cam vẫn đang hiện hữu trong nhiều gia đình, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Không chỉ là những vết thương thể xác, đó còn là nỗi đau tinh thần khó có thể bù đắp. Bởi vậy, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam đã và đang trở thành hoạt động nhân văn được toàn xã hội hưởng ứng bằng nhiều hành động thiết thực, hiệu quả.

Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh thăm hỏi, tặng quà nạn nhân chất độc da cam tại huyện Lương Tài.

 

Hơn 30 năm qua, gia đình ông Nguyễn Văn Mừng (Mỹ Thôn, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình) vẫn luôn sống trong nỗi ám ảnh bởi chất độc da cam. Không hề hay biết mình đã bị nhiễm chất độc da cam từ những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường miền Nam ác liệt, lần lượt 4 người con của vợ chồng ông sinh ra đều mắc các dị tật, bệnh hiểm nghèo. Giờ đây, 1 người con đã mất, 3 người con còn lại đều bị mù do ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Bản thân ông cũng thường xuyên đau yếu nhưng nỗi đau bệnh tật chẳng thể bằng nỗi đau tinh thần khi chứng kiến những người con của mình phải sống trong cảnh mù lòa, tương lai phía trước một màu tăm tối. Cùng chung nỗi đau ấy là gia đình ông Diêm Trọng Thách (Khả Lễ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh). Gia đình có 6 người thì có tới 5 người là nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), trong đó 4 người con trai của ông là nạn nhân mức 1, bị dị tật chân tay teo tóp từ khi còn nhỏ. Với ý chí vượt lên hoàn cảnh, gia đình ông đã nỗ lực tự tạo lập kinh tế bằng nghề sửa chữa, chế tạo xe máy ba bánh cho người tàn tật. Tuy nhiên nước mắt cùng nỗi đau dày vò thể xác lẫn tinh thần vẫn ám ảnh gia đình ông ngày này qua ngày khác, không gì bù đắp được.
Sẻ chia cùng gia đình ông Mừng, ông Thách và hàng nghìn NNCĐDC khác trong tỉnh, rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tấm lòng hảo tâm thông qua cầu nối là Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã thực hiện nhiều việc làm thiết thực chung tay xoa dịu phần nào nỗi đau da cam. Nhờ đó mà các NNCĐDC có thêm điều kiện để chăm sóc sức khỏe, sửa chữa nhà ở khang trang, tiếp thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống. Tiêu biểu là các đơn vị như: Công ty Cổ phần Him Lam (chi nhánh Bắc Ninh), Công ty Khai thác công trình Thủy lợi Nam Đuống, Công ty Phát triển du lịch quốc tế Phượng Hoàng, Phòng Hồ Sơ (Công an tỉnh)… Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin tỉnh cho hay: “Nhiều năm qua, việc xoa dịu nỗi đau da cam không còn là trách nhiệm của riêng cá nhân, tổ chức nào mà đã trở thành trách nhiệm chung của toàn xã hội. Hướng về Ngày Vì NNCĐDC năm nay, Hội đã phối hợp với Công ty Phát triển du lịch quốc tế Phượng Hoàng trao tặng 50 suất quà tổng trị giá 310 triệu đồng cho 50 gia đình nạn nhân hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Riêng đối với những gia đình hoàn cảnh đặc biệt như gia đình ông Diêm Trọng Thách (thành phố Bắc Ninh), mức hỗ trợ lên tới 30 triệu đồng. Những sự tương trợ, những tấm lòng cảm thông, chia sẻ đó đã góp phần nối rộng vòng tay nhân ái trong xã hội, làm ấm lòng các NNCĐDC”.
Song song với việc phối hợp cùng các cơ quan chức năng rà soát, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách với NNCĐDC, các cấp Hội NNCĐDC/dioxin trong tỉnh không ngừng vận động các nguồn lực chung tay, góp sức trợ giúp NNCĐDC bằng những việc làm thiết thực như: Xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ vốn sản xuất, trợ cấp học bổng cho con cháu nạn nhân, trợ giúp khám chữa bệnh, đi tẩy độc và tặng quà các ngày lễ, tết… Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã vận động được hơn 1,2 tỷ đồng để hỗ trợ cho NNCĐDC và đã có 1.307 lượt nạn nhân được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ. Là một trong những cấp hội thực hiện tốt công tác vận động gây quỹ vì NNCĐDC thời gian qua, ông Lưu Quang Thông, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Bắc Ninh chia sẻ: “Không chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lớn mà chúng tôi thực sự xúc động khi ghi nhận nhiều cá nhân dù hoàn cảnh còn khó khăn nhưng vẫn hướng về các NNCĐDC. Tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Đức (phường Vạn An) đều đặn hàng tháng trích 300 nghìn đồng từ đồng lương bảo vệ ít ỏi ủng hộ NNCĐDC, hay như những người cao tuổi ở các xã, phường tích cực ủng hộ, vận động con cháu xây dựng quỹ… Những tấm lòng vàng ấy đã góp phần khơi lên lòng nhân ái trong cộng đồng, giúp đỡ cuộc sống của các NNCĐDC bớt khó khăn”.
Hiện toàn tỉnh đang có hơn 3.187 NNCĐDC, trong đó có gần 1 nghìn người là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị di chứng CĐDC và đang phải mang trên mình những căn bệnh vô phương cứu chữa. Đa số NNCĐDC đều có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, sức khỏe yếu, mức sống thấp so với mặt bằng chung của xã hội, thậm chí nhiều gia đình không duy trì được nòi giống, nhiều phụ nữ không có được hạnh phúc làm vợ, làm mẹ... Trên thực tế, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4 cho thấy số người bị ảnh hưởng của CĐDC sẽ không dừng lại mà có thể tiếp tục gia tăng. Bởi vậy, những nghĩa cử, hoạt động nhân văn rất cần được nhân lên trong mỗi người, bằng những việc làm thiết thực nhất cảm thông, sẻ chia, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Hoài Phương