Nhận định tình hình, chủ động vượt thách thức

30/09/2022 19:46 Số lượt xem: 1505
Một trong những vấn đề được UBND tỉnh tập trung thảo luận tại phiên họp thường kỳ tháng 9 là về tình hình kinh tế- xã hội 9 tháng năm 2022. Trong đó đánh giá, tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng qua tuy đạt cao so với bình quân cả nước (tăng 10,04%) nhưng giảm hơn 6 tháng đầu năm ( tăng 14,7%).

Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm dần, áp lực và thách thức trong những tháng cuối năm 2022 ngày càng gia tăng. Tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý IV và năm 2023, đòi hỏi cần có những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển trong tình hình mới.
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất duy trì hợp lý, tạo động lực cho kinh tế cả nước cũng như Bắc Ninh nhanh chóng phục hồi, nhất là ngành công nghiệp (IIP tăng 13%) và dịch vụ (tăng 9,6%). Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô, khí đốt, một số hàng hóa cơ bản biến động mạnh; tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, cực đoan hơn, ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia, trong nước và trong tỉnh, thách thức có thể phải “gánh” trong thời gian tới, chưa thể được giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn.
Trong khi đó lại xuất hiện những yếu tố mới là tình trạng hạn hán tại Trung Quốc, EU có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới, khu vực. Nhiều nền kinh tế lớn, như Mỹ thực hiện việc tăng lãi suất, sẽ làm tăng giá trị đồng USD và làm giảm giá trị đồng tiền của nhiều quốc gia khác, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại toàn cầu và đương nhiên đồng tiền Việt Nam không phải là ngoại lệ. Yếu tố đó cũng làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư ngắn hạn, có xu hướng rút về và thu hẹp đầu tư. Bằng chứng là thu hút FDI của cả nước gặp nhiều khó khăn, số vốn đăng ký mới chỉ bằng 56,1% so cùng kỳ. Riêng tỉnh Bắc Ninh nhiều năm liền là điểm đến của các nhà đầu tư và hấp thụ được nguồn lớn vốn FDI, nhưng 9 tháng qua chỉ cấp mới 68 dự án, tổng vốn đầu tư 147,8 triệu USD, giảm mạnh so với 2021 (9 tháng năm 2021 đạt 522 triệu USD). Điều này đã ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI và tác động kim ngạch xuất nhập khẩu. Mặt khác, thị trường bất động sản tăng nóng trong những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và cả người dân về khả năng chi trả.
Nhận định tình hình thế giới, khu vực và trong nước những tháng cuối năm vẫn tiềm ẩn những bất ổn, Bắc Ninh đưa ra nhiều giải pháp nhằm vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là 9,46%, vượt kế hoạch đề ra (từ 5- 6%). UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tập trung khắc phục hạn chế, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với chính sách tiền tệ, có giải pháp huy động đủ nguồn lực để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Quyết liệt trong giải ngân đầu tư công, rà soát những việc đã làm được và chưa làm được để có giải pháp tổng thể. Tích cực trong việc thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế trên địa bàn tỉnh, tận dụng cơ hội  từ các cơ quan đại diện xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và các loại hàng hóa xuất khẩu, nhất là xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu hàng Việt. Xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, thu hút vốn từ các khu vực tiềm năng như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tăng công  suất sản xuất, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; liên kết hiệu quả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Thái Uyên