Nhà văn hóa trong nông thôn mới

30/09/2019 15:10 Số lượt xem: 5260
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) không đơn thuần là câu chuyện về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập… mà còn là hành trình khơi gợi, bồi đắp, nhân lên những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi gia đình và từng thôn xóm của vùng quê văn hiến Bắc Ninh – Kinh Bắc. Rất cần một nơi sinh hoạt cộng đồng để bản sắc ấy được gìn giữ, phát huy, và Nhà văn hoá nông thôn là một địa chỉ như thế.

Bài 1: Góp phần nâng cao “tiêu chí tinh thần”

Dặm dài lịch sử cho thấy, ở giai đoạn nào, thời điểm nào, yếu tố không gian sinh hoạt cộng đồng ở các làng quê đều không thể thiếu. Từ cây đa, bến nước, sân đình, sân kho hợp tác, cho đến nay là nhà văn hóa thôn đã góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm, nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa, trung tâm văn hóa thể thao, sân tập luyện TDTT... trên địa bàn tỉnh thời gian qua được đẩy mạnh và đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Nhà văn hóa thôn Chi Trung, xã Tân Chi (huyện Tiên Du) được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân.

 

Không gian sinh hoạt cộng đồng

Một ngày tháng 9, tiết thu mát mẻ, trong lành, chúng tôi có dịp về thăm nhà văn hóa thôn An Quang, xã Lãng Ngâm (Gia Bình). Hơn một năm trước, nơi đây chỉ là bãi đất trống, nay nhà văn hóa thôn đã hoàn thành to đẹp với khuôn viên xanh tốt, khoảng sân rộng được trải bê tông. Dưới tán cây râm mát, hàng chục người cao tuổi đang uyển chuyển trong bài múa dưỡng sinh chuẩn bị cho hội diễn chào mừng kỷ niệm ngày Người cao tuổi Việt Nam. Những nét mặt thể hiện sự an nhiên, tươi vui và đầy hứng khởi.

Phe phẩy chiếc quạt giấy trong giờ giải lao, ông Nguyễn Văn Nhận bồi hồi: Trước đây, người dân trong thôn phải chơi thể thao tại sân đình, chùa hoặc nhờ các trường học. Số người tham gia luyện tập vì thế cũng thưa thớt. Giờ đây, cứ khoảng 5 giờ chiều, người dân đủ lứa tuổi, thành phần, tụ họp tại nhà văn hóa. Người cao tuổi tập dưỡng sinh; bậc trung niên đánh cầu lông, chơi bóng chuyền; trẻ em nô đùa, tập luyện thể thao… Mỗi sáng sớm hay chiều muộn, chẳng kể ngày thường hay cuối tuần, từ trong hội trường đến khoảng sân rộng, tiếng cười nói, reo hò, cổ vũ không ngớt… Bầu không khí rộn ràng, đầy sức sống, sự đoàn kết và tình yêu thương ngập tràn làng quê vốn yên bình, trù phú này.

Giống như An Quang, nhà văn hóa thôn Liễn Hạ (xã Đại Xuân, Quế Võ) được kết nối với không gian đình, chùa làng tạo thành quần thể khép kín từ lâu đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa, giải trí không thể thiếu của người dân trong thôn. “Nhờ có chương trình nông thôn mới mà bà con được thụ hưởng nhiều thứ mới mẻ mà trước đây nhiều người trong thôn chưa từng nghĩ tới. Điển hình như cái nhà văn hóa này, nhờ đó mà mọi người trong thôn có nơi rộng rãi, sạch đẹp để sinh hoạt, luyện tập thể thao, giao lưu gặp gỡ, gắn kết tình làng nghĩa xóm” – ông Lê Văn Học, người cao tuổi thôn Liễn Hạ bày tỏ.

Theo trưởng thôn Liễn Hạ Phùng Đức Ngàn, ngày trước, cũng như hầu hết các làng quê, Liễn Hạ không có nhà văn hóa. Mọi hoạt động hội họp của thôn đều diễn ra ở đình làng. Những khi có hội nghị đông người như họp dân, bầu cử, giao lưu văn hóa văn nghệ… rất chật chội. Nhưng nay, nhà văn hóa đi vào sử dụng đã giải quyết được những khó khăn đó.

Đối với thôn Lập Ái (xã Song Giang, Gia Bình), trước đây những cuộc họp dân, họp Chi bộ thường diễn ra ở phòng học chật hẹp mượn của trường Tiểu học, hoặc không gian đình làng. Kể từ khi nhà văn hóa được xây dựng và đi vào hoạt động, chính quyền, người dân trong thôn ai nấy đều vui mừng phấn khởi. Những cuộc họp bàn các vấn đề trong thôn, hay gặp mặt nhân ngày lễ, ngày kỷ niệm, các cuộc tập huấn, tuyên truyền chủ trương, chính sách thường đầy đủ các thành phần. Có lẽ vì vậy mà hiệu quả tuyên truyền cao hơn, những công việc trong thôn được giải quyết nhanh, hợp tình hợp ý. Qua đó, người dân trong thôn có điều kiện chia sẻ, giao lưu, tăng cường tình cảm và gắn kết hơn.

Theo thống kê của Sở văn hóa, thể thao và Du lịch, tính đến hết tháng 6 năm 2019 toàn tỉnh có 634/732 thôn, làng, khu phố có nhà văn hóa. Năm 2018 có 659/733 làng, khu phố được công nhận danh hiệu làng, khu phố văn hóa; 92% số hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”… ); số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 34% so với tổng số dân; số gia đình tập thể thao thường xuyên đạt 24,5%...

 

Gắn kết tình làng, nghĩa xóm

Tại nhiều thôn, xóm trên địa bàn tỉnh, các hoạt động tại nhà văn hóa như hội họp, văn nghệ, TDTT cũng diễn ra sôi động và hấp dẫn. Đặc biệt, với những địa phương có các môn nghệ thuật truyền thống như Quan họ, ca trù, tuồng, chèo… thì nhà văn hóa không đơn thuần chỉ là nơi tập luyện văn nghệ, thể thao mà còn là nơi truyền dạy những nét tinh túy của các môn nghệ thuật truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đều đặn mỗi buổi tối ngày 15 hàng tháng, nhà văn hóa thôn Tiểu Than (xã Vạn Ninh, Gia Bình) lại ngân vang tiếng sênh phách, giọng trầm bổng, dìu dặt của những câu hát ca trù. Nhiều năm qua, gần 30 thành viên trong CLB ca Trù Tiểu Than thường xuyên sinh hoạt, luyện tập tại nhà văn hóa thôn.

Ông Nguyễn Thiết Khởi, Phó Chủ nhiệm CLB Ca trù Tiểu Than phấn khởi: Hơn chục năm qua, cũng nhờ có nhà văn hóa này mà chúng tôi có nơi để sinh hoạt thường xuyên. Với không gian rộng rãi cùng cơ sở vật chất đầy đủ, nhà văn hóa còn là nơi giao lưu, biểu diễn ca trù cùng nhiều buổi văn nghệ khác của địa phương. Trong nhà văn hóa còn lưu giữ rất nhiều hình ảnh về các buổi biểu diễn của CLB ca trù Tiểu Than, hay những giải thưởng của CLB tại các chương trình biểu diễn trong nước. Vì vậy, mỗi khi đến nhà văn hóa, người dân Tiểu Than lại có thêm sự hiểu biết, niềm tự hào và ý thức gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc này.

Nhà văn hóa thôn Quế Ổ (xã Chi Lăng, Quế Võ) là nơi sinh hoạt thường xuyên của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau.

Ra đời cách đây gần 2 năm, CLB Liên thế hệ thôn Quế Ổ (xã Chi Lăng, Quế Võ) trở thành “điểm hẹn sinh hoạt” của những người cao tuổi trong thôn. CLB thu hút hơn 70 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao; trao đổi về những hoạt động chăm sóc, giúp đỡ, động viên hội viên khó khăn bằng những việc làm thiết thực… Với nhiều hoạt động diễn ra như vậy, việc sinh hoạt ở nhà văn hóa thay vì sinh hoạt nhờ tại gia đình các thành viên trong CLB giúp họ thoải mái về mặt không gian, thời gian, đặc biệt không ảnh hưởng đến những hộ xung quanh.

Ông Nguyễn Văn Lung, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Nhà văn hóa đóng vai trò hết sức thiết thực trong các buổi sinh hoạt của CLB. Nhờ có một không gian chung rộng rãi mà các buổi sinh hoạt, hội họp, tập luyện của chúng tôi diễn ra thường xuyên, nhiều người có nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ cũng tới xem và cổ vũ, giúp những người trong CLB thêm hứng khởi, phấn chấn. Nhà văn hóa thực sự đã trở thành ngôi nhà chung của mọi người.

Tại thôn Đại Mão (xã Hoài Thượng, Thuận Thành), nhà văn hóa còn là nơi bồi đắp văn hóa đọc cho người dân, bởi nơi đây dành riêng một diện tích để bố trí làm thư viện. Theo ông Lê Nho Thu, người trông coi thư viện thôn, thư viện thôn Đại Mão được thành lập cách đây hơn 6 năm. Với lượng sách ban đầu còn hạn chế, đến nay thư viện có hàng chục nghìn đầu sách ở các thể loại văn học, tiểu thuyết, truyện, sách giáo dục, khoa học, y tế, lịch sử, tôn giáo, sách tham khảo, sách thiếu nhi, sách về Bác Hồ… Hiện nay, thư viện được đầu tư thêm tủ đựng sách, bàn ghế cùng nhiều đầu sách, báo, tạp chí và hệ thống máy vi tính kết nối Internet giúp mọi người dễ dàng tiếp cận thông tin. Trung bình mỗi ngày có 50 người đến thư viện.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch nhận định: Nhà văn hóa là một thiết chế văn hóa đồng hành với đời sống nhân dân, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao... Cơ sở vật chất của hệ thống nhà văn hóa tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, trao đổi thông tin, rèn luyện thân thể để có sức khỏe làm việc, lao động; là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương từ đó nâng cao đời sống tinh thần và hiểu biết về pháp luật của nhân dân, giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Các buổi sinh hoạt văn hóa ở cơ sở cũng chính là môi trường thuận lợi để nhân dân mạnh dạn đóng góp ý kiến với các cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở đã và đang tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Song cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, việc xây dựng và phát huy những mặt tích cực của nhà văn hóa tại cơ sở hiện nay vẫn còn hạn chế. Hiểu đúng và vận hành hết công năng của nhà văn hóa hay làm sao để nhà văn hóa cơ sở thực sự đáp ứng được hết giá trị phục vụ đời sống văn hóa nhân dân vẫn còn là một vấn đề đáng bàn…

Tiếp theo bài 2: Vận hành hiệu quả công năng, giá trị

Xuân Me-Nguyễn Hoa-Việt Anh