Nhà văn hóa trong nông thôn mới

30/09/2019 15:17 Số lượt xem: 3595
Bài 2: Vận hành hiệu quả công năng, giá trị

Nhà văn hóa nông thôn được xác định trong Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với các chức năng như: Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT; tổ chức hội họp, học tập cộng đồng... Song, bên cạnh những kết quả đạt được, việc vận hành, phát huy sao cho tương xứng với công năng, giá trị của nhà văn hóa ở một số địa phương là vấn đề đáng quan tâm.

Nỗi niềm nhà văn hóa

Chúng tôi đến nhà văn hóa thôn Đức Nhân (xã Trạm Lộ, Thuận Thành) vào khoảng 8h sáng, khi vài người đàn ông trung tuổi đang đảo ngói ngôi nhà ba gian bên cạnh nhà văn hóa thôn. Một người đội mũ cối nói vui: “Các đồng chí cán bộ văn hóa đi khảo sát à? Đấy, khổ lắm. Nhà văn hóa có mà sử dụng rất hạn chế, xuống cấp, dột, hư hỏng khắp nơi, thế nên chúng tôi phải sử dụng cái nhà này (nhà đang đảo ngói - PV) để chứa đồ đạc, khi nào có việc hội họp thì mới chuyển lên”.

Nhà văn hóa thôn Đức Tái (xã Chi Lăng, Quế Võ) được xây dựng cách đây hơn mười năm và… không có nhà vệ sinh.

 

Theo Bí thư Chi bộ thôn Lưu Xuân Bình, nhà văn hóa thôn Đức Nhân xây dựng từ năm 2010. Ban đầu, nơi đây là trung tâm luyện tập thể dục thể thao của cả xã, vì thời điểm đó cả xã có duy nhất Đức Nhân xây dựng được nhà văn hóa. Tuy nhiên, theo thời gian các hạng mục xuống cấp, trong khi đó thôn không có quỹ để tu bổ nên người dân cũng dần bớt mặn mà… Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao còn thiếu và yếu, chủ yếu sử dụng cán bộ kiêm nhiệm trái ngành nghề, không sáng tạo được những hoạt động phong phú, gần gũi cuộc sống để người dân yêu thích.

Không “kém cạnh” nhà văn hóa thôn Đức Nhân, nhà văn hóa thôn Đức Tái (xã Chi Lăng, Quế Võ) cũng xuống cấp và thậm chí còn… không có nhà vệ sinh. Trưởng thôn Trịnh Duy Hùng bày tỏ: Nhà văn hóa thôn được xây dựng từ năm 2006 với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, xây 2 tầng trên nền đất đình làng, tầng 1 phục vụ hội họp, sinh hoạt của thôn, tầng 2 để thờ cúng. Cũng do xây từ giai đoạn trước khi chưa có quy định về quy chuẩn, quy hoạch theo quy định nên nhà văn hóa không thiết kế nhà vệ sinh, nhiều lúc có chương trình, hoạt động hội họp, sinh hoạt của thôn cũng thấy thật bất tiện… Thôn Đức Tái cũng cử người giữ chìa khóa để mở cửa đình và nhà văn hóa khi làng có việc với trợ cấp mỗi tháng từ 150-200 nghìn đồng - mức trợ cấp rất thấp, bởi không có nguồn để chi trả…

Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nguyễn Đắc Chiến cho biết: Toàn xã có 7/8 thôn có nhà văn hóa. Song hầu hết đều xây ở thời điểm trước nên thiết kế không có các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh khép kín, nhà để xe, phòng chứa đồ… Ở các thôn hầu hết chỉ phân công người giữ chìa khóa và trích hỗ trợ hàng tháng từ nguồn quỹ của thôn nên cũng có những hạn chế trong việc trông nom, bảo vệ.

Do không có người quản lý nên thời gian qua một số nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh còn xảy ra hiện tượng bị mất trộm tài sản. Vào cuối tháng 3-2019, Nhà văn hóa thôn Liễn Hạ (xã Đại Xuân, Quế Võ) đã bị kẻ gian đột nhập, lấy cắp 1 chiếc tivi 65inch do tỉnh cấp. Trước đó, vào đầu tháng 9-2018, tại nhà văn hóa thôn Cầu Đào (xã Nhân Thắng, Gia Bình), lợi dụng sơ hở không có người trông coi, kẻ gian đã đột nhập vào lấy cắp 1 tivi 65inch do tỉnh cấp, bộ âm ly, loa do xã đầu tư  với tổng giá  trị hơn 70 triệu đồng…

“Mất bò mới lo làm chuồng” - nhưng thực tế rất khó để quản lý, bảo vệ tài sản đối với nhà văn hóa các thôn bởi nguồn kinh phí trợ cấp cho những người trông coi eo hẹp, chủ yếu họ chỉ có trách nhiệm… cầm chìa khóa. Và các giải pháp các địa phương đưa ra sau khi xảy ra những sự việc đáng tiếc cũng là tạm thời. Ông Trần Kim Vựng, Trưởng thôn Cầu Đào bức xúc: “Đặc thù nhà văn hóa thôn không có người trông coi, nhưng chúng tôi đã hết sức cảnh giác. Tivi được cất kỹ trong phòng phát thanh. Mỗi khi có việc hội họp hoặc cần dùng đến mới mang ra. Bộ âm ly ở ngoài hội trường nhưng được để trong chiếc tủ nhôm có khóa cẩn thận. Mấy lượt khóa từ cổng vào thế mà vẫn bị mất. Ngay sau khi xảy ra mất tài sản, thôn đã thay thế hệ thống cửa phòng chứa đồ nhà văn hóa từ cửa nhôm kính và gỗ bằng cửa tôn và ống thép. Cùng với đó, lực lượng dân phòng thôn tăng cường công tác tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn. Tuy nhiên đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì địa phương không có kinh phí để thuê người trông coi 24/24h…”.

Ông Phùng Đức Ngàn, trưởng thôn Liễn Hạ (xã Đại Xuân, Quế Võ) cùng quan điểm: “Thôn cũng phối hợp với Công an xã và Tổ dân phòng tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ, nhất là buổi đêm, đồng thời kiên cố lại hệ thống cửa, khóa. Còn việc thuê người trông nom, quản lý 24/24 giờ rất khó vì không có kinh phí”.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tại 663/712 thôn, khu phố có nhà văn hóa, có 616/663 nhà văn hóa đạt chuẩn diện tích 300m2 trở lên; 550/663 nhà văn hóa đạt chuẩn 100 chỗ ngồi trở lên; 335/663 nhà văn hóa có  khu thể thao (sân tập đơn giản.

 

Cần giải pháp căn cơ, đúng hướng

Nhà văn hóa nếu không được sử dụng đúng mục đích vừa gây lãng phí lại đem bức xúc đến cho người dân. Người cao tuổi thiếu chỗ tập luyện, thanh thiếu niên không có nơi giải trí, trẻ em thiếu sân chơi dẫn đến sa vào các trò chơi thiếu lành mạnh hoặc các tệ nạn xã hội khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Bình cho rằng, để nhà văn hóa phát huy hiệu quả cần chọn vị trí phù hợp, có đầy đủ trang thiết bị như bàn ghế, loa đài, âm thanh, điện chiếu sáng, quạt, nhà vệ sinh, khuôn viên, cây xanh, chỗ đỗ xe… Ngoài ra, các thôn có thể thành lập đội tự quản với nòng cốt là đại diện các đoàn thể như: Người cao tuổi, thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh… để cộng đồng trách nhiệm trong quản lý, sử dụng và duy trì môi trường sạch đẹp cho nhà văn hóa.

Hiện nay, nguồn tài chính hoạt động ở các nhà văn hóa, thể thao thôn, xóm còn hạn hẹp, chủ yếu do nhân dân đóng góp. Bởi vậy, khi xây dựng thiết chế văn hóa NTM, bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất, phải tiến hành đồng thời việc đầu tư, xây dựng bộ máy, con người, trang thiết bị để vận hành thiết chế đó có hiệu quả. Đồng thời tiếp tục kêu gọi xã hội hóa và sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Công tác quản lý, bảo vệ tài sản nhà văn hóa là vấn đề cần quan tâm.

(Trong ảnh: Chiếc tivi 65inch và bộ âm ly của thôn Cầu Đào (xã Nhân Thắng, Gia Bình) tuy cất giữ cẩn thận nhưng vẫn bị kẻ gian lấy cắp ngày 5-9-2018.

 

Được biết, thời gian tới, ngành văn hóa  tỉnh và các phòng chức năng tiến hành khảo sát và đánh giá hoạt động các thiết chế văn hóa để có sự tham mưu, chỉ dẫn thích hợp cho từng địa phương. Sau khi có nhà văn hóa, các địa phương cần quan tâm kinh phí, đầu tư thêm các thiết bị tập luyện thể dục thể thao, xa hơn là các dịch vụ công cộng để người dân thấy thoải mái và tiện ích, thu hút đông đảo nhân dân đến với các NVH hơn; chú trọng đổi mới nội dung hoạt động văn hóa, phát triển các loại hình CLB về văn hóa, thể thao như tổ chức các Liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi đấu các môn thể thao nhằm tạo sân chơi, giao lưu giữa các làng, tổ dân phố văn hóa, tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương.

Theo ông Lưu Văn Khải, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, phấn đấu hết năm 2019, 100% số xã trong tỉnh sẽ hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Đơn vị đang phối hợp với các địa phương, ngành chức năng tham mưu tỉnh xây dựng bộ tiêu chuẩn NTM nâng cao, trong đó sẽ có những quy định cụ thể hơn đối với hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, trong đó có nhà văn hóa với các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh khép kín, nhà để xe, phòng chứa đồ… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh tình trạng thiếu thống nhất như hiện nay.

Nhà văn hóa là một mô hình tốt, bởi không những diễn ra các hoạt động văn hoá chung của cộng đồng dân cư, mà còn là nơi phát huy những giá trị tinh thần có tính chất truyền thống văn hoá của địa phương, giúp nhân dân nâng cao đời sống văn hoá, đặc biệt là đời sống tinh thần. Mong rằng các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở quan tâm chỉ đạo, đề ra giải pháp nhằm phát huy tối đa công năng của nhà văn hoá. Đó chính là nền tảng quan trọng để xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, thúc đẩy việc xây dựng NTM ngày một tiến bộ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Xuân Me-Nguyễn Hoa-Việt Anh