Người thầy thuốc với tình yêu Quan họ

21/01/2021 10:35 Số lượt xem: 1781
Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã khẳng định giá trị trường tồn và lan tỏa suốt chiều dài lịch sử của vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc. Giờ đây trong cuộc sống hiện đại, Quan họ vẫn như thỏi nam châm khiến những ai đã từng lớn lên trong lời ca ấy thì khó lòng mà dứt ra được. Với PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, sinh năm 1964, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), dẫu bận rộn với công việc của người quản lý, nhưng tình yêu dành cho Quan họ vẫn luôn có một chỗ đứng quan trọng trong trái tim.

 

Giữa những ngày áp Tết, khi người người, nhà nhà còn bận rộn với công việc, chúng tôi thong thả ngồi nghe liền anh, liền chị của CLB Quan họ Nhị Hà và CLB Quan họ Viêm Xá ca Quan họ tại gia đình PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng ở thôn Quả Cảm, Hòa Long (thành phố Bắc Ninh). Những làn điệu Quan họ cổ dãi dề xua tan nhịp sống hối hả nơi phố thị ồn ào: “Kim lan đường bạn đấy ơi/Đôi người ngồi ca bên ấy/Còn không hay đã đủ đôi cả rồi/Con dao be bé sắc thay/Chuôi sừng bít bạc về tay ai cầm/Lòng tôi yêu vụng nhớ thầm/Trách ông nguyệt lão se nhầm duyên ai…”. Những canh hát Quan họ cổ đối đáp thường được PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng tổ chức tại gia khi ở Hà Nội, khi ở quê nhà.
Sinh ra và lớn lên ở phường Đáp Cầu (thành phố Bắc Ninh), Nguyễn Tuấn Hưng được nghe những lời ca Quan họ của bà ngoại từ khi 18 tháng tuổi đến 5 tuổi được theo bà đi đến các canh hát, các dịp lễ hội chùa nghe Quan họ. Tuổi thơ gắn liền với những câu ca, vì thế mà mạch nguồn Quan họ ngấm vào Tuấn Hưng như một lẽ tự nhiên. Năm 1982, Tuấn Hưng thi đỗ Học viện Quân y, trong môi trường Đại học, anh tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của trường. Suốt những năm tháng Đại học, chỉ cần có thời gian rảnh là Tuấn Hưng dành cho Quan họ. Anh thường xuyên về Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh học hát Quan họ từ các nghệ sĩ Thúy Cải, Lệ Ngải, Minh Phức, Tự Lẫm, Quý Tráng... Để có thêm nhiều vốn Quan họ cổ, Tuấn Hưng tìm đến những nghệ nhân ở các làng Quan họ gốc như: Trần Thị Phụng, Ngô Thị Nhi, Nguyễn Thị Nhậm, Nguyễn Công Lụt, Đỗ Văn Chiến… học và ghi chép lại cẩn thận qua từng cuốn sổ. Năm 1988, tốt nghiệp ra trường, Tuấn Hưng được phân công về Trường Sĩ quan Chính trị Bắc Ninh công tác, đồng thời tham gia giảng dạy ở các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Hải Phòng, Học viện Hành chính Quốc gia... Ngoài giờ lên lớp, anh theo Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh đi diễn khắp các nơi trong và ngoài tỉnh. Anh từng đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi: Huy chương Vàng tại hội thi “Tiếng hát làng Sen” năm 1990 với tiết mục hát Quan họ; giải giọng hát hay nhất thi Quan họ đầu xuân năm 1993; giải trả lời xuất sắc nhất, mặc trang phục Quan họ đẹp nhất thi Quan họ đầu xuân năm 1994… Trò chuyện cùng anh, chúng tôi cảm nhận được phần nào tình yêu với di sản quê hương. Anh bảo, Quan họ như phần hồn trong anh “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”.

 

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng (bên phải) trong một canh hát Quan họ cổ đối đáp được tổ chức tại nhà anh ở khu Quả Cảm, Hòa Long (thành phố Bắc Ninh).

 

Với anh, việc gìn giữ, quảng bá Quan họ như trách nhiệm của người con quê hương. Vì vậy, liền anh Tuấn Hưng đi sâu tìm hiểu về hát canh, văn hóa ứng xử của người Quan họ, khi có dịp anh giới thiệu đến bạn bè muôn phương, đặc biệt là trong những chuyến công tác nước ngoài. Anh vẫn nhớ, nhiều lần khi vừa tan cuộc họp, những kiều bào đang sinh sống ở các nước biết anh đến từ vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc đã đề nghị hát Quan họ. Và như lẽ tự nhiên khi đi công tác bao giờ anh cũng mang theo trang phục Quan họ để biểu diễn phục vụ kiều bào và người dân nước sở tại. Những làn điệu Quan họ mượt mà, đằm thắm, trữ tình được anh quảng bá đến nhiều nước như: Đức, Ba Lan, Hungari, Mỹ, Pháp… Từ đây, anh đã gắn kết được tình đồng bào, dân tộc, gợi nhớ về quê hương để những kiều bào xa quê thêm tự hào về đất nước, con người Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng chia sẻ: “Có nhiều kỉ niệm trong những chuyến công tác làm tôi xúc động. Còn nhớ, năm 2004 sang dự hội nghị y tế thế giới bên nước Hungari, khi vừa về khách sạn đang làm thủ tục nhận phòng, tôi được mời đến Đại sứ quán. Khi ấy, tôi không hiểu có việc gì và được biết buổi hôm đó Đại sứ quán ra mắt cộng đồng người Việt, đề nghị tôi nói chuyện về Quan họ. Bằng những hiểu biết của mình tôi đã chia sẻ cho bà con kiều bào về văn hóa Quan họ, hát tặng mọi người bài “còn duyên” và “người ở đừng về”. Khi nghe tôi hát xong, nhiều kiều bào rưng rưng, đặc biệt là các cụ lớn tuổi. Có kiều bào chia sẻ với tôi là rất nhớ quê hương mong muốn được nghe tiếng hát Quan họ từ lâu, nay đã thành hiện thực”.
Năm 2016, liền anh Tuấn Hưng đề xuất thành lập CLB Quan họ Nhị Hà (Hà Nội), quy tụ hơn 30 người. Những liền anh, liền chị ở đây đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, họ gặp gỡ và kết bạn qua những lần về nghe và học hát Quan họ tại Bắc Ninh. Dù bận bịu với công việc chuyên môn, nhưng anh vẫn đảm nhiệm vai trò Phó Chủ nhiệm CLB và thường xuyên kết nối với các CLB Quan họ ở Bắc Ninh, Bắc Giang để tổ chức đi giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị bạn.
Với anh, ngoài thời gian chuyên môn, thì Quan họ chiếm nhiều thời gian trong cuộc sống. Chẳng thế mà, người vợ đảm đang thấu hiểu tình yêu của anh dành cho Quan họ nên khi tổ chức canh hát tại nhà, chị thường lo chu toàn cơm nước để thết đãi bạn Quan họ. Ngoài tích lũy vốn liếng qua các canh hát, anh Hưng còn dành thời gian tìm tòi những câu Quan họ cổ, độc ở các làng Quan họ gốc để lưu giữ, truyền dạy cho thành viên trong CLB Quan họ Nhị Hà, bạn bè, những người yêu thích Quan họ… Tính đến nay, tự tay anh đánh máy lưu giữ được khoảng hơn 400 làn điệu Quan họ và giải nghĩa cơ bản những từ ngữ, các tích sử dụng trong câu ca Quan họ, cùng với các nghệ sĩ ở Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh quay nhiều đĩa DVD hát Quan họ để lưu giữ và giới thiệu đến bạn bè. Anh còn trực tiếp có ý kiến đóng góp với UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh và được áp dụng triển khai thực hiện hiệu quả… Với niềm đam mê và trách nhiệm, anh luôn đau đáu, trăn trở làm sao vừa bảo tồn, kế thừa những câu hát cổ của các nghệ nhân, nghệ sĩ đầu tiên của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh vừa phát triển Quan họ theo nhu cầu của cuộc sống đương đại là áp dụng kỹ thuật âm nhạc hiện đại vào hát Quan họ được cộng đồng chấp nhận, khuyến khích, động viên những người có khả năng sáng tác ra làn điệu mới. Đối với việc tổ chức các canh hát Quan họ cổ đối đáp, thì cần phải có một quy chuẩn nhất định để các CLB, các làng Quan họ thực hiện, bởi hát canh là đỉnh cao của nghệ thuật hát Quan họ…
Giọng giã bạn trong canh hát khiến chúng tôi thêm bịn rịn lưu luyến khi chia tay PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng. Lòng càng thấy xốn xang, chộn rộn khi Xuân đang đến thật gần. Với anh Hưng, đây cũng là thời gian được thường xuyên trở về quê hương, gặp bạn Quan họ trong những ngày xuân cho thỏa niềm đam mê và rồi ngôi nhà của anh lại sáng đèn để bạn Quan họ “ca cho tàn canh mãn võ, cho tàn đêm rạng ngày”…

 

Minh Hường