Người lính trên hai mặt trận

28/06/2018 15:48 Số lượt xem: 1344
Từ mặt trận khói lửa năm xưa, cựu chiến binh Nguyễn Văn Vọng xã Ninh Xá (huyện Thuận Thành) trở về quê hương mang theo hành trang là tinh thần và bản lĩnh kiên cường của người lính. Dấn thân vào mặt trận kinh tế với khát khao làm giàu và cả sự nhạy bén, quyết tâm đã giúp ông  trở thành “tỷ phú nuôi gà”.

 

Ông Nguyễn Văn Vọng thường xuyên theo dõi, kiểm tra hệ thống chuồng trại mỗi ngày

 

Khi người lính trở về

Vóc dáng nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn và hoạt bát là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp “tỷ phú nuôi gà” Nguyễn Văn Vọng.  Bên cơ ngơi mà có lẽ trước đây ông chẳng bao giờ mơ tới, người cựu chiến binh tâm sự:  18 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ, sau ba năm chiến đấu ở chiến trường Biên giới phía Bắc, năm 1982 tôi được  phục viên. Trở về quê hương chỉ có hai bàn tay trắng, lại không nghề nghiệp. Hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, tôi từng bươn trải từ làm ruộng đến làm thuê, nuôi lợn, phụ hồ…dẫu chẳng ngại khó ngại khổ song vẫn không đưa gia đình thoát nghèo.

Với phẩm chất của người lính cụ Hồ, ông luôn trăn trở mình phải tìm ra bằng được con đường vươn lên làm giàu. Tâm niệm lời dạy của Bác “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền” và cho rằng, làm việc gì cũng cần có kiến thức, năm 1989 ông quyết định theo học khoa Quản lý kinh tế tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Sau hơn 4 năm chuyên tâm học hành, ông dần trang bị cho mình nhiều kiến thức về nông nghiệp, đồng thời bắt đầu tìm hướng phát triển kinh tế mới.

Tốt nghiệp Đại học, ông mở một cửa hàng bán vật tư nông nghiệp và là đại lý cho một công ty chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi. Công việc này giúp ông tiếp xúc với nhiều người dân trong vùng, được chia sẻ những khó khăn, thuận lợi của các hộ chăn nuôi, nắm bắt một số kinh nghiệm như chọn giống, kỹ thuật chăn nuôi, canh tác... Lâu dần, ông nhận ra những tiềm lực của địa phương phù hợp để phát triển kinh tế trang trại mà nhiều người dân vẫn chưa khai thác hết.

Có thể nói, chuyến đi Thái Lan do công ty thức ăn chăn nuôi mà ông làm đại lý tổ chức đã tạo ra bước ngoặt lớn cho cuộc đời của người nông dân Nguyễn Văn Vọng. Sau khi được tham quan và học hỏi một số mô hình kinh tế nông nghiệp ở đây, ông đã nảy ra ý định phát triển kinh tế theo hướng trang trại.

Năm 2009, tận dụng vốn đất của gia đình, ông đấu thầu thêm 8.000m2 đất ruộng vườn và cải tạo thành hệ thống VAC (vườn ao chuồng) với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, hệ thống chuồng khép kín với số vốn đầu tư hàng tỷ đồng.  Khi đó, nhiều người ngăn cản vì cho rằng đó là quyết định mạo hiểm, rủi ro chăn nuôi cao nhưng ông quyết tâm thực hiện. Dù biết, làm nông nghiệp không tránh khỏi những rủi ro, trở ngại hoặc kết quả chẳng được như mong muốn, mỗi lần như vậy, ông lại  tự nhủ: “Kinh qua bom đạn còn được, huống chi là những thử thách của cuộc đời. Mình còn may mắn hơn những đồng đội khác, là khỏe mạnh trở về, bởi thế phải cố gắng xứng đáng với những hy sinh mất mát của đồng đội năm xưa”. Và ý chí của một người lính cụ Hồ lại thôi thúc không cho ông dừng lại, để rồi gieo được mùa quả ngọt trên đất quê hương.

Ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi

Dẫu chỉ là một nông dân, nhưng ông Nguyễn Văn Vọng mạnh dạn đưa công nghệ cao và tiên tiến áp dụng trong chăn nuôi. Dẫn chúng tôi đi một vòng trang trại, ông Vọng cho biết: “Toàn bộ tường khu nuôi gà đẻ trứng trong trang trại được thiết kế hệ thống làm lạnh cùng với những chiếc quạt thông gió, giúp điều hòa nhiệt độ ổn định. Bên trong trại gà, hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn… được sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách nhằm tạo không gian thoải mái. Tuy ban đầu chi phí đầu tư khá cao nhưng lại rất chắc, an toàn và giúp tiết kiệm nhân công. Toàn bộ quy trình từ nuôi đến cho ăn đều được khép kín nên gà khỏe mạnh, trứng đẻ đều và hầu như không có bệnh tật gì. Công việc chăm sóc gà, nhặt trứng cũng thuận lợi hơn nhiều so với nuôi gà đẻ trứng theo mô hình chuồng hở”.

Khu chuồng trại với 17 nghìn con gà đẻ cho hơn 16 nghìn quả trứng mỗi ngày, nhưng rất thoáng, sạch, không có mùi hôi. Ông Vọng giải thích: “Nuôi gà với số lượng lớn đòi hỏi người chăn nuôi phải chăm sóc từ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, bảo đảm nhiệt độ, tránh gió lùa cẩn thận, tỉ mỉ từng chút một”. Đặc biệt, dưới nền chuồng nuôi gà ông cho trải một lớp trấu dày khoảng 15cm. Hàng ngày công nhân đảo trấu với vôi bột xử lý phân gà, phân được vận chuyển xử lý ngay trong ngày, giữ chuồng trại sạch sẽ, nhờ đó gà không bị ốm, dịch bệnh.

Ngoài hệ thống chồng trại chăn nuôi gà, ông Vọng đầu tư cải tạo ao nuôi thủy sản với các giống cá thịt truyền thống như cá trắm, cá chép, cá rô phi đạt trên 400 triệu đồng/năm. Quanh bờ ao, ông trồng các loại cây ăn quả theo từng mùa như chuối, xoài, mít, táo… Với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp trên, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng tạo công ăn việc làm cho từ 15 - 20 lao động thời vụ với mức lương từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Thành công nhờ việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp ông Vọng đưa gia đình bước sang trang mới, không còn nghèo đói, cuộc sống có phần dư dả. Không những thế, ông còn chủ động giúp đỡ nhiều gia đình Cựu chiến binh, nông dân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ cho vay vốn, con giống, kinh nghiệm trong chăn nuôi và cách phòng trừ dịch bệnh. Nhiều sinh viên các trường nông nghiệp hoặc các khoa chăn nuôi về tìm hiểu, thực tập tại trang trại của ông.

Thành công của người lính năm xưa trên mặt trận kinh tế hôm nay dẫu không khốc liệt bom đạn, không ranh giới sống còn nhưng có sự nếm trải của thành công và thất bại, có vị mặn của bao giọt mồ hôi, có vị ngọt của những thành quả. Ông Vọng tâm niệm: “ Nếu có điều kiện và sức khỏe tôi vẫn muốn nhân rộng mô hình sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng xuất, hiệu quả kinh tế trang trại. Có ai cần tư vấn hay chia sẻ về kinh nghiệm làm VAC thì tôi luôn sẵn lòng”.

 

Nguyễn Hoa