Người làm vườn sáng tạo

05/04/2019 08:24 Số lượt xem: 757
Mỗi người mỗi cách làm giàu khác nhau, với ông Nguyễn Văn Giáo xã Đông Phong (Yên Phong) tìm cho mình hướng đi riêng ngay tại đồng đất quê mình là xây dựng được trang trại VAC tổng hợp.

Thân hình nhỏ thó, nhưng ông Giáo có sức dẻo dai kỳ lạ. Từ việc đổ đất, san nền, xây chuồng trại… chỉ có hai vợ chồng làm không thuê mướn một ai. Trong khắp xóm trên, làng dưới mọi người kháo nhau “Phải làm như vợ chồng ông Giáo mới giàu có được”. Ông trở nên quen thuộc với mọi người như thế. Họ coi ông như biểu tượng của ý chí vươn lên từ đôi bàn tay trắng, nhưng ít ai biết rằng, để được như ngày hôm nay ông đã đổ bao mồ hôi, công sức.
Sinh ra ở vùng quê thuần nông, vợ chồng ông cũng như bao gia đình khác trong làng, ngày ngày vác cuốc ra đồng chỉ trông chờ hai vụ chiêm, mùa, quanh năm đầu tắt mặt tối mà vẫn thiếu ăn. Ông tâm sự: “Quê tôi vốn chỉ độc canh cây lúa, không có ngành nghề phụ, cái nghèo cứ đeo bám. Thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình kinh tế khác, năm 2018 tôi bàn với vợ đấu thầu 3 ha cộng với đất vườn của gia đình đầu tư phát triển mô hình VAC…”. Trên diện tích đất đấu thầu, vợ chồng ông dồn sức làm công việc “xưa như trái đất” của nhà nông: trồng cây ăn quả, cây rau màu, dựng chuồng trại nuôi gà, lợn, đào ao thả cá. Thời gian đầu, kinh nghiệm chưa có, cá chết do bệnh, chăn nuôi lợn thiếu khoa học nên bị thất thoát nhiều. Không nản, ông tìm đến các cơ sở chăn nuôi lớn học hỏi kỹ thuật chăm sóc cá giống, phòng, chống bệnh cho vật nuôi, tích cực tham gia các lớp tập huấn của địa phương về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, từ đó áp dụng vào thực tế. Kiên trì với phương thức lấy ngắn nuôi dài, mô hình VAC của gia đình ông dần dần cho hiệu quả. Năm 2010, ông mở rộng trồng các loại cây ăn quả, chủ lực là giống mít Thái Lan và hồng xiêm Xuân Đỉnh. Vụ vừa qua riêng tiền mít cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cây ăn quả, ông Giáo cho hay: Trồng cây ăn quả không quá nặng nhọc nhưng lại nhiều việc, như: Làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh... Do vườn có độ dốc cao, phân bón dễ bị trôi mỗi khi mưa lớn, nên ngoài duy trì lượng nước tưới thường xuyên, mỗi năm gia đình còn dùng phân bón có nguồn gốc hữu cơ kết hợp với đậu tương xay nhỏ bón cho cây 3-4 lần để bảo đảm chất dinh dưỡng nuôi cây. Bên cạnh đó, các loại cây ăn quả, đặc biệt là hồng xiêm, mít rất dễ nhiễm sâu, bệnh gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả. Vì vậy, thời điểm cây lên lộc non, bói quả rất quan trọng, phải chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây. Điểm độc đáo trong quy trình chăm sóc cây ăn quả của gia đình ông Giáo là tự chế ra hỗn hợp: Rượu, ớt, xả, gừng, tỏi... để phòng trừ sâu bệnh cho cây, vừa hiệu quả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm lại thân thiện với môi trường.
Hiện nay, trang trại gia đình ông ngoài nuôi hơn 1000 vịt đẻ, gà thương phẩm, 40 con bò còn trồng 5 mẫu lúa, hàng trăm cây mít, hồng xiêm và nhiều loại rau màu khác. Cứ mùa nào thức ấy, đất quanh năm quay vòng rải vụ. Trừ chi phí trang trại gia đình ông mỗi năm cho thu lãi  200 đến 300 triệu đồng. Từ nguồn thu đó, ông tiếp tục đầu tư vào trang trại, đồng thời tư vấn, chia sẻ những kinh nghiệm trong thực tế giúp nhiều hộ trong địa phương có thu nhập khá từ sản xuất nông nghiệp. Hàng ngày ông Giáo vẫn cần mẫn bên ruộng vườn và luôn suy nghĩ tìm những cây trồng có giá trị kinh tế để xen canh, gối vụ không để lãng phí đất và thời gian. Ông cho rằng: “Để làm một nhà nông giỏi không dễ nhưng mình phải biết tổng hoà mọi kinh nghiệm trong thực tế, sáng tạo, đi nhiều học nhiều, tìm hiểu và ứng dụng ngay tại trang trại của mình là bí quyết giúp tôi thành công trong mô hình VAC tổng hợp…”.

Hà Linh