Người cộng sản kiên trung, nhà thơ lớn của dân tộc

30/09/2022 19:38 Số lượt xem: 3292
Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành, sinh ngày 4-10-1920 ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nhưng quê hương của ông ở làng Phù Lai (nay là thôn Tân Xuân Lai), xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế). Quê hương Thừa Thiên - Huế là nơi khơi nguồn, bồi đắp lý tưởng và bầu nhiệt huyết cách mạng, tâm hồn thơ ca của Tố Hữu. Đây cũng là nơi đã chứng kiến những bước trưởng thành trong sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu.

Chân dung nhà thơ Tố Hữu và thủ bút một bài thơ. Ảnh Tư liệu

 

Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, hiếu học, có truyền thống yêu nước, với sự dìu dắt, chỉ bảo của người cha nên khi vừa tròn 4 tuổi, Tố Hữu đã biết chữ quốc ngữ, lên 6 tuổi, ông được đến trường học lớp nhất. Tố Hữu học hai năm đầu tiểu học ở Hội An, đến năm 1929, ông theo gia đình ra Huế. Năm 13 tuổi, Tố Hữu vào học tập tại Trường Quốc học Huế. Tại mái trường này, ông đã tiếp cận được tư tưởng của Các Mác, V.I. Lênin và Hồ Chí Minh... Đặc biệt, với sự dìu dắt của các đồng chí Lê Duẩn, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu… Tố Hữu đã sớm giác ngộ cách mạng.
Năm 1936, Tố Hữu tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản, được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. Tháng 4/1939, đồng chí Tố Hữu bị địch bắt, tra tấn dã man và đày đi nhiều nhà lao, như: Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, ngục Đắk Lay (Kon Tum)… Tuy nhiên, ngục tù của thực dân đã không khuất phục được ý chí cách mạng và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Tố Hữu. Trong lao tù, đồng chí Tố Hữu vẫn làm thơ động viên tinh thần các chiến sĩ cộng sản. Mỗi bài thơ của Tố Hữu như một tiếng kèn thôi thúc, như lời mách bảo, nung nấu ý chí, cuốn hút lớp lớp thanh niên đi theo cách mạng, để giành lại độc lập tự do, tương lai tươi sáng cho dân tộc.
Tháng 3-1942, đồng chí Tố Hữu vượt ngục về Thanh Hóa hoạt động, được Trung ương phái vào tổ chức Ủy ban khởi nghĩa các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và được phân công tham gia tổ chức Xứ ủy lâm thời Trung Bộ, giữ chức Phó Bí thư Xứ ủy. Những năm tháng gian khó của cách mạng, đồng chí Tố Hữu đã cùng với đồng chí, đồng bào xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở miền Trung. Ngày 17/8/1945, theo sự chỉ đạo của Trung ương, đồng chí đến Huế cùng các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh thành lập Ủy ban khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên - Huế và chuẩn bị mọi mặt để giành chính quyền ở đây.
Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh Thừa Thiên- Huế, đồng chí đã cùng với Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Huế - kinh đô của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, đầu não của chính quyền bù nhìn cả nước, là nơi đóng quân và bộ máy tối cao của cố vấn Nhật. Đồng thời, lãnh đạo củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ khi mới được thành lập. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước ta lại bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà. Với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, văn hóa, nhà thơ, đồng chí đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, anh dũng và vẻ vang của dân tộc.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tố Hữu luôn có mặt ở tiền tuyến như một chiến sĩ xung phong, nhiều lần tham gia chiến đấu trong chiến dịch Tây Bắc. Khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đồng chí Tố Hữu đã không quản ngại gian lao, nguy hiểm, xung phong vào chiến trường miền Nam, đi dọc theo tuyến đường Trường Sơn để viết nên những câu thơ hùng tráng, có sức lay động mạnh mẽ lòng người, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa anh hùng cách mạng của bao lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, đồng chí Tố Hữu đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng. Trong đó, năm 1980, đồng chí được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước; đại biểu Quốc hội khóa VII, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng. Tháng 3-1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng; từ tháng 6-1986, được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tư tưởng và văn hóa của Đảng... Ông mất ngày 9-12-2002 tại Hà Nội.
Trong 82 năm cuộc đời, đồng chí đã có gần 70 năm không ngừng nghỉ hoạt động cách mạng. Với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà thơ, đồng chí đã truyền cảm hứng lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng  gian khổ, anh dũng mà vẻ vang của dân tộc. Trong tâm thức các thế hệ người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã thuộc lòng những vần thơ trong Từ ấy, Ta đi tới, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Bài ca xuân 1961... Trong thơ Tố Hữu, người đọc cảm nhận tâm hồn, nghị lực, phẩm cách người Việt Nam qua hình ảnh những thiếu niên hồn nhiên và dũng cảm như Lượm, tấm lòng bao dung, độ lượng và chở che của các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên mọi nẻo đường Tổ quốc trong Bầm ơi, Bà Bủ, Bà mẹ Việt Bắc, Mẹ Tơm, Mẹ Suốt, Bà má Hậu Giang... Thơ Tố Hữu khắc họa chân dung những người con ưu tú đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Đó là người chiến sĩ giải phóng, anh bộ đội Cụ Hồ, là Anh hùng Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi... Và hơn cả là lòng ngưỡng mộ và kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những vần thơ lay động triệu con tim. Đường thơ Tố Hữu từ tập thơ Từ ấy, đến Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa, đã đi trọn theo dòng lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Mỗi cảm hứng trong thơ Tố Hữu  đều mang hơi thở cuộc sống  lao động và chiến đấu của quân dân ba miền với âm hưởng thơ lạc quan, khí thế mà đậm trữ tình, thể hiện tình cảm thiết tha, đậm đà của Tố Hữu dành cho Tổ quốc, non sông. Và cũng không ai viết thơ về Đảng, về lãnh tụ mà thiết tha như Tố Hữu. Tiếng thơ ấy được chắt lọc từ sâu thẳm con tim hướng về nguồn cội, về Đảng và Bác kính yêu. Như Giáo sư Hà Minh Đức nhận định rằng: “Tố Hữu đã cắm được những mốc sáng tạo thi ca trên những tượng đài chiến thắng của dân tộc”. Và với ông, một đời chỉ giản dị có bấy nhiêu: “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ, cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi “Trăm năm duyên kiếp Đảng và thơ”.
Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng sôi nổi, đồng chí Tố Hữu không chỉ là nhà lãnh đạo cách mạng có nhiều công lao, thành tích to lớn mà ông còn để lại một sự nghiệp thơ ca đồ sộ, đáng ngưỡng mộ. Một nhà thơ cách mạng, một nhà tư tưởng lớn của dân tộc. Với những đóng góp to lớn, đồng chí Tố Hữu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật cùng nhiều Huân chương, Huy chương và phần thưởng cao quý khác.

L.T (t.h)