Ngô Gia Tự và việc vận dụng sáng tạo tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào cuộc đấu tranh cách mạng

03/12/2018 08:54 Số lượt xem: 2213
Ngô Gia Tự chưa một lần được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhưng dưới ánh sáng tư tưởng cách mạng trong các tác phẩm của Người như Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường cách mệnh; thơ văn yêu nước cách mạng của Phan Bội Châu cùng với lòng ngưỡng mộ các nhà ái quốc đương thời. Ngô Gia Tự đã tham gia vào các hoạt động yêu nước đầu tiên như đấu tranh đòi trả tự do cho Phan Bội Châu (cuối năm 1925) và để tang Phan Châu Trinh (đầu năm 1926), cùng với lớp thanh niên có chí hướng tiến bộ tìm mọi cách để đến với Nguyễn Ái Quốc.

Cuối năm 1926, anh được giới thiệu vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên trong nước tại Bắc Ninh, đầu năm 1927 Hội giới thiệu anh sang dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, những nội dung mà Ngô Gia Tự tiếp thu được đều là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh từng bước được hình thành từ những năm 1920, cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, đã đi vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh in dấu ấn trong quá trình hoạt động thực tiễn, qua các bài viết, bài nói, tác phẩm của Người. Trên cơ sở đó tổ chức tiền thân của Đảng là Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ra đời.
Ngô Gia Tự nhận thức sâu sắc cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng Tháng Mười Nga, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Về Tư cách người cách mạng, Ngô Gia Tự thấm nhuần tư tưởng Nguyễn Ái Quốc muốn đi vào con đường cách mạng chống đế quốc, phong kiến, giành độc lập tự do; muốn trở thành một chiến sĩ cách mạng thực sự và muốn đưa cách mạng đến thắng lợi thì người cách mạng phải thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính; vị công vong tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói thì phải làm; giữ chủ nghĩa cho vững; ít lòng ham muốn về vật chất v.v… Đây là cái gốc, nền tảng của người cách mạng.
Ngô Gia Tự đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn đấu tranh cách mạng, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do anh xây dựng đã phát triển ở nhiều cơ sở trong tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội. Phong trào Vô sản hóa do anh đề xuất trong Kỳ bộ Bắc kỳ là một trong những tư tưởng lớn của Nguyễn Ái Quốc, là hòa mà không tư tức là phải hòa mình và gắn bó mật thiết với quần chúng công nông. Tư tưởng lớn đó trong giai đoạn mới hiện nay lại càng có giá trị thực tiễn hơn bao giờ hết.
Trên tinh thần cách mạng và khoa học, những chiến sĩ cách mạng ưu tú như Ngô Gia Tự đã phát hiện ra xu thế việc thành lập một chính đảng cách mạng đã chín muồi-Đảng Cộng sản, và nhóm Ngô Gia Tự đã lập ra chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Đồng thời anh cũng có công lao lớn trong việc lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Bắc Ninh. Sự kiện tiêu biểu đó, Ngô Gia Tự còn là người thiết lập những địa chỉ đỏ ở Nam kỳ như Phú Riềng, Ba Son... bằng nhiều hình thức tuyên truyền tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc vào phong trào công nhân, nhất là bồi dưỡng giác ngộ lớp thanh niên đang sục sôi tinh thần cách mạng.
Với những đóng góp xuất sắc của Ngô Gia Tự, sau hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một tổ chức duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) đồng chí đã được bầu làm Bí thư Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Nam kỳ. Cuối năm 1930, đồng chí bị địch bắt và giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Ngày 2 tháng 5 năm 1933 đồng chí bị kết án tù chung thân, đày ở Côn Đảo. Cũng như bao chiến sỹ cộng sản khác, Ngô Gia Tự đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, Với kiến thức lý luận và thực tiễn phong phú, Ngô Gia tự lại tiếp tục đấu tranh, tuyên truyền tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, dịch Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Tư bản, Làm gì? Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản, Hai sách lược, Nguyên lý của chủ nghĩa Lênin, Những vấn đề của chủ nghĩa Lênin…Đây là dịp tốt để Ngô Gia Tự và anh em trong nhà tù đế quốc học tập, rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường quan điểm giai cấp công nhân, trình độ lý luận mácxít và năng lực lãnh đạo phong trào cách mạng.
Đồng chí Ngô Gia Tự qua đời ở tuổi hai mươi bảy, thuộc lớp những người cộng sản tiền bối của Đảng ta, đồng chí là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với nhiều đóng góp quan trọng khác, Ngô Gia Tự đã sớm lĩnh hội được hệ thống quan điểm cách mạng toàn diện và sâu sắc của Nguyễn Ái Quốc, vận dụng sáng tạo tư tưởng trong những năm tháng hoạt động cách mạng của mình. Trên cơ sở đó, Ngô Gia Tự đã góp phần hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh, biến tư tưởng của Người về việc thành lập Đảng cộng sản và những nội dung khác thành hiện thực ở Việt Nam, và là ngưới có công đầu trong việc sáng lập và thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của cách mạng (là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này). Đồng chí Ngô Gia Tự trở thành một trong những người sáng lập Đảng ta.
Tư tưởng yêu nước và cách mạng của Nguyễn Ái Quốc được Ngô Gia Tự vận dụng sáng tạo trong cuộc đấu tranh không mệt mỏi chống chủ nghĩa đế quốc, vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân có  ý nghĩa và giá trị sâu sắc trong giai đoạn hiện nay, nhất là chúng ta đang tiếp tục thực hiện đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đưa sự nghiệp cách mạng vững bước đi lên.

Nguyễn-Sỹ