Nét đẹp từ những gia đình đa thế hệ

25/06/2020 19:34 Số lượt xem: 2224
Gia đình “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” không còn phổ biến khi xã hội ngày càng phát triển nhưng ở thành phố Bắc Ninh vẫn không thiếu những gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống hạnh phúc, thuận hòa dưới một mái nhà. Bí quyết nào để các gia đình ấy giữ lửa hạnh phúc, dung hòa khoảng cách giữa các thế hệ và gìn giữ được sự ổn định, nét đẹp của gia đình truyền thống? Các thành viên ở những gia đình chúng tôi đến thăm đều cho rằng, điều quan trọng nhất là có sự nhường nhịn, hy sinh, sống vì nhau và muốn ở bên nhau...

Người lớn mẫu mực, nêu gương
Là gia đình nông dân bốn thế hệ với 8 thành viên cùng ăn ở, sinh hoạt dưới một mái nhà nhưng gia đình cụ Nguyễn Thanh Tri, 90 tuổi ở Quả Cảm, Hoà Long (thành phố Bắc Ninh) lúc nào cũng vui vẻ, thuận hòa. Con cháu thảo hiền, kính trên dưới nhường, biết bảo ban nhau làm ăn kinh tế, xây dựng nền nếp gia đình.
Từng vào Nam ra Bắc, trải qua nhiều vị trí công tác trong quân đội sau đó chuyển sang ngành thuỷ lợi đến lúc nghỉ hưu vẫn bươn chải, xoay sở đủ nghề để mưu sinh. Cụ Tri kể, 75 tuổi tôi vẫn đi cày! Còn sức khoẻ thì cứ làm, phụ giúp thêm cùng con cháu, chứ như bây giờ 90 tuổi rồi muốn làm chẳng được. Cụ bà nhà tôi lúc trẻ tháo vát nhanh nhẹn lắm nhưng sau lần bị ngã phải ngồi một chỗ gần chục năm nay, còn tôi giờ cũng chỉ ăn rồi đọc sách, đi chơi. Công việc gia đình, giỗ tết, cỗ vui, cỗ buồn, tôi giao hết cho vợ chồng hai anh con trai Nguyễn Việt Hùng và Nguyễn Việt Hoạt. Thật mừng là các con trai, con dâu nhà tôi đều biết sống nên dù lo làm ăn phát triển kinh tế lại phải chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ già, rồi còn đối nội đối ngoại nhưng anh em, con cháu vẫn đoàn kết, biết bảo ban nhau chăm lo chu toàn mọi việc, không kêu than kể lể.
Để giữ hòa khí gia đình êm ấm, theo lời cụ Tri dạy bảo thì chẳng có bí quyết gì đặc biệt, cái chính là người lớn tuổi phải mẫu mực, cư xử công bằng, có trước có sau. Các con, các cháu cứ nhìn người lớn sống mà noi gương theo. Ngọc còn có vết, huống hồ là con người ai chẳng có lúc này lúc khác. Vì thế, trong cuộc sống gia đình cũng không tránh khỏi va chạm, xô bát xô đũa nhưng thấy điều gì không thuận mắt thì bình tĩnh xem xét rồi nhẹ nhàng nhắc nhở. Người lớn mà sắc cạnh quá rồi để ý để tứ, khắt khe, áp đặt sẽ gây mệt mỏi, căng thẳng cho con cháu...

 

Con cháu ngoan ngoãn, thảo hiền là niềm hạnh phúc lớn nhất của gia đình bà Tống Thị Như (Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh).

 


Con cháu ngoan ngoãn thảo hiền
Đến thăm gia đình bà Tống Thị Như, 66 tuổi ở Ninh Xá (thành phố Bắc Ninh) vào cuối giờ chiều. Sau một ngày lao động căng thẳng, các con bà Như đều mau chóng trở về mái ấm yêu thương rồi mỗi người một việc phụ mẹ chăm bà, chăm cháu, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm chuẩn bị bữa tối sum họp gia đình. Không quá đông đúc, gia đình “tứ đại đồng đường” của bà Như hiện có 6 thành viên (bà Như, mẹ chồng 94 tuổi, vợ chồng con trai, một con gái út và cháu nội 8 tuổi) đang chung sống đầm ấm và đầy tình yêu thương trong căn nhà ống hai tầng. Vừa làm dâu, làm bà, làm mẹ, bà Như là thành viên trung tâm kết nối, dung hoà các thành viên trong gia đình. Chồng mất sớm để lại 5 đứa con (4 gái, 1 trai) đang tuổi ăn tuổi lớn và một mẹ già. Khi ấy, mấy mẹ con bà cháu chỉ còn biết nương tựa, dựa dẫm vào nhau để vượt qua những năm tháng khó khăn. Sớm hôm chăm chỉ với ruộng đồng, tần tảo nuôi các con trưởng thành rồi lần lượt dựng vợ gả chồng... Thật mừng là các con của bà Như đều ngoan ngoãn, yêu thương đùm bọc nhau, biết kính trên nhường dưới.
Anh Nguyễn Tiến Hưng, con trai bà Như tâm sự: Hiếm khi mẹ nhắc nhở các con phải thế này thế kia mà chúng em cứ nhìn cách mẹ đối đãi, ứng xử với cô dì chú bác, anh chị em trong gia đình họ hàng, làng xóm và cách mẹ tận tụy ở bên cạnh chăm sóc bà nội mỗi ngày mà học theo.  
Bản tính hiền lành ít nói, bà Như bảo: “Xã hội văn minh rồi, con cháu có gì không nên không phải thì mình bảo ban luôn chứ không để bụng. Tôi học theo mẹ chồng tôi, mọi chuyện xuề xoà, đơn giản, cứ thương con, quý cháu rồi chúng nó sẽ yêu thương lại mình”. Về làm dâu gần 10 năm, chị Nguyễn Thị Hằng thổ lộ: “Mẹ chồng em hiền lành, chân chất, dễ tính, thoải mái với các con lại còn tình cảm và tâm lý nữa! Bà thương con dâu như con gái, nhiều lúc thấy em mỏi mệt bà ân cần hỏi han, động viên”.
Mỗi gia đình có một cách thức làm hài hòa mối quan hệ giữa các thế hệ với nhau song họ đều tạo được sự gắn bó, yêu thương và quan trọng hơn cả là người trước trao truyền cho người sau sự nhẫn nhịn, đức hi sinh để cùng gìn giữ và lan tỏa giá trị gia đình. Ông bà, bố mẹ luôn nêu gương sáng, là người công tâm, thấu hiểu và biết thông cảm chia sẻ để giải quyết những bất hòa, nếu có. Hơn nữa, cuộc sống hiện đại dù có phát triển đến đâu, mức sống được thay đổi thế nào thì tình yêu thương, tính nhường nhịn và sự hiếu kính vẫn là những giá trị bất biến, cốt lõi để xây dựng hạnh phúc gia đình. Yêu kính và chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ vừa là đạo đức vừa là nghĩa vụ, là trách nhiệm xuất phát từ tấm lòng của phận làm con. Học từ lối sống của người lớn, thế hệ con cháu hình thành ý thức tự rèn luyện bản thân, yêu thương, đoà n kết để gìn giữ nền nếp truyền thống gia đình. Bởi, giá trị đạo đức xây dựng từ gia đình bao giờ cũng là nền móng vững chắc để mỗi đứa trẻ bước ra ngoài xã hội có tâm thế vững vàng, lựa chọn lối sống tích cực, có ích.

Việt Thanh