Náo nức trảy hội Xuân

11/02/2019 10:47 Số lượt xem: 1574
 Mùa xuân lại về trong muôn sắc thắm, vạn vật bừng hương, lòng người chộn rộn, náo nức lễ chùa, trảy hội, cầu chúc một năm mới an lành, hạnh phúc. Ngay từ mồng 4 Tết, tiếng trống hội xuân đã rộn ràng vang vọng khắp xóm làng miền Quan họ như mời gọi, giục giã…

Đông đảo nhân dân và du khách thập phương trảy hội chùa Phật Tích (Tiên Du).

 

Sáng mồng 4 Tết trong tiết trời nắng ấm, chúng tôi trảy hội rước pháo Đồng Kỵ, phường Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn). Trong tiếng trống, chiêng vọng vang thúc giục, hàng nghìn du khách náo nức hòa mình vào đoàn rước pháo. Ông Kim Đạt, du khách đến từ Hà Nội phấn khởi: “Mười năm nay tôi đều về dự lễ hội rước pháo Đồng Kỵ. Nghi thức rước pháo ở đây thực sự rất đặc sắc. Ngày nay dù cuộc sống thay đổi nhiều, kinh tế phát triển từ làng lên phố nhưng nhân dân nơi đây vẫn gìn giữ, bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa truyền thống ông cha truyền lại”.
Tương truyền, lễ hội pháo Đồng Kỵ nhằm tưởng nhớ, tái hiện lại ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng được dân làng tôn thờ làm thành hoàng làng, ra lệnh xuất quân đánh đuổi giặc Ân vào thời Hùng Vương thứ 6. Sau khi chiến thắng trở về, dân làng mở hội khao quân, tiếng pháo nổ để ăn mừng thắng lợi. Ngày nay thực hiện theo quy định Nhà nước không được đốt pháo, nhân dân đã làm hai quả pháo Nhất, pháo Nhì bằng gỗ tốt tượng trưng, được sơn son thiếp vàng, trên có tứ linh: Long, ly, quy, phượng để rước hàng năm. Hội pháo Đồng Kỵ được diễn ra từ sáng mồng 4 đến hết mồng 6 Tết Nguyên đán. Rước pháo là nghi lễ cơ bản của phần lễ, vào giờ lành trong buổi sáng ngày mồng 4, hai quả pháo Nhất, pháo Nhì kèm theo hai tràng pháo được các thanh niên trai tráng tuổi từ 18 trở lên, gia đình không có bụi rước từ nhà truyền thống về đình làng. Cùng đi có đoàn tế hàng trăm người trong sự chứng kiến háo hức của hàng nghìn du khách thập phương trảy hội. Phần được nhân dân và du khách mong chờ nhất trong lễ hội là nghi thức rước quan đám của 4 giáp trong làng diễn ra vào đúng giờ Ngọ. Năm nay, 4 quan đám là 4 người đàn ông sinh năm 1969, mặc trang phục đỏ đều là người có uy tín trong làng, đức độ, gia đình êm ấm được đám thanh niên cởi trần, đeo thắt lưng đỏ rước quanh sân đình. Quan trọng nhất khi rước ông đám là không được phép để quan đám ngã, luôn giữ trên cao. Giáp nào giữ được ông đám trên cao lâu nhất sẽ giành chiến thắng trong khi đó người trảy hội cố gắng sờ tay vào quan đám để lấy may. Phần hội sôi nổi với phong phú các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao như: Hát Quan họ trên thuyền, thi đấu vật cổ truyền, chọi gà, tổ tôm điếm, bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, cờ tướng… Ông Dương Đức Sinh, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ, Phó Ban Tổ chức lễ hội rước pháo Đồng Kỵ xuân Kỷ Hợi cho biết: “Phường đã thành lập Ban tổ chức, giao nhiệm vụ cụ thể cho các tiểu ban, lực lượng bảo vệ, an ninh trật tự gồm công an phường, bảo vệ khu phố, tăng cường công an thị xã Từ Sơn, bố trí các chốt an ninh bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh đúng nghi lễ truyền thống”.

 

Nghi thức dô ông đám là phần sôi động nhất trong lễ hội Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn).


Nắng xuân rực rỡ chan hòa muôn nẻo khiến người du xuân có cảm giác nóng bức nhưng lễ hội khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích (Tiên Du) vẫn thu hút hàng vạn du khách về trảy hội, chiêm bái lễ phật. Chùa Phật Tích được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2014 và nức tiếng khắp cả nước với 2 nhóm Bảo vật Quốc gia hiện được lưu giữ là 10 linh thú đá và tượng Phật A di đà bằng đá có niên đại từ thời Lý. Năm nay, tiếng trống khai hội chùa Phật Tích vang lên từ chiều mồng 3 Tết. Sáng mồng 4 chính hội, khắp các ngả đường vào chùa đều tấp nập du khách. Lễ hội được tổ chức phần lễ trang nghiêm với nghi thức dâng hương, tế lễ do nhà chùa và hội phật tử địa phương thực hiện. Phần hội có nhiều hoạt động đậm bản sắc miền Kinh Bắc như: Tổ tôm điếm, đấu vật, hát Quan họ trên núi, trên thuyền và hát Quan họ sân khấu... Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phật Tích, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Phật Tích chia sẻ: Lễ hội Phật Tích năm nay có nhiều đổi mới trong công tác vệ sinh môi trường và ATTP. Ban Quản lý ATTP tỉnh thành lập 1 đoàn kiểm tra, giám sát chuyên ngành về ATTP từ chiều mồng 3 Tết đến hết mồng 5 Tết. 100% các điểm ăn uống, bán hàng ký cam kết về ATTP và được tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong vấn đề VSATTP, được phát miễn phí bao tải để thu gom rác thải, hạn chế việc đổ rác bừa bãi làm ảnh hưởng đến không gian lễ hội. Đối với vấn đề an ninh trật tự, ngoài lực lượng tình nguyện viên hướng dẫn hành lễ trong khu nội tự, còn có hơn 30 chiến sĩ  công an huyện, công an xã và dân quân tự vệ túc trực tại các chốt để giữ gìn an ninh trật tự, phân luồng xe, tránh ùn tắc giao thông, hạn chế tối đa tình trạng trộm cắp tài sản của du khách khi về trảy hội. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền về giá trị của di tích, nội quy, quy chế của lễ hội cũng được đẩy mạnh qua biển chỉ dẫn và hệ thống loa truyền thanh…
Trên quê hương Quan họ, ngay từ đầu xuân đã có nhiều lễ hội diễn ra và được thực hiện theo nếp sống văn minh, phản ánh giá trị truyền thống đặc sắc của từng lễ hội và di tích. Theo ghi nhận của chúng tôi, lượng du khách về lễ đền Bà Chúa Kho (thành phố Bắc Ninh) năm nay vẫn đông. Tuy nhiên, khuôn viên di tích, không gian lễ hội được đầu tư mở rộng nên không xảy ra tình trạng ùn tắc. Công tác an ninh trật tự được tăng cường, bổ sung hàng chục mắt camera trong khu nội tự, bảo đảm an toàn cho du khách hành lễ. Hội Người Cao tuổi với sự tham gia của hơn 200 hội viên thường xuyên túc trực, hướng dẫn du khách đặt lễ, đốt vàng mã đúng quy định.
Những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm tuyên truyền, vận động và chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành chức năng cùng sự đồng thuận trong nhân dân nên việc tổ chức lễ hội làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh) cũng bảo đảm văn minh, ngày càng đi vào nền nếp. Các nghi thức tế thần và rước theo truyền thống được duy trì nhưng không chém lợn giữa sân đình mà mổ lợn làm cỗ ngọc tế Thánh. Lễ hội khu phố Thượng mang ý nghĩa tinh thần, tưởng nhớ công lao của tướng Lý Đoàn Thượng - người có công với làng, được nhân dân suy tôn làm Thành Hoàng làng, đồng thời nhắc nhở con cháu về truyền thống anh dũng của ông cha và cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng, vạn vật tươi tốt…
Lễ hội truyền thống như một mạch ngầm chảy mãi, bừng lên sức sống, bản sắc của vùng quê Quan họ, trở thành một nét đẹp văn hoá bất biến, giàu ý nghĩa, làm nao nức lòng người mỗi độ xuân sang.

Bài, ảnh: Hường - Thanh