Nặng lòng với nghệ thuật truyền thống

21/09/2018 22:38 Số lượt xem: 2704
Trong xã hội hiện đại, các loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thiếu đất diễn và bị khán giả trẻ quay lưng. Song vẫn còn đó một bộ phận yêu nghệ thuật truyền thống đang ngày đêm gìn giữ và đau đáu với nỗi niềm truyền dạy, phát huy để những di sản văn hóa của cha ông, lan tỏa trong cuộc sống.

Đoàn Chèo Diệu Sơn, xã Yên Phụ (Yên Phong) vẫn thường xuyên tập luyện, sinh hoạt.

Bắc Ninh từ xa xưa vẫn được biết đến là vùng quê có nhiều môn nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Ca trù, Trống quân… Ngày nay, đi đến nhiều làng quê ở thị xã Từ Sơn, các huyện Yên Phong, Thuận Thành, Gia Bình vẫn còn những đêm diễn Tuồng, Chèo. Sân khấu truyền thống ở Bắc Ninh chủ yếu hướng vào phong trào quần chúng. Với hàng trăm lễ hội lớn, nhỏ đây chính là mảnh đất thuận lợi để các nghệ sỹ đem hết tài năng, sức lực của mình phục vụ nhân dân.

Một số CLB Tuồng, Chèo ở thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong, Quế Võ, Thuận Thành… mỗi năm có hơn 100 buổi diễn. Nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng sân khấu không chuyên như: Nghệ nhân Đàm Xuân Trung, Đức Thư, Quốc Oai (CLB Tuồng Tiến Bào, Phù Khê, thị xã Từ Sơn); NSƯT Đức Tú, NSƯT Thanh Vân, Nghệ nhân Thu Hương (CLB Tuồng Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn); Kim Tuyến, Xuân Sách (CLB Chèo Ngọc Khám, Thuận Thành)… vẫn gắn bó, nhiệt huyết với nghệ thuật.
Theo các nghệ nhân, nghệ sĩ thì cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật sân khấu truyền thống khó mà nói hết được. Ở mỗi vở diễn những vấn đề đạo đức xã hội đều được chuyển tải bằng yếu tố thẩm mỹ thông qua số phận của từng nhân vật, từ đó góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách con người. Khi cảm thụ, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật sân khấu, công chúng cảm nhận cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài... trong cuộc sống.
Nghệ thuật truyền thống có sự giáo dục rất cao đều nhằm tạo nên sự lựa chọn hướng tới những chuẩn mực của đạo đức xã hội, đề cao cái thiện, cái đẹp, cái cao thượng. Hay và ý nghĩa là thế, nhưng thực tế những người đam mê với lĩnh vực này còn rất ít, đội ngũ kế cận ngày càng co hẹp dần. Hiện nay, Bắc Ninh chỉ còn khoảng gần 20 CLB Tuồng, Chèo hoạt động. Ngoài những CLB vẫn được các địa phương mời đi biểu diễn thường xuyên, một số CLB hoạt động cầm chừng, mang tính chất gìn giữ vốn cổ quê hương, hàng năm biểu diễn phục vụ lễ hội làng vài buổi. Phần lớn các thành viên trong các CLB đều ở tuổi từ 50 đến 70, thế hệ trẻ chiếm tỉ lệ rất thấp.
Ông Nghiêm Văn Tộ, 70 tuổi, thành viên Đoàn Chèo Diệu Sơn, xã Yên Phụ (Yên Phong) chia sẻ: “Tôi hát Chèo từ những năm 1970. Đoàn Chèo ở Yên Phụ khi ấy nổi tiếng khắp vùng nhưng rồi thế hệ đi trước cũng già và mất, không còn đội ngũ kế cận nên đoàn Chèo tan rã. Đến nay tôi cùng một số anh, em khôi phục lại mới được 5 năm, thế hệ trẻ tham gia cũng không được nhiều do phải đi làm ở các KCN điều này thực sự khiến những người đam mê nghệ thuật truyền thống trăn trở”.
Thực trạng vắng khán giả, thiếu đội ngũ đạo diễn, diễn viên kế cận, sân khấu truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một. NSƯT Đức Tú, Chi hội Trưởng Chi hội sân khấu Bắc Ninh trải lòng: “Có rất nhiều nguyên nhân khiến khán giả không mặn mà với sân khấu truyền thống. Nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính thể loại khiến khán giả trẻ khó tiếp nhận vì họ không hiểu. Trong khi đó, việc phổ biến nghệ thuật truyền thống lại chưa được quan tâm đúng mức. Cũng dễ hiểu bởi hiện nay, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, nhất là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự đa dạng, hấp dẫn của nghệ thuật giải trí đang lôi cuốn giới trẻ, khiến họ ngày càng xa rời sân khấu truyền thống. Mặt khác do áp lực cuộc sống đa số thế hệ trẻ đều học tập, làm việc căng thẳng không còn thời gian để tiếp cận nghệ thuật truyền thống. Đây cũng là một rào cản khiến nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn trong việc tiếp nối”.
Những năm gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các hội thi, hội diễn, liên hoan sâu khấu không chuyên, liên hoan các làng Chèo tỉnh Bắc Ninh... Tuy nhiên để sân khấu truyền thống được “sống khỏe” rất cần những cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để giá trị của các loại hình này tiếp tục được gìn giữ, phát huy trong đời sống đương đại.

Minh Hường