Nặng lòng với chữ Hán Nôm cổ

18/04/2018 14:31 Số lượt xem: 1689
Tâm huyết với Hán Nôm cổ, ông Nguyễn Thành Thác, thôn Ngo giữa (xã An Bình, huyện Thuận Thành) cùng những thành viên Câu lạc bộ (CLB) Hán Nôm An Bình vẫn đang từng ngày miệt mài, nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của quê hương.

Với ông Nguyễn Thành Thác, học chữ thánh hiền là học lễ nghĩa, học đạo làm người.

 

Vốn là con của thầy đồ dạy chữ Nho nên ông Nguyễn Thành Thác được tiếp xúc với chữ Hán từ nhỏ, lên 7 tuổi ông thành thạo và có am hiểu nhất định về chữ Hán. Tạm gác tình yêu với Hán Nôm đến năm 18 tuổi, ông lên đường nhập ngũ. Trải qua nhiều vị trí, đơn vị công tác, ông luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao. Năm 1983, ông trở về địa phương, niềm đam mê với Hán Nôm chưa khi nào vơi cạn. Để ý thấy các địa phương, di tích, đình chùa, miếu đều có chữ Hán nhưng không mấy ai hiểu biết chữ Hán để đọc. Đau đáu với vốn chữ của dân tộc, ông Thác lập kế hoạch trình UBND xã An Bình cho mở lớp học chữ Hán. Năm 2006, ông quy tụ, tập hợp những người trong xã thành lập nên CLB Hán Nôm An Bình (do ông làm chủ nhiệm) nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị vốn có của chữ Hán, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng thế hệ mới. Các thành viên đều là những người hiểu biết về chữ Hán Nôm và phần lớn là các cụ ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn hăng say tìm tòi, cống hiến để sưu tầm cho kho tư liệu về chữ Hán.

Khi mới thành lập, CLB có 21 thành viên, đến nay, số hội viên lên tới 52, người trẻ nhất ở tuổi 40. Với mục đích là khai thác vốn văn bản Hán Nôm tại địa phương, truyền dạy chữ Hán Nôm cho người ham hiểu biết, tham mưu cho lãnh đạo xã trong việc phát huy chữ Hán Nôm tại các di tích…. Câu lạc bộ Hán Nôm xã An Bình đã sưu tầm, tổ chức biên dịch hầu hết số bia đá, chuông đồng, hoành phi câu đối ở các di tích công cộng trong xã và in thành tập “Văn bia xã An Bình”; dịch văn khắc chuông chùa Cổ Am (Do Tràng - Gia Bình), dịch văn bia chùa Bảo Phúc (Đổng Lâm - Gia Bình), gia phả họ Vũ và họ Nguyễn Đức (Ngọc Trì - Lương Tài), gia phả họ Nguyễn Đức (Thanh Da - Lương Tài), văn bia chùa Hương Thủy (Đại Trạch - Thuận Thành)…

Bên cạnh việc khai thác văn bản Hán Nôm, CLB giúp viết chữ hoành phi câu đối cho các di tích và nhà thờ như ở đền thờ Ngô Quyền (Hải Phòng), đền Đồng Bằng (Thái Bình), đền làng Thanh Da (Lương Tài), đình làng Nghi An (Thuận Thành), đình làng Thủ Pháp (Gia Bình), đình Thạch Lỗi (Cẩm Giàng)… Hằng năm CLB đều có đại diện tham dự hội nghị thông báo Hán Nôm toàn quốc do Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội tổ chức. Ngoài ra CLB còn cử đại diện tham gia tranh luận, giám định, phản biện hoành phi câu đối ở một số di tích lịch sử văn hóa.

Việc truyền dạy chữ Hán Nôm được CLB coi là nhiệm vụ quan trọng nhằm có thêm đông đảo lực lượng khai thác vốn Hán Nôm vào cuộc sống. CLB mở nhiều lớp học, các học viên đủ khả năng thực hành chữ Hán ở nhiều việc như: viết thư pháp, viết hoành phi câu đối, khắc chữ trên tranh gỗ, tranh dân gian Đông Hồ… CLB còn giúp nhiều giảng viên, sinh viên khoa Hán Nôm ở một số trường Đại học xin tài liệu nghiên cứu các đề tài, luận văn, luận án khoa học….

Khác với nhiều môn học khác, việc học chữ Hán Nôm cần thời gian, sự điềm tĩnh mới lĩnh hội được hết tinh hoa của văn hóa Hán Nôm. Giờ đây, dẫu tuổi cao, sức khỏe không còn nhiều nhưng ông Thác vẫn luôn tâm niệm: “Học chữ thánh hiền là học lễ nghĩa, học đạo làm người và cũng là để thỏa sự yêu thích, đam mê vốn văn hóa trong chữ Hán Nôm cổ. Hy vọng những điều mà tôi và các thành viên CLB Hán Nôm xã An Bình đã và đang làm sẽ góp phần viết dày thêm cho nền văn hóa Hán Nôm một thời. Để thế hệ sau có điều kiện, cơ hội tìm hiểu và đọc lại lịch sử văn hóa dân tộc một cách chân thực”.

Ngọc Hải