Nâng công suất các trạm nước sạch nông thôn

14/08/2022 19:41 Số lượt xem: 2222
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình nước sạch khu vực đồng bằng sông Hồng, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh chú trọng xây dựng và đưa vào vận hành gần 40 nhà máy nước sạch cung cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho người dân nông thôn.

Theo kết quả điều tra bộ chỉ số nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay, khu vực nông thôn trong tỉnh có 38 công trình nước sạch đang vận hành, công suất xấp xỉ 180.000 m3/ngày, đêm, cấp nước cho hơn 830.000 người dân, đạt tỷ lệ gần 80% dân số nông thôn. Các dự án cấp nước sạch nông thôn đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với đô thị. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; trong đó, số dân sử dụng nước sạch theo QCVN 02: 2009/BYT đạt gần 70%.
Được đầu tư xây dựng từ cuối năm 2013, Nhà máy cung cấp nước sạch tập trung xã Tri Phương (Tiên Du) chính thức hoàn thành, vận hành từ tháng 5-2016. Với công suất thiết kế giai đoạn 1 đạt 6.000m3/ngày, đêm, giai đoạn 2 đạt 10.000 m3/ngày, đêm, giai đoạn 3 đạt 17.500 m3/ngày, đêm, nhà máy đang cung cấp nước sạch cho hơn 20.000 hộ dân thuộc 13 xã, phường: Tri Phương, Hoàn Sơn, Liên Bão, Phật Tích, Cảnh Hưng, Minh Đạo, Hiên Vân, Việt Đoàn, Đại Đồng, Phú Lâm (Tiên Du), Phù Chẩn, Tương Giang (thành phố Từ Sơn), Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh).
Theo ông Bùi Công Tuyển, cán bộ phụ trách Nhà máy nước sạch tập trung xã Tri Phương: Qua 3 lần đầu tư nâng cao công suất nhưng hiện tại do số lượng khách hàng sử dụng tăng cao nên nhà máy luôn trong tình trạng vận hành hết công suất thiết kế vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nên nhiều thời điểm, nhất là vào mùa hè nắng nóng, một bộ phận khách hàng có ý kiến về khả năng cấp nước của nhà máy.

 

Nhà máy nước sạch Tri Phương (Tiên Du) đạt công suất thiết kế 17.500 m3/ngày, đêm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

 

Bên cạnh các nhà máy xử lý nước sạch từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, vốn vay của Ngân hàng Thế giới, những năm qua, tỉnh chú trọng huy động các doanh nghiệp tham gia xây dựng, quản lý và khai thác, nhằm giảm gánh nặng đầu tư của nhà nước đối với các công trình cung cấp nước sạch tập trung cho người dân khu vực nông thôn. Điển hình như Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phú Quang (Lương Tài) đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa 2 nhà máy nước sạch, trong đó: Nhà máy nước sạch An Thịnh có mức đầu tư 160 tỷ đồng, cung cấp nước cho 6 xã, với 6.000 hộ dân. Nhà máy nước sạch Quảng Phú, công suất thiết kế 16.000 m3/ngày, đêm, tổng kinh phí gần 130 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà nước đầu tư 60%, doanh nghiệp 40%, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân 3 xã huyện Lương Tài và 3 xã huyện Thuận Thành.
Theo ông Nguyễn Hữu Thung, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh: Các công trình cấp nước tại các địa phương đang được khai thác khá hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần giúp người dân nông thôn tiếp cận nguồn nước sạch, nâng cao chất lượng đời sống và sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vào mùa lũ và mùa nắng có biến động về độ đục tại các dòng sông cung cấp nước mặt nên cần kéo dài thêm thời gian và chi phí để sơ lắng, châm thêm hóa chất vào bể phản ứng để tăng hiệu quả phản ứng và lắng đọng, bảo đảm chất lượng cấp nước cho người dân. Ngoài ra, một số địa phương đang trong quá trình xây dựng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn Nông thôn mới, mở rộng đường đi ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp nước. Trong khi đó, nhân lực hạn chế, việc sửa chữa, khắc phục phải thực hiện trong thời gian nhanh nhất để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân. Thực tế trên đặt ra yêu cầu mở rộng, nâng cấp các trạm cấp nước sạch nông thôn, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian tới.
Được biết, vừa qua HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình bảo đảm an ninh nguồn nước thô của các trạm cấp nước sạch do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý. Theo đó, trong thời gian từ nay đến hết năm 2025, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn được giao nhiệm vụ đầu tư nâng cấp, mở rộng một số hạng mục tại các trạm nước sạch: Tri Phương (Tên Du), Tam Giang (Yên Phong). Phù Lãng (Quế Võ), Cao Đức, Đại Lai (Gia Bình), Phú Hòa (Lương Tài). Hiện tại, Trung tâm đang nỗ lực thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, phấn đấu cuối năm 2022 có thể triển khai một số dự án, hạng mục công trình với quyết tâm bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu nước sạch cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao.

Nguyễn Tuấn