Nâng cao vị thế các KCN Bắc Ninh trong khu vực và thế giới

23/08/2019 08:03 Số lượt xem: 3593
Với hàng loạt dự án tầm cỡ của những tập đoàn nổi tiếng quốc tế đầu tư vào các KCN tập trung đã thể hiện được sức hấp dẫn mạnh mẽ của Bắc Ninh. Sau 21 năm hình thành và phát triển, các KCN tập trung khẳng định là điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Bắc Ninh trong khu vực và thế giới.

Dây chuyền sản xuất của Công ty CP thép chính xác Sunway9 KCN Quế Võ II.

Bắc Ninh hiện có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, trong đó 10 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch đạt 68,7%, trên diện tích đất thu hồi 93,8%. Với nhiều lợi thế về vị trí, điều kiện tự nhiên, đặc biệt là môi trường đầu tư thông thoáng, cùng các chính sách hấp dẫn, hạ tầng đồng bộ hiện đại, các KCN Bắc Ninh không ngừng hoàn thiện nên thu hút các dự án đầu tư lớn, có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có đóng góp lớn cho ngân sách. Mặc dù trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, song giai đoạn vừa qua sức hút của các KCN Bắc Ninh không giảm, lượng vốn đầu tư luôn đạt và vượt kế hoạch, nhiều năm liền đứng trong top đầu cả nước. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh vào các KCN Bắc Ninh trong 7 tháng năm 2019 đạt hơn 1,028 tỷ USD (vượt kế hoạch cả năm 2019). Đặc biệt vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao, đạt FDI là 890,03 triệu USD (chiếm 86,5% tổng số vốn thu hút đầu tư vào tỉnh). Điển hình là các dự án đăng ký đầu tư mới như: Công ty TNHH Goertek (Hồng Kông) với tổng vốn đầu tư 260 triệu USD; Công ty Hữu hạn tập đoàn Deli (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư 25 triệu USD; Công ty TNHH TSE (Hàn Quốc), tổng vốn đầu tư 19 triệu USD; Cấp điều chỉnh tăng vốn cho Công ty TNHH Anyone (Hàn Quốc) từ 30 triệu USD lên 50 triệu USD… Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án “Đầu tư, xây dựng, kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, thương mại và dịch vụ VSIP Bắc Ninh II” do Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 103,91 triệu USD và cấp 1 Giấy phép Văn phòng đại diện. Hiện các KCN Bắc Ninh có 1.406 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt gần 18,833 tỷ USD.  Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư, 7 tháng qua, Ban Quản lý các KCN tiến hành các thủ tục chấm dứt hoạt động 10 dự án chậm tiến độ, với tổng vốn đầu tư đăng ký 16,6 triệu USD, lũy kế đến nay đã chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với 218 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 883,7 triệu USD.

Số lượng doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong các KCN Bắc Ninh tăng nhanh trong 10 năm trở lại đây. Năm 2009 FDI/DDI (đầu tư trực tiếp trong nước) là 114/100, năm 2014 FDI đã gấp hơn 2 lần DDI (305/149) và đến hết tháng 7 năm 2019 FDI/DDI là 946/460. Các DN FDI trong các KCN hoạt động trong lĩnh vực điện tử và phụ trợ điện tử với các dự án của những tập đoàn hàng đầu quốc tế như: Samsung, Canon, Foxconn, Hanwha Techwin, Công ty TNHH FUSHAN TECHNOLOGY (đổi tên từ Microsoft)… Vốn đầu tư đăng ký và vốn giải ngân tập trung chủ yếu từ các dự án Hàn Quốc, đặc biệt là 3 dự án Samsung tại KCN Yên Phong với tổng vốn đầu tư thực hiện là hơn 9,1 tỷ USD. Kết quả sản xuất kinh doanh của DN FDI luôn chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị toàn KCN và toàn tỉnh. Các giá trị về sản xuất công nghiệp, doanh thu, xuất, nhập khẩu tăng trưởng cao trong 3 năm liên tiếp từ 2016 đến 2018.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều yếu tố bất lợi nhưng trong các KCN vẫn có gần 70 dự án đi vào sản xuất, nâng tổng số dự án đang hoạt động lên hơn 1.000. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN tương đối ổn định. 7 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp trong KCN đạt hơn 536 nghìn tỷ đồng. Về xuất khẩu với sự phục hồi dần của mảng thị trường hàng điện tử nên giá trị xuất khẩu trong tháng 6 và tháng 7 tăng có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, trung bình đạt khoảng 2,6 tỷ USD/tháng. Tính chung 7 tháng năm 2019, giá trị xuất khẩu đạt khoảng hơn 19,2 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước khoảng 6500 tỷ đồng. Với nhiều dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế và những thông tin tích cực từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là Samsung (khu vực FDI chiếm tỷ lệ 66% trong GRDP, 92,8% giá trị sản xuất công nghiệp; Samsung chiếm tỷ lệ 70% giá trị sản xuất công nghiệp và 80% giá trị xuất khẩu), sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng của ngành công nghiệp những tháng cuối năm. Dự kiến năm 2019, các KCN sẽ tạo giá trị xuất khẩu khoảng 34,1 tỷ USD, giá trị sản xuất đạt 1,139 triệu tỷ đồng...
Ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng Ban Quản lý các KCN cho biết: Để đạt được kết quả đáng khích lệ đó, cùng với hiện thực hóa chủ trương về phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại của tỉnh, Ban Quản lý các KCN đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số hài lòng của doanh nghiệp và cải thiện các chỉ số PCI, PAPI. Xây dựng tốt môi trường đầu tư gồm cả môi trường chính sách và môi trường về hạ tầng kỹ thuật trong, ngoài KCN. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thực hiện xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan tâm thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn, có năng lực tài chính và giải pháp bảo vệ môi trường, quy mô lớn, có tác dụng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời tăng cường “hậu kiểm” và quản lý các dự án đã được cấp phép, nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh trật tự tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh.

Thái Uyên