Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động các cụm công nghiệp

12/03/2019 08:22 Số lượt xem: 4693
Trải qua gần 20 năm phát triển, các cụm công nghiệp (CCN) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đồng thời tạo mặt bằng cho doanh nghiệp, hộ cá thể mở rộng, phát triển sản xuất, có điều kiện đầu tư công nghệ mới xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm của Công ty Diana tại CCN Tân Chi.

 

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, bên cạnh kết quả tích cực, bốn mục tiêu đề ra của CCN là: Tách sản xuất ra khỏi khu dân cư; thúc đẩy kinh tế hộ kinh doanh, chuyển từ mô hình kinh tế hộ gia đình sang mô hình xí nghiệp, công ty; xử lý môi trường do phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ra và nhiệm vụ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa đạt được các yêu cầu. Các CCN cũng bộc lộ nhiều hạn chế như: Cơ sở hạ tầng (đường giao thông nội bộ, cây xanh, các công trình xử lý rác thải, nước thải... hầu hết đều chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh (chỉ có 2 CCN có trạm xử lý nước thải tập trung hoạt động là Phong  Khê, Đông Thọ). Một số cụm gây ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là các CCN làng nghề.
Công  tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng còn nhiều bất cập, chưa hợp lý. Tồn tại nhiều mô hình chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của CCN. Toàn tỉnh có 33 CCN quy hoạch, có 22 cụm đầu tư và đi vào hoạt động. Trong đó, có 6 cụm do UBND cấp xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (thành lập BQL dự án) như các CCN Phong Khê, Đình Bảng, Châu Khê, Đại Bái, Tương Giang... Các công trình hạ tầng tuy đã được đầu tư, nhưng chưa đầy đủ, không đồng bộ, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu theo quy định, các hạng mục xử lý môi trường chưa được đầu tư. Nguồn vốn đầu tư hạ tầng được thực hiện dựa trên đóng góp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong cụm. Việc vận hành, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng không được thực hiện do thiếu vốn và nguồn lực. Môi trường trong một số CCN ô nhiễm nghiêm trọng do công tác xử lý, bảo đảm về vệ sinh, môi trường không được quan tâm.
 7 CCN do Ban Quản lý khu công nghiệp thuộc UBND cấp huyện làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (CCN Phú Lâm, Thanh Khương, Dốc Sặt, Hạp Lĩnh, Hà Mãn-Trí Quả...) nhưng Ban quản lý Khu công nghiệp đã giải thể, hiện các cụm này do không còn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nên công trình hạ tầng kỹ thuật không được quản lý, duy tu, bảo dưỡng đã xuống cấp, gây nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thứ cấp, đặc biệt không thu hút được đầu tư.
9 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (CCN Đông Thọ, Tam Sơn, Châu Khê mở rộng, Hương Mạc...), thể hiện nhiều ưu điểm trong công tác quản lý như: kích thích, huy động được các nguồn lực cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, có đầu mối rõ ràng trong việc thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ của chủ đầu tư, thuận lợi trong việc thực hiện các ưu đãi, hỗ trợ cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm. Tuy nhiên nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện đúng cam kết về tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trông chờ sự hỗ trợ từ nhà nước trong quá trình đầu tư. Chưa chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo các cơ quan quản lý…
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện tại các CCN hiện tại không đạt hiệu quả cao do nhiều đầu mối quản lý, nhiều khi còn chồng chéo, buông lỏng. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước không được thực hiện đầy đủ, nên trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều cơ sở phát sinh vi phạm về xây dựng, an toàn lao động, an toàn môi trường chưa được xử lý triệt để, xảy ra tình trạng lấn chiếm đất hạ tầng cây xanh, đất nông nghiệp ở một số CCN làng nghề do UBND xã quản lý.
 Để khắc phục những tồn tại, phát huy vai trò, hiệu quả của các CCN với phát triển kinh tế, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế, đưa doanh nghiệp địa phương từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia cần phải nâng phải nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước tại các CCN. Giải pháp trọng tâm mang tính tiên quyết đó là rà soát, lập quy hoạch phát triển các CCN trên địa bàn thay thế Quyết định số 396/2013/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phù hợp với quy hoạch phát triển vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Đưa ra khỏi quy hoạch, dần thực hiện lộ trình chuyển đổi các CCN không còn phù hợp. Đối với các cụm hiệu quả đầu tư thấp chuyển sang phát triển lĩnh vực, ngành nghề khác có hiệu quả cao hơn. Tiến hành bổ sung các CCN mới để phù hợp với Quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh. Thực hiện đầu tư  phát triển các CCN sau khi tiến hành chuyển đổi, bổ sung quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp. Thống nhất mô hình chủ đầu tư hạ tầng, thực tế cho thấy mô hình doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN vẫn là phù hợp nhất. Các cụm chưa có chủ đầu tư hạ tầng tiến hành chuyển giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư theo hướng lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN và hỗ trợ kinh phí di dời các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong làng nghề vào CCN theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh để bảo đảm quyền lợi của các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh trong các CCN, thúc đẩy phát triển hoạt động công nghiệp trên địa bàn.
 

Thái Uyên