Nâng cao hiệu quả phòng, chống lao nhờ chủ động phát hiện, điều trị sớm

23/03/2023 20:46 Số lượt xem: 1205
Lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, song trên thực tế vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Không ai bị mắc Lao mà tử vong ngay, thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn, do đó đây được coi là “kẻ giết người thầm lặng”, từ khi phát hiện bệnh đến khi tử vong có thể đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, việc phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng.

Bệnh nhân N.T.H 57 tuổi ở xã Đại Lai (Gia Bình) thấy mệt mỏi, tức ngực, khó thở, đi khám và được phát hiện Lao, điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh. Bà H. cho biết “Trong 2 tháng đầu, uống thuốc Lao, tôi thấy rất khó chịu, mệt mỏi, nhưng các bác sĩ tư vấn, động viên kiên trì duy trì, uống thuốc đều, đúng chỉ định. Các bác sĩ cũng khuyến cáo tôi uống nhiều nước, chú ý ăn uống để bảo đảm dinh dưỡng nên sức khoẻ của tôi cải thiện dần và hiện nay đã tốt hẳn lên”.   
Theo bác sĩ Võ Hà Nam, khoa Lao phổi, Bệnh viện Phổi tỉnh, bệnh Lao lây qua đường hô hấp và có tác động bao trùm lên chất lượng cuộc sống người bệnh. Hiện nay, bệnh Lao vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây nên tử vong của các bệnh truyền nhiễm. “Một bệnh nhân Lao nếu không được phát hiện, điều trị thì trong 1 năm có thể lây bệnh cho từ 10-15 người, vì thế, việc một ca bệnh được phát hiện sớm, điều trị khỏi có ý nghĩa quan trọng để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng” - bác sĩ Nam nhấn mạnh.
Những năm gần đây, Bệnh viện Phổi tỉnh phát huy tốt hiệu quả của chiến lược “2X” (Xquang và X-Pert) trong công tác phát hiện sớm bệnh Lao. Trong đó, Gen X-Pert là hệ thống xét nghiệm hiện đại, chuyên sâu cho kết quả nhanh và chính xác, có thể phát hiện vi khuẩn Lao chỉ trong chưa đầy 2 tiếng đồng hồ. Ngoài kết quả chẩn đoán bệnh Lao, xét nghiệm này còn có ý nghĩa quan trọng khi có thể tìm ra vi khuẩn Lao kháng thuốc, giúp bác sĩ sớm đưa phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả. Đối với việc xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, khi mẫu bệnh phẩm lấy từ người dân có nguy cơ tiềm ẩn và được bảo quản, vận chuyển đúng cách về Bệnh viện Phổi để thực hiện trên máy Gen X-pert.

 

Điều dưỡng khoa Lao phổi hướng dẫn người bệnh tuân thủ nghiêm quy định dùng thuốc để đạt hiệu quả điều trị tích cực.


Nói về công tác phòng, chống Lao thời gian qua, bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh thông tin: Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong 2 năm 2020, 2021, công tác phòng chống Lao tại nước ta chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phát hiện bệnh Lao thấp nhất toàn cầu.
Trong năm 2022, sau khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, các cơ sở y tế ở tất cả các tuyến đã tăng cường hoạt động phòng, chống Lao chủ động, trong đó có việc tăng cường công tác khám sàng lọc tại cộng đồng để phát hiện ca bệnh, tư vấn và chuyển điều trị kịp thời. Bệnh viện Phổi tỉnh Bắc Ninh cũng triển khai kế hoạch hoạt động khám, phát hiện bệnh Lao, Lao kháng thuốc và Lao tiềm ẩn trên toàn tỉnh.
Bệnh viện Phổi tỉnh đã phối hợp với Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh tổ chức khám sàng lọc Lao, Lao tiềm ẩn cho đối tượng cán bộ, chiến sĩ, can phạm, phạm nhân tại trại tạm giam, qua đó phát hiện 130 ca Lao tiềm ẩn, đưa vào điều trị 75 trường hợp, số trường hợp không điều trị do sắp mãn hạn tù hoặc chuyển trại giam khác.
Công tác khám, phát hiện chủ động Lao và Lao tiềm ẩn cũng được đơn vị triển khai tới các nhóm đối tượng là người già, bệnh nhân đái tháo đường, đối tượng chính sách, bệnh nhân điều trị tại các điểm điều trị thay thế methadol tại các huyện, hành phố. Kết quả, qua khám chủ động tổng số 2.499 trường hợp tại 11 xã, phường thuộc thành phố Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh và huyện Tiên Du, đã thực hiện 2.262 ca xét nghiệm Mantoux (181 ca dương tính), 2.233 ca chụp X-Quang (128 phim bất thường). Triển khai chiến lược “2X” tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Du và Trung tâm Y tế thành phố Từ Sơn với 811 trường hợp được làm xét nghiệm Gen X-pert, phát hiện 11 ca dương tính.

Việt Hoa