Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến về đào tạo nghề cho lao động nông thôn

10/07/2018 08:31 Số lượt xem: 3686
 Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành hữu quan tỉnh Bắc Ninh quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Phụ nữ thôn Nghiêm Xá (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong) có thêm nguồn thu nhập nhờ nghề trồng nấm từ các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

 

Xác định vai trò quan trọng của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 21-11-2011 về “Tăng cường sự lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2015 và những năm tiếp theo”. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành hữu quan tổ chức quán triệt Chỉ thị sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. UBND tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lồng ghép chương trình đào tạo nghề vào chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho các cấp ủy Đảng chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ban Tuyên giáo các cấp phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hằng năm, Ủy Ban MTTQ tỉnh lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW ngày 5-11-2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chủ động phối hợp cùng các tổ chức thành viên tham gia thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn với các hình thức phù hợp; tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước phổ biến, tuyên truyền, tư vấn dạy nghề cho các đoàn viên, hội viên; biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Tỉnh Đoàn đã ban hành các văn bản hướng dẫn đến 100% cơ sở đoàn, hội; phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu học nghề, đào tạo nghề của lao động nông thôn nhằm giải quyết việc làm cho hội viên, đoàn viên thanh niên, lao động tại địa phương gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Ban Tuyên giáo các cấp chủ động phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan cùng cấp tham mưu với cấp ủy Đảng tăng cường chỉ đạo thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Thường trực Tỉnh ủy xây dựng báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, thường xuyên định hướng các cơ quan thông tin đại chúng, các ngành, các cấp tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề; phản ánh về công tác đào tạo, học nghề cho lao động nông thôn; tuyên truyền những mô hình, các tổ, nhóm, hợp tác xã giải quyết việc làm cho nhiều lao động sau khi học nghề, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định.

Từ sự chủ động tuyên truyền, nhận thức các cấp, các ngành và người dân về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được nâng lên góp phần tích cực vào kết quả đào tạo nghề của tỉnh. Những năm qua, người dân khu vực nông thôn của tỉnh được thụ hưởng chính sách đào tạo nghề của Đề án 1956 của Chính phủ như các nghề thủ công, trồng trọt, chăn nuôi, thú y… trong đó hàng nghìn lao động thuộc diện hộ nghèo, người tàn tật, người khuyết tật được tham gia đào tạo, dạy nghề và có việc làm sau đào tạo. Tĩnh cũng đã triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu về đào tạo nghề, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo nghề. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh tổ chức 954 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó nghề nông nghiệp 440 lớp, nghề phi nông nghiệp 514 lớp; đào tạo nghề cho gần 36.000 lao động, trong đó có gần 25.300 lao động nữ. Năm 2012, 70% lao động sau khi học nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định, đến năm 2016, 75% số lao động sau khi học nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định, nhiều người mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất mang lại nguồn thu nhập cao. Những kết quả trên góp phần phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến về dạy nghề cho lao động nông thôn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Công tác tuyên truyền nghị quyết và các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn chưa sâu, chưa đến được với tất cả lao động nông thôn; Một số địa phương, đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện chỉ thị còn có biểu hiện làm lướt, xây dựng chương trình thực hiện còn hình thức; Kế hoạch, công tác đào tạo nghề còn thiếu tính khả thi, chưa phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn, chưa gắn với tình hình thực tiễn của địa phương; Việc điều tra, khảo sát thực tế nhu cầu học nghề và thị trường lao động ở một số địa phương chưa sát thực tế dẫn đến lựa chọn nghề để dạy chưa đáp ứng nhu cầu người lao động, chưa cập với nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn...

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến về dạy nghề cho lao động nông thôn cần làm tốt một số giải pháp sau:

 Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy Đảng, đội ngũ cán bộ về vị trí, vai trò của công tác chính trị tư tưởng, công tác tuyên truyền đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đưa công tác tuyên truyền vào Nghị quyết, chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng, các cấp, các ngành, các tổ chức quần chúng.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, làm rõ mục đích, ý nghĩa đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động; kiện toàn cơ cấu tổ chức, phân rõ trách nhiệm và bảo đảm nguồn lực để tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, làm tốt công tác phân luồng trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học nghề. Cung cấp thông tin về các cơ sở có đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, các nghề đào tạo, các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm hiệu quả tại địa phương để lao động nông thôn lựa chọn, đồng thời khắc phục tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Hình thức tuyên truyền phải phong phú, có chiều sâu và được phổ biến trong toàn xã hội; nội dung tuyên truyền phải sắc sảo, hấp dẫn, có tính phát hiện, sát cơ sở… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.

Ba là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, phương pháp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các cấp, các ngành đặc biệt là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các đoàn thể nhân dân. Kịp thời cung cấp tài liệu về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dạy nghề, giải quyết việc làm... cho báo cáo viên nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên các cấp; tăng cường trao đổi, đối thoại giữa báo cáo viên với cán bộ, đảng viên và nhân dân; quan tâm hơn nữa việc tiếp nhận thông tin đa chiều, đặc biệt là từ dưới lên; tận dụng triệt để ưu thế của công nghệ thông tin phục vụ cho công tác tuyên truyền.

Bốn là, kết hợp đồng bộ các hình thức tuyên truyền để nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới như: Tuyên truyền miệng, báo chí, xuất bản, tổ chức sự kiện, hội thảo... Trong công tác tuyên truyền cần chú trọng đến nội dung nhằm đáp ứng được nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn.

 

Nguyễn Phương Mai

Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực BanTuyên giáo Tỉnh ủy