Nâng cao chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn

01/03/2020 17:34 Số lượt xem: 2260
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng lao động, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Từ ý nghĩa ấy, những năm qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu cho các cấp, ngành ban hành các chính sách và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn.

Đa dạng hoạt động đào tạo nghề
Gia Bình là huyện nông nghiệp, lượng lao động dồi dào nên các ngành, các cấp chủ động thu thập, xử lý thông tin thị trường lao động phục vụ cho công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân. Các hoạt động dạy nghề ngắn hạn, sơ cấp, trung cấp được tích cực triển khai. Năm 2019, toàn huyện mở 9 lớp dạy nghề ngắn hạn với 177 học viên; phối hợp mở 1 lớp Trung cấp nghề điện dân dụng cho 76 học viên. Công tác truyền nghề cũng được quan tâm khi trong năm đã truyền nghề cho 800 người, trong đó nghề gò, đúc đồng 200 người, nghề mây tre đan là 150 người, nghề may, thêu là 450 người... Kết quả đào tạo nghề góp phần tạo việc làm mới cho khoảng 1.000 lao động trong năm 2019.

 

Nhiều người dân Gia Bình sau khi học nghề được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.


Nhằm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành, các đoàn thể tuyên truyền, tư vấn học nghề tới người dân thông qua các phương tiện đại chúng, qua các tổ chức, đoàn thể, in phát tờ rơi... Thực hiện đầy đủ các chế độ hỗ trợ học nghề cho các đối tượng theo quy định. Từ sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành, các cấp, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục đạt những kết quả tích cực. Năm 2019, toàn tỉnh mở 80 lớp với 2.427 người được đào tạo nghề (tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt hơn 75%), trong đó nghề phi nông nghiệp là 1.700 người, nghề nông nghiệp là 727 người; số người hưởng chính sách ưu đãi người có công, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bị thu hồi đất nông nghiệp, khuyết tật là 524 người; phụ nữ được hỗ trợ đào tạo nghề là 1.983 người. Thực hiện hỗ trợ đã kịp thời động viên, khích lệ, chia sẻ gánh nặng về kinh tế cho nhiều người dân học nghề.
Các nghề đào tạo cũng được quan tâm theo hướng sát với tình hình kinh tế-xã hội của địa phương, phù hợp với sự phát triển của xã hội bám sát chương trình, mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Theo khảo sát, hiện các ngành phi nông nghiệp có số đông người lao động tham gia học như: Kỹ thuật chế biến món ăn, trang điểm thẩm mỹ, quản trị doanh nghiệp nhỏ, may công nghiệp, mây tre đan xuất khẩu, xoa bóp cổ truyền... Đối với các nghề nông nghiệp như: Kỹ thuật rau sạch, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y, kỹ thuật tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, trồng  nấm, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, trồng cây ăn quả... dù ít học viên song vẫn được nhiều cơ sở đào tạo nghề, hội, đoàn thể quan tâm, tổ chức. 

Vẫn còn những khó khăn
Trao đổi với ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) được biết, mặc dù công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có những kết quả tích cực nhưng trong quá trình thực hiện vẫn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định. Đó là việc học viên tham gia học nghề  đa số nằm trong độ tuổi trung niên, trình độ không đồng đều lại vừa học vừa lo việc gia đình nên chất lượng đào tạo chưa cao như mong muốn. Công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn do nhu cầu học nghề của lao động nông thôn ngày càng giảm, đối tượng ở lứa tuổi lao động trẻ thì hầu hết tham gia học nghề trình độ trung cấp, Cao đẳng hoặc đi làm tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Tại một số địa phương, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” chưa sát sao, thường xuyên; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp cấp huyện còn thiếu và phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên chất lượng, hiệu quả quản lý đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa cao.
Việc chọn nghề đào tạo ít có sự đổi mới, cơ bản các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn duy trì một số nghề trong khi nhiều người có nhu cầu đã học. Trong công tác đào tạo còn ít cơ sở đào tạo, trường chuyên nghiệp tham gia, hiện toàn tỉnh có 14 cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế đồng thời từng bước làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người dân. Triển khai hỗ trợ đào tạo nghề bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục mở rộng nghề đào tạo, nâng cao trình độ giáo viên và người dạy nghề; thực hiện đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Bên cạnh đó cần quan tâm tạo việc làm mới, giới thiệu việc làm để tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Ngọc Đăng