Một đời thương nhớ

23/07/2021 19:43 Số lượt xem: 3956
Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong sâu thẳm, Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Cược 91 tuổi ở thôn Hoàng Xá, xã Ninh Xá (Thuận Thành) vẫn đau đáu mong ngóng, đợi chờ bóng hình những đứa con. Hai lần trải qua nỗi đau mất con nhưng mẹ vẫn kiên cường vượt qua, tiếp tục sống, cống hiến và đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.

 

Bí thư Đảng ủy xã Ninh Xá Nguyễn Xuân Sàng chia sẻ với chúng tôi: “Trong các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, gia đình Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cược luôn gương mẫu, đi đầu tham gia bằng những hành động cụ thể, ý nghĩa, thiết thực. Đặc biệt trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, mẹ đã dành dụm toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình ủng hộ 10 triệu đồng cho Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19. Tấm lòng nhân ái, nghĩa cử của mẹ tạo sức lan tỏa sâu rộng về tinh thần sẻ chia, không ngừng cống hiến, đóng góp cho xã hội”.
Căn nhà nhỏ, ấm áp của mẹ Cược nằm giữa làng Hoàng Xá. Bên ghế đá, dưới vòm cây xanh biếc, mẹ mỉm cười đôn hậu: “Các con đến thăm là mẹ cảm thấy vui rồi. Còn việc làm của mẹ rất nhỏ, nhiều người trong thôn, ngoài xã có thể làm được để chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh”. Cả cuộc đời mẹ Cược hiến dâng, hy sinh thầm lặng cho cách mạng, cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Những năm kháng chiến chống Pháp bom rơi, đạn lạc, mẹ nhiều lần cùng gia đình sơ tán rồi khi bình yên lại trở về cùng cán bộ, dân quân du kích bám đất, giữ làng. Mẹ tích cực tham gia phong trào của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất chi viện cho miền Nam ruột thịt.
 Hưởng ứng phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, mẹ ân cần động viên các con lên đường nhập ngũ bảo vệ non sông. Ngước lên tấm Bằng Tổ quốc ghi công, bao nhiêu ký ức của mẹ ùa về. Mẹ sinh được 8 người con: 4 trai, 4 gái thì 2 người con của mẹ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc. Đó là Liệt sỹ Đỗ Văn Hát, sinh năm 1955 và Liệt sỹ Đỗ Đức Vui, sinh năm 1958.

 

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cược xúc động nghe người thân đọc lại lá thư của con trai Đỗ Văn Hát gửi về năm 1972.

 

Gần 50 năm trôi qua, lá thư của người con trai yêu dấu Đỗ Văn Hát luôn được mẹ nâng niu. Lá thư ngày 18-9-1972, anh Hát gửi về quê nhà từ doanh trại Lục Ngạn (Bắc Giang) trước thời khắc lên đường vào chiến trường B3 (Tây Nguyên) chiến đấu. Trong thư anh Hát viết: “Vừa qua có 1 cơn bão lớn làm đổ cả doanh trại, cả tiểu đoàn chúng con phải sơ tán vào nhà dân. Con chỉ lo về gia đình thôi. Không biết gia đình ta có thiệt hại nhiều không...”. Đó là bút tích và tình cảm cuối cùng anh để lại cho người thân. Năm 1974, cầm tờ giấy báo tử của con từ mặt trận tỉnh Kon Tum gửi về, mẹ lặng người nhìn về phía bầu trời xa xăm nhắn nhủ với các con “Chiến tranh mà...! Chiến tranh thì có mất mát, hy sinh”.
 Đất nước hòa bình, không có niềm vui nào bằng ngày trở về, nhưng cũng không có nỗi đau nào bằng nỗi đau trong ngày chiến thắng những người thân yêu nhất mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại. Ngày chính quyền địa phương, gia đình đón hài cốt Liệt sỹ Đỗ Văn Hát từ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum trở về quê hương, mẹ bảo rằng, với mẹ phút đau thương đón nhận tin con hy sinh từ mặt trận về cũng chính là phút giây khiến mẹ trở nên mạnh mẽ nhất. Khi ấy, trong mẹ chỉ có một suy nghĩ là còn giặc còn chiến đấu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Mẹ chưa bao giờ nghĩ mình làm điều ấy là để trở thành Anh hùng.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước ta dồn sức, hợp lực bảo vệ biên giới phía Bắc. Ngày 22-11-1978, tiếp nối truyền thống vẻ vang của gia đình, anh Đỗ Đức Vui, sinh năm 1958 xung phong trở thành lính trinh sát Trung đoàn 199, Sư đoàn 347, Quân đoàn 14. Ngày chia tay con lên đường nhập ngũ, dù canh cánh vết thương lòng trong kháng chiến chống Mỹ, mẹ Cược vẫn bình tâm căn dặn: “Con đi chân cứng đá mềm. Ở quê nhà, mẹ và gia đình tin tưởng con sẽ vững tâm, quyết chiến, quyết thắng trở về”. Có lời động viên của mẹ, anh Vui hân hoan, xông pha ra mặt trận. Tháng 5-1979, trong một lần thực hiện nhiệm vụ trinh sát luồn sâu trong lòng địch, anh Vui bị trọng thương (tỷ lệ thương tích 81%) ở mặt trận Lạng Sơn. Trở về quê hương, thương binh Đỗ Đức Vui luôn nêu cao truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” sống chan hòa, gương mẫu trong các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương. Năm 2016, do sức khỏe suy yếu, thương binh Đỗ Đức Vui qua đời, để lại niềm tiếc thương người thân, bạn bè, chính quyền địa phương. Ghi nhận chiến công và đóng góp tích cực, năm 2017, Đảng và Nhà nước đã suy tôn Liệt sỹ Đỗ Đức Vui.  
Đối với các con, mẹ Cược luôn là trụ cột, chỗ dựa tinh thần. Trong cuộc sống thường ngày, mẹ luôn răn dạy con, cháu phải biết kính trên, nhường dưới, đối với bạn bè, chòm xóm phải hòa nhã, thân tình; luôn phát huy truyền thống của gia đình cách mạng, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động, sản xuất.
Chia tay chúng tôi ra về, mẹ Cược vẫy tay với nụ cười hiền hòa, phúc hậu. Đâu đó trong xóm nhỏ cứ ngân vang bài ca “Hát về Mẹ Việt Nam Anh hùng” của cố nhạc sỹ An Thuyên: “Mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non”. Những hi sinh thầm lặng, cao cả và thiêng liêng của mẹ đã tô thắm những phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Mẹ vẫn sẽ tiếp thêm nguồn sức mạnh cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. 

Ghi chép của XUÂN BÌNH-PHONG VÂN