Mở lối cho nghệ thuật truyền thống tiếp cận giới trẻ

16/09/2021 19:16 Số lượt xem: 4074
Tìm cách dẫn lối, khơi gợi tình yêu nghệ thuật truyền thống trong giới trẻ và kiếm tìm nhân tố mới bồi đắp cho bản sắc văn hóa địa phương là nhiệm vụ quan trọng cần thiết, mang tính chiến lược để không bị đứt gãy thế hệ kế cận nối tiếp di sản. Hơn nữa, chính sự rung cảm trước tinh hoa văn hóa dân tộc, hiểu được thông điệp ông cha và biết trân quý những vẻ đẹp, giá trị gốc ẩn trong mỗi bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ giúp thế hệ trẻ vươn xa hơn...

 

Bắc Ninh là vùng đất có vai trò đặc biệt trong lịch sử phát triển của dân tộc, có điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển nhiều môn nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống như Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Tuồng, Chèo, Trống quân, Múa rối nước... Đây là những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, chứa đựng bản sắc, hồn cốt quê hương, dân tộc. Tuy nhiên, kết quả khảo sát, kiểm kê các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống gần đây cho thấy thực trạng khá ảm đạm. Ngoài Di sản Dân ca Quan họ được ưu tiên bảo tồn và phát triển bằng một chuỗi chương trình hành động dài hơi, thiết thực, còn lại các loại hình diễn xướng truyền thống khác vẫn đang rất chật vật, khó khăn.
Đơn cử như Ca trù, mặc dù được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp từ năm 2009 nhưng đến nay việc triển khai các biện pháp bảo vệ di sản này mới dừng lại ở công tác kiểm kê. Toàn tỉnh có 3 địa phương còn gìn giữ và thành lập được CLB ca trù là Thanh Khương (Thuận Thành), Tiểu Than (Vạn Ninh, Gia Bình) và Thượng Thôn (Đông Tiến, Yên Phong) với khoảng 100 thành viên. Song điều đáng nói là độ tuổi trung bình của thành viên đều trên 50 tuổi, có 5 nghệ nhân lão thành thì chỉ còn 3 nghệ nhân duy trì được khả năng truyền dạy. Nhiều tư liệu, nghi lễ, các thể cách ca trù như hát thi, hát cửa đình, hát thờ... hầu như đã thất truyền. Các CLB rất khó khăn trong việc duy trì hoạt động bởi thiếu thốn từ nguồn lực con người đến cơ sở vật chất, thiếu từ đàn phách cho đến người truyền dạy, người học và cả khán giả...
Với nghệ thuật hát Trống quân, trước đây Bắc Ninh là một trong các trung tâm của nghệ thuật này, hoạt động sôi nổi ở Thuận Thành, Quế Võ, thành phố Bắc Ninh. Tuy nhiên đến nay cả tỉnh chỉ còn duy nhất một CLB đàn và hát dân ca của Người cao tuổi thôn Bùi Xá (xã Ninh Xá, Thuận Thành) với 24 thành viên miệt mài tự nguyện góp công góp của thực hành gìn giữ di sản dù người trẻ nhất của CLB cũng đã chạm ngưỡng tuổi thất thập cổ lai hy.

 

Các chương trình biểu diễn múa rối nước Đồng Ngư luôn thu hút đông đảo “khán giả nhí”.


So với Ca trù và hát Trống quân thì nghệ thuật Tuồng, Chèo ở Bắc Ninh tuy có số lượng CLB nhiều hơn song tình trạng hoạt động hiện nay cũng chẳng lấy gì làm tươi sáng. Phần lớn các CLB Tuồng, Chèo ở cơ sở hoạt động tự phát, quy mô nhỏ và chưa thực sự nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Xét riêng nghệ thuật Tuồng, đội ngũ biểu diễn ở Bắc Ninh cách đây 40 năm có hơn 1000 người thì nay chỉ còn dưới 100 người với độ tuổi trung bình ngoài 60 tuổi. NSƯT Nguyễn Đức Tú, Chi hội Trưởng Chi hội Sân khấu (Hội VHNT tỉnh) đã rất lo lắng sốt ruột và nhiều lần lên tiếng: Vấn đề thế hệ kế cận đang đặt ra bài toán cực khó cho các CLB Tuồng. Hơn 30 năm qua, duy nhất CLB Tuồng Tiến Bào (Phù Khê, thị xã Từ Sơn) đào tạo được 2 cháu lớp đồng ấu theo nghề tổ thì nay đã ngoài 40 tuổi. Vậy khoảng 10 năm nữa, Bắc Ninh sẽ còn bao nhiêu người trực tiếp lên sân khấu biểu diễn Tuồng? Nếu để mất đi một di sản văn hóa dân tộc có trên đất Bắc Ninh-Kinh Bắc gần 300 năm thì vô cùng đáng tiếc!
Khi bàn về nghệ thuật sân khấu truyền thống với những giá trị dành cho giới trẻ, NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, người đã có 42 năm hoạt động trong lĩnh vực này tin rằng: Giới trẻ không quay lưng với giá trị nghệ thuật truyền thống. Vấn đề là các nhà quản lý, các đơn vị nghệ thuật cần có nhiều hơn nữa những giải pháp đưa nghệ thuật truyền thống gần hơn và hấp dẫn hơn với giới trẻ. Minh chứng thời gian qua có nhiều dự án cộng đồng phi lợi nhuận của các bạn trẻ yêu nghệ thuật truyền thống thế hệ 8X, 9X diễn ra sôi nổi như: “Chèo 48h”, “Về hát bội”, trình diễn trang phục cung đình... hoặc chương trình “Tái sinh nghệ thuật Chèo với dư duy thiết kế” do “Chèo 48h” phối hợp với Trường Đại học RMIT, Trường Đại học Việt Nhật tổ chức cũng là một ví dụ điển hình. Như vậy, chính những người trẻ với những góc nhìn mới mẻ, đầy sáng tạo sẽ biết cách cần phải sàng lọc, tiếp thu như thế nào để những giá trị truyền thống của ông cha được gìn giữ bền lâu.     
Vấn đề quan trọng nhất cần tác động bây giờ chính là làm sao truyền cảm hứng và thổi bùng lên tình yêu, lòng tự hào trong đối tượng khán giả trẻ về những cội rễ tinh hoa, hồn cốt văn hóa dân tộc. Muốn vậy đòi hỏi phải có cách làm phù hợp với sự tham gia nhiệt tình của chính quyền các cấp, ngành văn hóa, nhân dân các địa phương cùng tâm huyết của nghệ sĩ, người có chuyên môn. Trong đó, cơ chế, chính sách và sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của chính quyền là vô cùng cần thiết và ý nghĩa, bởi nghệ thuật truyền thống rất khó trở thành sản phẩm hàng hóa mang tính phổ biến “đắt hàng” như các loại hình giải trí hiện đại khác.
Bên cạnh công tác tôn vinh nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn cần quan tâm, có chính sách đào tạo thế hệ trẻ kế cận ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống; đầu tư kinh phí hàng năm để xây dựng vở diễn, triển khai các dự án như “sân khấu học đường”, mở lớp truyền dạy trong cộng đồng; nghiên cứu, khuyến khích những ý tưởng mới về giáo dục kiến thức di sản; sáng tạo, đổi mới hình thức truyền thông, quảng bá nghệ thuật truyền thống hấp dẫn, phù hợp thị hiếu giới trẻ thông qua các kênh mạng xã hội như Youtube, Zalo, Facebook, Tiktok, Twitter...

Việt Thanh