Miền đất sáng ngời sử xanh

07/05/2020 20:04 Số lượt xem: 4704
Yên Phong-vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử bên dòng sông Cầu huyền thoại. Nơi đây vọng vang hồn thiêng sông núi khi lần đầu tiên bài thơ thần bất hủ “Nam Quốc Sơn Hà” vang lên đã tạc vào “sách trời” tên nước Việt Nam. Trải suốt ngàn năm, miền đất Yên Phong văn hiến, cách mạng vẫn sáng ngời trong những trang sử hào hùng của dân tộc.

Mạch nguồn truyền thống
Vốn sinh ra từ vùng đất sông nước bao quanh bởi ba con sông Cầu, Ngũ Huyện Khê và sông Cà Lồ, người dân Yên Phong quan tâm đến phát triển kinh tế, lấy nông nghiệp làm nghề sản xuất chính và luôn mong cầu mưa thuận, gió hòa để phong đăng hòa cốc, nhân khang vật thịnh. Có lẽ vì thế mà tên gọi Yên Phong được hiểu là miền lặng gió và còn được hiểu là mảnh đất an bình, giàu có, phong lưu...

Ngã ba Xà - một địa danh lịch sử trọng yếu của chiến tuyến Như Nguyệt, tương truyền là nơi vang lên bài thơ thần bất hủ “Nam Quốc Sơn Hà”.

Như các địa phương khác thuộc miền Kinh Bắc văn hiến, các cuộc khai quật khảo cổ học ở xã Dũng Liệt, xã Long Châu phát hiện nhiều di vật đồng thau, đồ sắt minh chứng về sự có mặt của con người từ rất sớm ở vùng đất này. Chính đặc điểm địa lý và diễn trình lịch sử cư trú của tổ tiên trên những triền sông cho thấy ngoài nghề chính là nông nghiệp, cư dân Yên Phong còn sáng tạo nhiều nghề phụ như nuôi tằm, dệt vải, chài lưới, nghề mộc, cày bừa, ép dầu, nấu rượu...
Con người Yên Phong chất phác, thuần hậu, chăm chỉ, cần cù trong lao động và anh dũng, can trường trong chiến đấu. Mỗi khi có họa xâm lăng, đều một lòng hiệp lực đứng lên đánh giặc giữ làng, bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Qua biến thiên thời cuộc, làng xã Yên Phong không ngừng được củng cố và liên kết chặt chẽ, tạo sức mạnh cộng đồng bền vững, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh về kinh tế, đậm đà về bản sắc văn hóa.
Trong nhịp sống đời thường, mỗi lần qua lại miền đất bên sông Như Nguyệt vẫn như nghe thấy từ muôn lớp sóng vọng vang hồn thiêng sông núi, lời bài thơ thần bất hủ “Nam Quốc Sơn Hà” sang sảng vang lên khiến hàng chục vạn quân Tống rùng mình run sợ. Vẫn đong đầy xúc cảm thiêng liêng khi nghe lại bao biến thể của huyền tích, truyền thuyết dân gian về những vị thần luôn hiển linh đúng thời điểm giúp dân, giúp nước. Đó là sự tích bà chúa Chóa, bà chúa Sành dạy dân trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, làm đồ gốm hay bà Thí Thóc ở Vọng Nguyệt cần cù, nhân hậu để tiếng thơm cho đời; là truyền thuyết phản ánh về cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước, chống thiên tai của nhân dân; là các vị thần như Quý Minh đại vương ở đền Hàm Sơn, ba vị tướng người Đại Lâm giúp vua Hùng đánh giặc; chuyện An Dương Vương đắp thành Cổ Loa và Bạch Kê Tinh ở Yên Phụ; đặc biệt là chuyện về Đức Thánh Tam Giang hiển linh với bài thơ thần vang lên đánh giặc Tống ở Đền Xà cùng nhiều sự tích về các địa danh như Chợ Chờ, Đò Lo, Làng Lẫm, Đồng Xác, Sông Thiếp...
Miền đất thế lòng chảo này, mỗi bến sông, mỗi địa danh, tên làng, tên xã đều lắng sâu trong đó những vỉa tầng văn hóa, lịch sử quê hương.
Giữ gìn bản sắc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần
Tiếp nối mạch nguồn vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, Yên Phong hiện đang bảo tồn kho báu di sản vật thể và phi vật thể phong phú, đặc sắc với hàng trăm di tích, hàng chục lễ hội, giữ được nhiều loại hình diễn xướng nghệ thuật dân gian cùng kho tàng văn thơ, truyện kể, sự tích, giai thoại, truyền thuyết phong phú, đặc sắc... Những giá trị văn hoá mà cha ông bao đời đã kiến tạo, giữ gìn không chỉ là niềm tự hào mà còn là điểm tựa tinh thần và trở thành một nguồn lực quan trọng để Yên Phong phát triển đời sống kinh tế-xã hội. Chẳng nói những điều to tát về trách nhiệm, về tình yêu với văn hoá quê hương, nhưng nhìn cái cách mà người dân nơi đây cẩn trọng, nghiêm trang thực hành các nghi lễ truyền thống rồi say mê diễn xướng, truyền dạy tuồng, chèo, ca trù cũng đủ để thấy ý thức trân trọng, tiếp nối bảo vệ, gìn giữ bản sắc văn hóa quê hương. 

Nghệ nhân Nguyễn Đức Tý, truyền dạy loại hình nghệ thuật hát tuồng cho thiếu nhi.


Bước vào nhịp sống mới, bên cạnh phát triển kinh tế, các cấp, ngành, địa phương trong huyện luôn quan tâm chăm lo nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Huyện chủ động công tác quy hoạch quỹ đất, cân đối ngân sách đồng thời huy động mọi nguồn lực để từng bước đầu tư nâng cấp, hoàn thiện thiết chế văn hóa từ cấp huyện đến cơ sở. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, phong trào TDTT quần chúng cũng được khuyến khích phát triển sôi nổi, lan tỏa rộng khắp các địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, tạo sợi dây liên kết chặt chẽ, kết nối tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Nổi bật là chương trình hát Quan họ trên thuyền tại khu vực hồ trung tâm được huyện tổ chức định kỳ 6 tháng 1 lần; các chương trình giao lưu diễn xướng Dân ca Quan họ hàng tháng của các CLB văn nghệ quần chúng trong huyện...
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có bước phát triển toàn diện cả chất và lượng. Các nội dung của phong trào được cụ thể hóa, triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, lồng ghép với các phong trào thi đua của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Năm 2019, tỉ lệ gia đình văn hóa toàn huyện đạt 94,6%; có 64/75 thôn làng, khu phố đạt danh hiệu Làng văn hóa, trong đó 31 làng, khu phố đạt danh hiệu 5 năm liên tục, 5 làng văn hóa tiêu biểu được UBND huyện khen thưởng. Nếp sống văn minh trong việc cưới, tang dần đi vào nền nếp với tỉ lệ 96,8% đám cưới tổ chức văn minh. Việc tang dần xóa bỏ hủ tục, không làm cỗ mời khách trong tang lễ, tỉ lệ đám tang hỏa táng, điện táng đạt 51,6%. Đặc biệt, để khuyến khích nhân dân thực hiện hỏa táng, điện táng người quá cố, ngoài kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện Yên Phong đã xây dựng cơ chế hỗ trợ 3 triệu/đám tang hỏa táng, điện táng, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn căn cứ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ. Đến nay, 10/14 xã, thị trấn có cơ chế hỗ trợ đám tang hỏa táng, điện táng với các mức khác nhau như Đông Thọ, Yên Trung hỗ trợ 2 triệu/đám, thị trấn Chờ hỗ trợ 1,5 triệu/đám…
Chăm lo sự nghiệp văn hóa, gìn giữ bản sắc, nâng cao đời sống tinh thần bằng những định hướng đúng đắn và các cơ chế thiết thực, huyện Yên Phong đã và đang phát huy sức mạnh nội lực, đổi mới tư duy, vươn tới những giá trị mới rộng mở, bền vững hơn để tiếp tục kiến thiết dựng xây quê hương ngày càng trù phú, an bình.

Việt Thanh