Măng non Hoài Thị tiếp nối gìn giữ di sản Quan họ

12/07/2019 08:44 Số lượt xem: 2062
Những ngày hè dù thời tiết nắng nóng nhưng nhà khách đình làng Hoài Thị, xã Liên Bão (Tiên Du) vẫn vang lời ca Quan họ của các em thanh, thiếu nhi trong thôn. Tiếp nối truyền thống ông, cha, thế hệ măng non nơi đây đang chăm chỉ tập luyện những làn điệu Quan họ để gìn giữ, phát huy giá trị di sản quê hương.

Lớp học hát Quan họ của thanh, thiếu nhi thôn Hoài Thị.

Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi về thôn Hoài Thị để dự buổi sinh hoạt học hát Dân ca Quan họ của các em thanh, thiếu nhi nơi đây. Trong căn phòng rộng chừng hơn 30m2, các dãy bàn, ghế ngồi chật kín, có em đến đây học hát mới chỉ 5, 6 tuổi, lọt thỏm giữa những anh, chị 13 đến 15 tuổi. Khách đến chơi, các em được liền chị Nguyễn Thị Sỉnh bắt nhịp làn điệu Quan họ cổ “Khách đến chơi nhà” để tỏ lòng mến khách của người Quan họ. Giọng ca trong trẻo, ngân vang của các em làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên: “Khách đến i đến chơi hự hừ nhà là, chơi hự hừ nhà. Đốt than ớ ơ dầu mà quạt nước mấy pha trà mời người xơi là chén có a trà này. Quý vậy í ơ ơ, quý vậy đôi người ơi…”. Lớp học hát Quan họ của thanh, thiếu nhi Hoài Thị được mở học tập trung tại đình làng từ năm 2018, ngày đầu có hơn 10 em đến nay đã lên tới hơn 30 em có độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi.

Hàng ngày từ 7 đến 9 giờ tối, tại nhà khách đình làng những làn điệu Quan họ cổ do thế hệ măng non trong thôn lại ngân vang do các liền anh, liền chị trong CLB Quan họ thôn Hoài Thị truyền dạy. Mỗi người một công việc khác nhau nhưng với trách nhiệm của mình, các liền anh, liền chị trong CLB vẫn tận tâm lan tỏa tình yêu Quan họ đến thế hệ thanh, thiếu nhi trong thôn bằng sự nhiệt huyết như liền chị Nguyễn Thị Sỉnh, Nguyễn Thị Tư, Vũ Minh Lục; liền anh Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Sỹ Yên. Với mục tiêu chính là truyền dạy Quan họ cổ ngay từ khi còn nhỏ để các em dần yêu thích với giai điệu, ca từ, nên các liền anh, liền chị trong CLB Quan họ Hoài Thị đã tìm hiểu và soạn giáo án theo cuốn “Lời ca 50 bài hát đối đáp” do Trung tâm Văn hóa tỉnh biên soạn. Để hiểu hơn về hát Quan họ, tại mỗi buổi học, các em được truyền dạy về lề lối khi vào canh hát Quan họ cổ từ giọng lề lối đến giọng vặt và giọng giã bạn. Liền anh Nguyễn Văn Thành, phụ trách chính lớp học hát Quan họ của thanh, thiếu nhi trong thôn chia sẻ: Những năm trước, chúng tôi chia thành các nhóm học tại nhà do từng liền anh, liền chị phụ trách, từ năm 2018 chuyển sang dạy tập trung tại đình làng. Ngay từ đầu kỳ nghỉ hè, hệ thống truyền thanh của thôn thông báo chương trình học hát dân ca Quan họ miễn phí cho các em. Qua đó các gia đình có nhu cầu cho con em học đăng ký ngày càng đông. Nhiều cháu nhỏ hát chưa tròn chữ phải uốn nắn tỉ mỉ nhưng các cháu rất háo hức và chăm chỉ học hát.
Lớp học hát Quan họ cho thanh, thiếu nhi trong thôn có sổ theo dõi sự tiến bộ của từng em. Mỗi buổi học các em được kiểm tra hát lại bài cũ sau học đến bài mới theo trình tự học bài ra sau đến bài đối như: Ông tơ sao khéo đa đoan (bài ra)-Tưởng đến gần xa (bài đối); Còn duyên-Còn xuân; Ngồi tựa mạn thuyền-Ngồi tựa song đào… Với cách truyền dạy này, nhiều em trong lớp học đã thuộc được hơn 20 làn điệu, hiểu được phần nào về canh hát Quan họ cổ đối đáp của ông, cha xưa truyền lại. Là chị cả trong lớp học hát Quan họ, em Nguyễn Thị Phương Linh, 13 tuổi phấn khởi khoe: Ông nội em là nghệ nhân Quan họ Nguyễn Văn Quỳnh năm nay 86 tuổi, ngay từ khi còn nhỏ em đã được nghe Quan họ qua các lần tổ chức hát canh tại gia đình. Với những giá trị và vốn quý ông, cha truyền lại em luôn có ý thức mình cần phải gìn giữ, phát huy, vì thế ngày hè là dịp để em trau dồi vốn văn hóa Quan họ cũng như kỹ năng hát. Quan họ nhiều trổ, ca từ và giai điệu còn khó nhưng khi học thuộc được thì rất thích.
Tạm biệt lớp học hát Quan họ của thế hệ măng non Hoài Thị, trong mường tượng, chúng tôi thấy kỳ nghỉ hè của các em thật ý nghĩa, ngõ xóm nơi đây dường như vui nhộn hơn bởi tiếng các em trong thôn rủ nhau đi học hát mỗi tối và di sản văn hóa Quan họ sẽ mãi được thế hệ trẻ tiếp nối gìn giữ, phát huy trong cuộc sống hôm nay.

Minh Hường