Lý Thường Kiệt và chiến công lừng lẫy trên dòng Như Nguyệt

16/05/2019 08:58 Số lượt xem: 49939
Tròn 1000 năm trước, tại phường Thái Hòa, Thăng Long có một người con của Kinh thành Thăng Long chào đời và sau này đã làm nên nghiệp lớn, cứu nước, yên dân. Đó chính là Lý Thường Kiệt, người Anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, nhà chính trị và ngoại giao tài ba mà tên tuổi gắn liền với bài “thơ thần”-Nam Quốc Sơn Hà vang lên trên bến sông Như Nguyệt như bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Tên tuổi và sự nghiệp Thái úy Lý Thường Kiệt sáng mãi trong lịch sử vinh quang của dân tộc.
(Ảnh: Tượng đài Lý Thường Kiệt ở Tam Giang (Yên Phong) bên phòng tuyến Như Nguyệt lịch sử).

 

Sử sách ghi chép, Lý Thường Kiệt (1019-1105), tên thật là Ngô Tuấn, người phường Thái Hòa, thành Thăng Long (Thủ đô Hà Nội ngày nay). Từ nhỏ, ông đã có chí hướng, ham đọc sách, say sưa nghiên cứu binh thư, luyện tập võ nghệ. Ông tinh thông cả văn lẫn võ. Sự nghiệp của ông bắt đầu bằng chức “Kỵ mã hiệu uý” là một chức quan nhỏ trong quân đội. 23 tuổi, ông được bổ nhiệm làm quan theo hầu vua Lý Thái Tông, giữ chức “Hoàng môn chi hậu”. Trải qua ba triều vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, ông luôn là một trọng thần được triều đình tin tưởng, nể trọng.
Chiến công lớn đầu tiên của Lý Thường Kiệt là năm 1061, ông được cử đi bình định vùng đất Thanh Nghệ và nhờ tài nghệ của mình, ông đã khiến cho một dải non sông được yên bình. Đến năm 1069, Lý Thường Kiệt lại theo Vua Lý Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành, ông là tướng tiên phong và bắt được Vua Chiêm là Chế Củ. Sau sự kiện này, bờ cõi Đại Việt được mở rộng đến tận ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chánh (thuộc vùng Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay). Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, Hoàng tử Lý Càn Đức lên ngôi kế vị, lúc đó nhà vua mới được 7 tuổi. Vốn sẵn dã tâm dòm ngó, giặc phương Bắc xem đây là cơ hội tốt và ráo riết tiến hành mưu đồ xâm lược nước ta. Khi ấy, Nguyên Phi Ỷ Lan buông rèm nhiếp chính, Lý Thường Kiệt với cương vị như Tể tướng nắm toàn quyền cả văn lẫn võ. Gánh vác trách nhiệm lớn và nặng nề với vận mệnh giang sơn xã tắc, Lý Thường Kiệt nhận sứ mệnh thiêng liêng, trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Năm 1075, ông chủ trương dâng kế sách táo bạo chưa từng có-đánh châu Khâm, Liêm, Ung của nhà Tống để ngăn chặn trước một cuộc tiến đánh nước Việt và chủ trương ấy đã giành thắng lợi rực rỡ. Giới sử gia sau này đánh giá: “Thắng lợi của Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến chống lại quân Tống trên đất Trung Hoa năm 1075 không chỉ là một chiến thắng về quân sự, mà còn là một thắng lợi về chính trị, về ngoại giao”. Như vậy, trong lịch sử Việt Nam, Lý Thường Kiệt là người đầu tiên đem quân sang Bắc phạt.
Một trận thủy chiến vang dội, hào hùng nhất gắn liền với tên tuổi vị tướng chỉ huy tài ba lỗi lạc Lý Thường Kiệt là cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Tống diễn ra trên phòng tuyến Như Nguyệt thuộc địa phận Bắc Ninh ngày nay. Sử sách chép, Lý Thường Kiệt chọn lựa xây dựng phòng tuyến có nhiều chỗ núi ăn sát bờ sông, rừng cây có mật độ dày đặc với đồng trũng, ruộng lầy kéo dài hơn 10 km đường đê qua các xã Tam Giang, Tam Đa huyện Yên Phong đến Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh. Chiến lũy được xây dựng bằng đất có đóng cọc tre dày mấy tầng làm dậu. Dưới bãi sông được bố trí các hố chông ngầm tạo thành một phòng tuyến rất vững chắc. Quân của nhà Lý đóng thành từng trại trên suốt chiến tuyến, tập trung quan trọng ở ba trại Như Nguyệt, Phấn Động, Thị Cầu. Nhờ vị trí đắc địa của phòng tuyến Như Nguyệt mà chỉ sau vài tháng, quân dân nhà Lý dưới sự chỉ huy của dũng tướng Lý Thường Kiệt đã chặn đứng 10 vạn quân xâm lược nhà Tống, mang lại thắng lợi toàn diện cho Đại Việt.
Cũng chính trên chiến trường phòng tuyến sông Cầu, giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra vô cùng quyết liệt, vào một đêm, Lý Thường Kiệt sai người tâm phúc đọc vang bài thơ Nam Quốc Sơn Hà trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát. Bài “thơ thần” truyền đi đã có một sức mạnh kỳ lạ, làm nao núng tinh thần quân địch, làm tăng nhuệ khí và thêm sức chiến đấu cho quân ta, trực tiếp góp phần làm xoay chuyển cục diện cuộc chiến, tạo điều kiện cho cuộc phản công chiến lược của quân ta giành thắng lợi quyết định. Sau đó, Lý Thường Kiệt gửi thư cho Quách Quỳ (tướng nhà Tống) mở đường giảng hòa để giặc giữ thể diện lui ngay về nước.
Như vậy, Lý Thường Kiệt đã tài tình kết hợp giữa đấu tranh quân sự với công tác chính trị và hoạt động ngoại giao. Ông được lịch sử ghi nhận là anh hùng kiệt xuất, một con người hiến dâng cả tâm hồn sức lực cho sự nghiệp độc lập của Tổ quốc ở buổi đầu thời tự chủ. Tài năng quân sự kiệt xuất của ông làm kẻ thù khiếp phục. Với muôn dân, ông đối đãi khoan hòa, nhân từ nên được trăm họ yêu mến, kính trọng. Về văn học, ông để lại cho đời bài thơ bất hủ Nam Quốc Sơn Hà và bài hịch hùng tráng Phạt Tống lộ bố văn (Lộ bố-một tên gọi khác của văn hịch, thuộc thể loại văn học mang tính chiến đấu. Có tài liệu cho rằng, Lý Thường Kiệt là người viết hịch, viết văn lộ bố đầu tiên của Việt Nam-PV).
Lý Thường Kiệt mất năm 1105, được truy tặng tước hiệu Việt Quốc công Thái úy, nhân dân lập đền thờ ông ở nhiều nơi. Tên tuổi và sự nghiệp của Lý Thường Kiệt vẫn sáng chói mãi trong lịch sử vinh quang của dân tộc. Để tôn vinh, tri ân công lao của Việt Quốc công Thái úy Lý Thường Kiệt và vương triều Lý đối với sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của dân tộc, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Khu Đền thờ Lý Thường Kiệt tại xã Tam Giang, huyện Yên Phong gồm 20 hạng mục, tổng vốn đầu tư hơn 254 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, công trình Tượng đài Thái úy Lý Thường Kiệt cao 9m, trọng lượng 16 tấn, chất liệu đồng, được dựng vị trí trung tâm di tích đền thờ ông tại xã Tam Giang (Yên Phong), phía sau là phòng tuyến Như Nguyệt lịch sử. Công trình là biểu tượng thể hiện cho tình cảm, sự tôn kính của quê hương Bắc Ninh đối với những đóng góp vĩ đại của Thái úy Lý Thường Kiệt - bậc đại danh thần nhà Lý với những chiến công vang dội trong công cuộc phò Vua phá Tống, bình Chiêm.

Thiết thực kỷ niệm 1000 năm sinh Thái úy Lý Thường Kiệt (1019-2019), huyện Yên Phong tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như Lễ kỷ niệm, biểu diễn nghệ thuật, biên soạn sách “Thái úy Lý Thường Kiệt với quê hương Yên Phong”… Đặc biệt là hoàn thiện các hạng mục công trình phụ trợ của Dự án xây dựng khu đền thờ tại xã Tam Giang… Qua đó, thể hiện sự tri ân đối với bậc tiền nhân, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, tưởng nhớ đến công đức của Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt đã tài tình chỉ huy quân và dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến quân Tống xâm lược năm 1077, mở ra giai đoạn phát triển cường thịnh của quốc gia Đại Việt thế kỷ XI, là tiền đề phát triển rạng rỡ của nền văn hóa Việt Nam; tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống đoàn kết trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất cao về chính trị, tư tưởng, hành động trong sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

 

Bài, ảnh: Việt Thanh