Lương Tài thay “áo mới”

19/10/2018 09:37 Số lượt xem: 1765
Vốn là vùng đất trũng với vô vàn khó khăn, nhưng Lương Tài đã biết phát huy tiềm năng, lợi thế bứt phá vươn lên xây dựng những trang trại khép kín thông minh, những lồng lưới nặng cá đầy, những cánh đồng măng tây, cà rốt, bưởi, cam, chanh… xanh mướt trải dài, hứa hẹn những vụ bội thu. Lương Tài hôm nay đang bừng sáng, khoác lên mình một diện mạo mới.

Trung tâm thị trấn Thứa (Lương Tài) ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp

 


Bà Nguyễn Thị Nụ (79 tuổi) nguyên Chủ tịch UBND huyện Gia Lương chia sẻ với chúng tôi rằng: “Bộ mặt nông thôn hôm nay đã khác xưa rất nhiều, đó không chỉ ở những ngôi nhà khang trang, những con đường rộng mở mà còn ở tư duy mới, nếp sống mới hiển hiện trong những con người mới. Nhưng ở thời nào, thì người dân cũng luôn cần cù, biết vượt khó vươn lên, đoàn kết, sáng tạo chung sức tham gia xây dựng quê hương”. Câu chuyện cải tạo thủy lợi từ hơn 50 năm về trước của bà Nụ cứ như mới ngày hôm qua. Năm 1958-1959, Bác Hồ về thăm công trình thủy lợi Bắc-Hưng-Hải, Người căn dặn, bà con phải chăm lo sản xuất, kiến thiết ruộng đồng. Khi ấy, huyện Gia Lương (nay là huyện Lương Tài và Gia Bình) là mảnh đất chiêm trũng, thuần nông, cả năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa chiêm xuân. Nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1966, Tỉnh ủy Hà Bắc phát động “Chiến dịch toàn Đảng, toàn dân Hà Bắc ra tay làm thủy lợi”, mở đầu là mặt trận Bạch Đằng (Gia Lương), trong đó nhiệm vụ lớn nhất là đào sông Đồng Khởi nhằm mục tiêu điều tiết nước, khắc phục tình trạng hạn, úng ở vùng đồng trũng Gia Lương. Trên mặt trận này, hơn 2 vạn lao động trẻ của các “đội thủy lợi 202”, hàng nghìn đảng viên, đoàn viên thanh niên, cán bộ, giáo viên, học sinh… xung kích tham gia đào đắp hơn 70 vạn m3 đất, góp phần đưa sản xuất từ một vụ thành 2 đến 3 vụ, khắc phục tình trạng “chiêm khê, mùa thối”. Thủy lợi đã làm thay đổi diện mạo của vùng quê nông nghiệp, làm thay đổi tập quán canh tác, làm cơ sở để Lương Tài đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Lương Tài đang bừng lên sức sống mới với những trang trại khép kín thông minh, những lồng lưới nặng cá đầy, những cánh đồng măng tây, khoai tây, cà rốt, bưởi, cam, chanh… xanh mướt trải dài. Dẫn chúng tôi từ thị trấn Thứa qua An Thịnh, Trung Kênh, Minh Tân, Lai Hạ, Trừng Xá, Mỹ Hương… đồng chí Nguyễn Văn Giang, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện chỉ tường tận về 14 trang trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sử dụng con giống có chọn lọc, chất lượng cao như: Công ty trách nhiệm hữu hạn lợn giống DABACO Lương Tài, với quy mô 1.200 con lợn nái ngoại; Công ty trách nhiệm hữu hạn chăn nuôi gia cầm Matsukawa: chăn nuôi gia cầm lấy thịt và trứng, quy mô chăn nuôi 2.500 con gia cầm/năm...  Đứng trên triền đê sông Thái Bình, chúng tôi cảm nhận rõ về những đổi thay trong tư duy và cách làm ăn theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Người dân ở các xã Trung Kênh, An Thịnh, Minh Tân năng động, tận dụng nguồn nước mặt, đầu tư xây dựng nuôi cá lồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vừa thả thức ăn cho cá, ông Đỗ Văn Lên, Giám đốc HTX nuôi trồng thuỷ sản Minh Tiến (Trung Kênh) cho biết: “Nuôi cá trên sông có môi trường, không khí sạch, cá tăng trưởng tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn rất nhiều so với nuôi trong ao. Đây là một hướng mới, cho chúng tôi ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi, cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng, an toàn, đem lại lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng/lồng/năm”. Từ Trung Kênh, một số địa phương khác như Minh Tân, An Thịnh cũng học tập làm theo. Đến nay, toàn huyện Lương Tài có 705 lồng cá (Trung Kênh 443 lồng; Minh Tân 244 lồng và An Thịnh 12 lồng). 
Mạn bàn về câu chuyện nông nghiệp công nghệ cao, đồng chí Nguyễn Thị Hà, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lương Tài say sưa và kỳ vọng: “Nông nghiệp công nghệ cao đã làm cho nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông cùng nhau sáng tạo và xích lại gần nhau hơn. Tư tưởng, nhận thức đến hành động của người dân đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của mỗi người với những sản phẩm mà mình tạo ra trong đời sống, xã hội. Đó là động lực để huyện tập trung chỉ đạo ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và liên kết bốn nhà theo chuỗi, bảo đảm an toàn, chất lượng”. Một trong những dấu ấn đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng được Huyện ủy Lương Tài hiện thực hóa bằng việc ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/HU ngày 02-10-2017 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với 5 nhiệm vụ, giải pháp, tạo lập cơ chế, chính sách nhằm thu hút người dân, doanh nghiệp liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Sau một năm thực hiện Nghị quyết, đến nay toàn huyện đã chuyển đổi được 83,94 ha trồng lúa sang sản xuất rau màu, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả; tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách là 3,79 tỷ đồng. Tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng vào hầu hết các khâu của sản xuất như: Ứng dụng giống mới ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, chăm sóc, áp dụng nhà lưới, nhà màng, che phủ đất, sử dụng thuốc sinh học trong bảo vệ thực vật nhằm nâng cao giá trị sản xuất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó nâng cao được giá trị trồng trọt trên 1 ha canh tác đến nay đạt 124,6 triệu đồng. Cơ giới hóa cũng được áp dụng vào hầu hết các khâu của sản xuất như: làm đất, thu hoạch, phun thuốc trừ sâu, phun tưới nước tự động, góp phần giảm giá thành, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, chủ động thời vụ. Bước đầu thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP: Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm với mô hình trồng tía tô xuất khẩu trong nhà kính với diện tích 10 ha; Công ty cổ phần sản xuất, chế biến thực phẩm sạch Lương Tài, Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất - nhập khẩu nông sản Hải Phong trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn; mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả ở Mỹ Hương với diện tích 10 ha... bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Mỹ Hương được coi là một trong những vùng trũng nhất của huyện Lương Tài, do đó sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thoát nước. Tận mắt chứng kiến hàng vạn cây bưởi, cam, chanh của anh Nguyễn Hữu Hà, Giám đốc HTX nông sản Phú Quý đang vươn lên xanh tốt, mới thấy rõ sức trẻ và lòng quyết tâm chinh phục đồng đất nơi đây. Anh Nguyễn Hữu Hà cho biết: “Sau khi hợp đồng thuê ruộng của người dân, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là phải quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng hệ thống tiêu thoát nước đúng quy trình. Toàn bộ cánh đồng cam, chanh, chúng tôi chăm sóc tưới và cung cấp thức ăn dinh dưỡng hữu cơ cho cây bằng hệ thống bơm tự động...”. Nghe những điều anh chia sẻ, nhìn hàng cây xanh biếc, chúng tôi hy vọng rằng, một ngày không xa mảnh đất nơi đây sẽ cho nhiều hoa thơm, trái ngọt.
Những kết quả đạt được, từ nỗ lực và cách làm bài bản, khoa học trong triển khai toàn diện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng Nông thôn mới ở Lương Tài tạo ra bước chuyển mình rạng rỡ. Trên mọi nẻo đường, vườn cây, ao cá: những nông sản sạch, chất lượng mang thương hiệu Lương Tài đang “cất cánh” vươn xa..
 

Ghi chép của Đỗ Xuân-Văn Phong