Lương Tài chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

12/03/2019 08:31 Số lượt xem: 1570
Những năm qua, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn luôn được huyện Lương Tài quan tâm thực hiện gắn với nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp người lao động tìm kiếm được việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.


Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện Lương Tài bám sát mục tiêu Đề án 1956 của Thủ tướng chính phủ, các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của các cấp; xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cho các ngành, thành viên BCĐ huyện phối hợp tư vấn tuyển sinh, mở lớp, quản lý đào tạo dạy nghề theo kế hoạch. Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, giúp mỗi người lao động lựa chọn nghề học, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực, sở trường. Huyện cũng xác định công tác đào tạo nghề phải gắn với chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; từ đó có hình thức đào tạo phù hợp với người lao động. Nội dung chương trình đào tạo sát thực; giáo viên chủ nhiệm, giảng dạy phối phợp chặt chẽ với BCĐ các xã, thị trấn thường xuyên giám sát, đôn đốc lớp học nghiêm túc; công khai minh bạch các điều kiện lớp học như: kinh phí nguyên liệu, sản phẩm thực hành… Ngoài ra, Ban chỉ đạo huyện cũng phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân huyện quan tâm động viên lớp học, tham gia các đợt thực hành, kiểm tra kết thúc khóa học… góp phần thúc đẩy quá trình học tập của các lớp đạt kết quả cao. Điều tra, thu nhập, lưu trữ tổng hợp thông tin thị trường lao động, với hơn 31.400 hộ được điều tra thu thập thông tin; trong đó trên 19.500 hộ không biến động, 11.586 hộ biến động, 290 hộ mới phát sinh… tổ chức bàn giao cho ngành chuyên môn của tỉnh, làm cơ sở hoạch định, xây dựng đề án giải quyết việc làm đảm bảo sát với nhu cầu thực tiễn tại địa phương.
 Năm 2018, huyện Lương Tài đã tổ chức được 16 lớp đào tạo nghề cho 587 lao động nông thôn; trong đó Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên 6 lớp với 272 học viên, Hội Phụ nữ 8 lớp 255 học viên, Hội Nông dân 2 lớp 60 học viên. Ngoài ra, cũng tổ chức được 125 lớp tập huẩn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc cây màu vụ đông, kỹ thuật thâm canh lúa… cho 12.585 lượt cán bộ, hội viên. Hội Nông dân huyện tổ chức được 2 lớp bồi dưỡng kiến thức kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng cho 130 cán bộ hội cơ sở. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ thuật trình bày văn bản và nghiệp vụ chuyên môn cho 462 lượt cán bộ, công chức cấp xã…
Năm 2018, huyện Lương Tài đã tạo việc làm cho 3.700 lao động có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp; tạo việc làm thêm cho 6.500-7.000 lao động. Phối hợp với công ty TNHH Canon Việt Nam tuyển dụng 115 lao động nông thôn với thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện ưu tiên tuyển dụng lao động thuộc các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo với 55 lao động vào làm tại Công ty TNHH một thành viên DHA, Công ty cổ phần công nghệ sinh học Tân Việt Đông Bắc, Công ty TNHH may Đông Đô… với mức lương thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng, giúp các hộ có việc làm, thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo. Toàn huyện cũng có 15 cơ sở may màn, may khẩu trang xuất khẩu, cắt may gia công tạo việc làm cho hơn 1.000 hội viên với thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, cũng phối hợp với các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tạo điều kiện cho 145 lao động đi các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Ma Cao, các nước Trung Đông… thu nhập bình quân 16-22 triệu đồng/người/tháng…
Với mục tiêu năm 2019, đào tạo nghề cho khoảng 700 lao động nông thôn; phấn đấu tạo việc làm cho trên 3.800 lao động và việc làm thêm cho 6.500-7.000 lao động; xuất khẩu lao động đạt từ 200-300 lao động. Huyện Lương Tài tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện. Đặc biệt ưu tiên các lao động thuộc đối tượng chính sách, hộ nghè, cận nghèo. Tổ chức kiện toàn BCĐ công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, giám sát. Chỉ đạo ngành chuyên môn rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, xây dựng nội dung chương trình và giáo trình các nghề phù hợp với từng trình độ và năng lực người học…

Phượng Duyên, Đài Lương Tài