Lung linh hai tiếng GIA ĐÌNH

24/06/2019 15:47 Số lượt xem: 1101
Ai đó nói rằng, không một thành công nào trong sự nghiệp có thể bù đắp được cho thất bại trong đời sống gia đình. Vì vậy, bảo vệ gia đình đang được đặt ra như một nhiệm vụ của toàn xã hội chứ không phải là việc riêng của mỗi người, mỗi nhà. Gia đình - đó là nơi cho ta bao niềm thương mến, là điểm tựa vững bền mà suốt đời ta phải luôn trân trọng, vun đắp.

Cha mẹ luôn quan tâm đồng hành cùng con trong mọi hoạt động.


Với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) năm nay tôn vinh, đề cao và khẳng định truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong gia đình. Những bài học về đạo đức đầu tiên ở gia đình luôn là nền tảng để mỗi người có ý thức xây dựng lối sống lành mạnh, làm người tử tế và những công dân tốt. Nền nếp gia phong có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách của mỗi người. Cho nên, dù văn hóa ứng xử trong gia đình ở thời kỳ mới có nhiều thay đổi so với xưa kia thì những khuôn phép, lễ nghĩa căn bản như hoà thuận, chung thuỷ, tình nghĩa, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái, tôn trọng, hiếu đễ với cha mẹ… vẫn mãi là những giá trị tinh hoa cần được nối tiếp, phát huy và lan tỏa trong mỗi gia đình hiện đại. Việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình hiện nay vừa cần kế thừa tinh hoa truyền thống mà ông cha đã đúc kết thành những quy tắc ứng xử nghiêm ngặt, cốt lõi như: đi thưa về gửi, trên kính dưới nhường, thuận vợ thuận chồng, thủy chung, hiếu nghĩa… Cũng vừa phải tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới trong cuộc sống hội nhập như bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái...
Trong bối cảnh phát triển và hội nhập, gia đình đang có những biến đổi mạnh mẽ về cấu trúc, hình thái, quy mô và cả mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Những giá trị, chuẩn mực truyền thống đã và đang bị tác động, thay đổi, xen lẫn với những chuẩn mực, hành vi của xã hội mới. Sự quan tâm, chăm sóc của một bộ phận cha mẹ dành cho con cái dường như có phần suy giảm. Một số trẻ em thiếu vắng sự bảo vệ, yêu thương từ phía gia đình. Thêm vào đó là biết bao câu chuyện đau lòng về xâm hại tình dục, bạo lực học đường, ghen tuông, ngoại tình, những biểu hiện rạn nứt trong mối quan hệ giữa các thành viên gia đình… rồi cả sự thờ ơ vô cảm, lối sống buông thả, vị kỷ, cá nhân… vẫn lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông và cả thực tế đời sống. Chứng kiến và tiếp nhận luồng thông tin ấy khiến không ít người cảm thấy bất an, lo lắng…
Hãy tạm gạt sang một bên những câu chuyện đau lòng và đáng buồn ấy. Chỉ cần để tâm một chút, chúng ta sẽ thấy cuộc sống xung quanh vẫn lấp lánh vô vàn tấm gương gia đình hạnh phúc, tràn ngập tình yêu thương mà ở những môi trường khác khó có được. Đó là những điểm tựa vững bền mà một người mẹ lam lũ, tần tảo sớm tối với gánh hàng rau tập tàng vẫn nuôi ba con học Đại học; hay một người cha ngủ trong cống bê tông dành dụm tiền cho con chinh phục giấc mơ tri thức; rồi một người đàn ông tật nguyền ngồi xe lăn nhặt ve chai để nuôi sống bản thân, chăm sóc cha mẹ già; đến một người anh/người chị hy sinh hạnh phúc riêng để toàn tâm thay bố mẹ chăm đàn em khôn lớn, thành đạt… Và còn biết bao người phụ nữ lặng thầm đứng phía sau vun vén vẹn toàn gia đình để người chồng chuyên tâm phát triển sự nghiệp. Lại cũng có biết bao người chồng, người cha vượt khỏi định kiến chật hẹp của tư tưởng gia trưởng, tính sĩ diện của đàn ông để giành về mình mọi việc nội trợ, chăm chút tỉ mỉ cho vợ con từng bữa ăn, bộ quần áo mặc hàng ngày…
Và hơn thế là những gia đình chưa thật vẹn toàn theo góc nhìn truyền thống, nhưng nhiều người mẹ/người cha đơn thân vẫn vượt lên, kiêu hãnh nuôi dạy những đứa trẻ ngoan ngoãn, làm người tử tế… Chỉ có thể là một tình yêu sâu sắc và sự trân trọng thành tâm đối với gia đình mới khiến người ta sẵn sàng đánh đổi, sẵn sàng hy sinh vô điều kiện như vậy. Trên tất cả, họ là những người luôn bao dung và biết cách gìn giữ, bảo vệ, thắp sáng tổ ấm yêu thương của mình mãi vững bền.
GIA ĐÌNH - hai tiếng thân thương và thiêng liêng ấy không chỉ là nơi chốn tìm về yên bình nhất của mỗi con người sau những ngày tất bật mưu sinh mà còn là nơi sẵn sàng ôm ấp, bao bọc, chở che chúng ta trước những trắc trở, khúc ngoặt của cuộc đời. Trong những phút giây chênh chao, lầm lỡ, chỉ cần nghĩ đến ngôi nhà, người thân và những đứa trẻ thì mọi cô đơn, buồn tủi, khó khăn hay lạc bước đều được xóa bỏ trong sự bao dung, thương mến… Vì vậy, khi còn có thể, hãy luôn nâng niu, trân trọng và xây đắp cho tổ ấm yêu thương mãi lung linh vang tiếng gia đình.

Việt Thanh