Lực đẩy phát triển kinh tế hộ ở Thuận Thành

18/04/2019 08:27 Số lượt xem: 1881
Thuận Thành là địa phương được biết đến bởi sự năng động của nhiều nông dân xây dựng những cánh đồng cho thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha, các trang trại chăn nuôi tổng hợp quy mô đầu tư lên đến hàng tỷ đồng… Do đó, nhu cầu về vốn cho phát triển lĩnh vực này rất lớn, trong đó nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT (Agribank) giữ vai trò hết sức quan trọng.

Năm 2018, Agribank Thuận Thành đạt được kết quả khả quan trong chương trình cho vay nông nghiệp, nông thôn. Tổng dư nợ tăng 23,2% so với cuối năm 2017. Riêng 3 tháng đầu năm, giải ngân cho vay mới với doanh số 600 tỷ đồng. Hiện toàn huyện có 2.500 khách hàng có quan hệ tín dụng với ngân hàng, trong đó khách hàng cá nhân chiếm 97,7%. 

Với phương châm tập trung vốn cho “Tam nông”, Agribank Thuận Thành triển khai thực hiện theo vùng, tạo cơ chế tín dụng khép kín ngay trên địa bàn. Đồng thời chú trọng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng như: Mở rộng đối tượng cho vay, đơn giản tối đa hồ sơ thủ tục vay, áp dụng linh hoạt các biện pháp bảo đảm tiền vay… theo tinh thần Nghị định 55/2015/NĐ-CP (trước đây là Nghị định 41/2010/NĐ-CP); Quyết định 813/2017/QN-NHNN cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg; cho vay xây dựng nông thôn mới... để ngày càng nhiều đối tượng khách hàng là nông dân tiếp cận được vốn vay của Agribank. Từ nguồn vốn vay của ngân hàng, nhiều gia đình phát huy được tối đa hiệu quả đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, mở ra cơ hội lớn để người dân địa phương đầu tư phát triển kinh tế.
Điển hình gia đình ông Nguyễn Tiến Bắc, thôn Trà Lâm, xã Trí Quả được vay vốn Agribank Thuận Thành đầu tư phát triển nghề làm đậu kết hợp chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Bắc cho hay: “Tôi được Agribank Thuận Thành cho vay 400 triệu đồng, mức lãi suất và thời hạn cho vay hợp lý, giúp gia đình có điều kiện phát triển sản xuất. Khi làm các thủ tục vay vốn, được cán bộ ngân hàng hướng dẫn nhiệt tình, vốn được giải ngân kịp thời, nhanh chóng. Trung bình mỗi ngày gia đình sử dụng 40-50 kg đỗ tương, làm ra đậu cung cấp cho các trường học và người dân trong và ngoài địa phương. Tận dụng các phế phẩm từ làm đậu gia đình chăn nuôi lợn, trung bình 50-60 con, thời điểm nhiều hơn 100 con…”.
Năm 2016, anh Trịnh Quang Tái được vay 600 triệu đồng vốn của Agribank Thuận Thành để đầu tư trồng rau sạch. Do điều kiện thời tiết không thuận lợi, trồng rau kém hiệu quả nên cuối năm 2018 anh chuyển sang trồng cam. Trên diện tích 1,4 ha, anh Tái trồng hơn 1.000 gốc cam mua giống từ Văn Giang (Hưng Yên). Để bảo đảm cam sinh trưởng phát triển tốt anh thuê kỹ thuật từ khâu chọn giống đến chăm sóc, thời điểm này một số gốc cam đang bói quả, dự kiến cho thu hoạch trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Duy Ninh, Giám đốc Agribank Thuận Thành thì những năm gần đây dù chịu áp lực cạnh tranh với các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn, song đơn vị vẫn nỗ lực mở rộng thị phần huy động vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt để nông dân thuận tiện trong tiếp cận, sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, ngân hàng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng của Agribank, về thủ tục vay vốn, lãi suất tiền vay và nhất là thường xuyên hỗ trợ kịp thời, giải quyết khó khăn cho người dân trong quá trình vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh… Với những biện pháp tích cực, chủ động, hướng về khách hàng, Agribank Thuận Thành đã trở thành điểm tựa gắn kết, bền vững với nông dân trong phát triển kinh tế và làm thay đổi diện mạo ở mỗi làng quê.

Bài, ảnh: Nguyễn Tuấn- Hà Linh