Linh thiêng Ngọa Vân

12/02/2019 08:26 Số lượt xem: 923
Những làn gió mát mang hơi thở mùa xuân, giữa bát ngát màu xanh của cây cỏ, núi rừng khiến lòng người như thấy dịu lại, bao lo toan, buồn phiền dường như tan biến... Đó hẳn là cảm xúc, trải nghiệm đưa lại cho khách hành hương tới vùng đất Phật Ngọa Vân (Đông Triều). Trong không khí xuân tràn ngập sẽ là trải nghiệm tuyệt vời khi du khách dạo bước ngắm cảnh, chiêm bái về vùng đất Phật đẹp, hùng vĩ và linh thiêng.

 

Hùng vĩ và linh thiêng Ngọa Vân. Ảnh: Trung tâm Truyền thông và văn hóa Đông Triều

 

Quần thể chùa, am Ngọa Vân nằm trên núi Bảo Đài, thuộc địa phận 2 xã An Sinh và Bình Khê (Đông Triều). Ngọa Vân là nơi Đức vua Trần Nhân Tông dựng am tu hành và hóa Phật. Cũng bởi thế, Ngọa Vân cũng là thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm.

 

Du khách trẩy hội xuân Ngọa Vân bằng hệ thống cáp treo. Ảnh: Thanh Tùng(Trung tâm TT&VH Đông Triều)

 

Theo sử liệu, tháng 8/1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh. Sau thời gian tu hành khổ hạnh, ngài xuống núi, đi khắp xóm làng, dạy dân chúng từ bỏ mê tín, ban thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Tháng 5/1307, ngài lên tu tại một am nhỏ trên ngọn Ngọa Vân, núi Bảo Đài. Ngày mồng 1 tháng 11 âm lịch năm 1308, ngài nhập niết bàn. Vị trí đó chính là am Ngọa Vân nay.

 

Ngọa Vân diện mạo mới dịp lễ hội xuân Kỷ Hợi 2019.

 

Trong hành hành trình tu luyện và nhập diệt, Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu luyện, giảng pháp, độ tăng và Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của ngài. Sau khi ngài hóa Phật, đệ tử là Pháp Loa tổ chức hỏa thiêu thân xác ngài ngay tại Ngọa Vân, thu được hàng nghìn viên xá lỵ và ngọc cốt.

 

Tượng voi đá, tháp đá tại Ngọa Vân được bảo tồn giữ được giá trị nguyên sơ của di tích. Ảnh: Thanh Tùng (Trung tâm TT&VH Đông Triều)

 

Trải qua thời gian, những biến thiên của lịch sử, phần lớn kiến trúc chùa tháp trong quần thể di tích Ngọa Vân đã bị phá hủy. Những năm gần đây, nhờ sự hảo tâm đóng góp, sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh, quần thể di tích Ngoạ Vân, thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo từ tháng 2/2014, xứng đáng là miền Thánh địa. Những hạng mục quan trọng nhất được bảo tồn, tôn tạo như: Am Ngọa Vân, tháp Phật hoàng và tháp Đoan Nghiêm.

 

Du khách tấp nập trảy hội, hành hương, chiêm bái Ngọa Vân nhân dịp xuân mới.

 

Được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2013, Ngọa Vân nay được đầu tư hạ tầng giao thông để hành hương thuận lợi hơn. Quả thật không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên, hành hương tới Ngọa Vân du khách tham quan, chiêm bái quần thể gồm 4 khu với 15 cụm chùa, tháp gồm: Thông Đàn - Đô Kiệu, Ngọa Vân, Đá Chồng, Ba Bậc, trong đó Ngọa Vân là khu trung tâm.

Con đường hành hương lên Ngọa Vân đi từ đền An Sinh men theo suối đến phủ am Trà, đến dốc Đô Kiệu, qua Thông Đàn đến chùa Ngọa Vân. Mỗi chặng đường qua, du khách được chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên trữ tình, bạt ngàn màu xanh của mùa xuân, tiếng đại ngàn reo trong gió, đâu đó những vạt rừng thông, trúc cao vút xen lẫn màu sắc tinh khôi của cỏ cây. Tất cả vẽ nên một bức tranh xuân đầy sắc màu, nhưng cũng phảng phất cái phong vị thần bí, hoang sơ của một vùng đất thiêng.

Về với đất Phật, khách hành hương thêm hiểu về quá trình tu của Phật hoàng Trần Nhân Tông, du khách cảm nhận cảnh đẹp đất trời, cho tâm hồn thấy bình tâm. Dù hành hương vất vả, cảm xúc được nhớ tới trong tâm, tình cảm của du khách không chỉ là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ của một vùng núi non mà còn là nơi khởi nguồn cho những câu chuyện mang đậm màu sắc Phật giáo, chiêm nghiệm về cuộc sống, cảm nhận trọn vẹn về đạo, về đời. Ngọa Vân vùng đất thiêng và hùng vĩ, chỉ một ngày chiêm bái, hành hương bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị dịp đầu xuân.

Năm nay, Lễ hội chùa, am Ngọa Vân sẽ chính thức khai mạc vào ngày 13/2/2019 (tức ngày mùng 9 tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019). Nhân ngày khai hội Ngọa Vân, giá cáp treo sẽ giảm 25% cho khách hành hương.

Nguồn: Báo Quảng Ninh