Làng nghề truyền thống hội nhập và phát triển

11/10/2019 08:04 Số lượt xem: 3553

Bài 3: Thay đổi để phát triển 

Để thích ứng với tình hình mới, mỗi làng nghề phải nỗ lực tự thân thay đổi để phát triển, đồng thời cần có sự hỗ trợ hợp lý từ Nhà nước và xã hội. Trước mắt cần có những giải pháp hiệu quả xử lý dứt điểm tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, ô nhiễm môi trường cũng như bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. 

 

Truyền nghề và giữ chân lao động trẻ 


Lao động trẻ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống. Bởi họ là những người nắm bắt được tay nghề, có khả năng tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Việc giữ chân lao động trẻ nói riêng, lực lượng lao động nói chung, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của làng nghề. Muốn vậy, điều đầu tiên phải giúp họ có động lực học nghề, gắn bó với nghề, sống tốt, sống khỏe được bằng nghề. Nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp trong mối quan hệ giữa đào tạo nghề và sử dụng lao động đã qua đào tạo. Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, giới trẻ có vai trò rất quan trọng trong việc ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và quảng bá sản phẩm của làng nghề. Chính vì vậy, công tác đào tạo nghề, thu hút đội ngũ lao động trẻ cho các làng nghề sẽ góp phần giải quyết hiệu quả bài toán phát triển bền vững. 

 

Khách chọn mua hàng tại cơ sở sản xuất của gia đình anh Nguyễn Văn Sáu ở Lĩnh Mai (Quảng Phú).


Nhằm đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, truyền nghề và dạy nghề cho lao động trẻ tại các làng nghề truyền thống, thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá và xác định đối tượng, nhu cầu học nghề của lao động trẻ. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các địa phương phối hợp triển khai công tác này. Các trung tâm dạy nghề đẩy mạnh liên kết với các nghệ nhân, thợ lành nghề tổ chức giảng dạy, truyền nghề cho lao động trẻ. Các sở, ban, ngành liên quan cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đào tạo nghề cho các nghệ nhân trong việc dạy nghề; chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới mẫu mã sản phẩm, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, từ đó làm cơ sở vững chắc để thu hút, giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động trẻ sau đào tạo.
 Ông Trần Văn Hiện, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh cho biết: “Trung tâm tích cực đào tạo, nâng cao tay nghề cho hàng vạn lao động trong các ngành nghề như: Gỗ mỹ nghệ, mây tre đan, gốm, may công nghiệp… để phục vụ cho chương trình bảo tồn và nhân cấy nghề tại các địa phương. Công tác đào tạo nghề có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, nên chất lượng đào tạo tốt, tỷ lệ lao động có việc làm cao. Trung tâm còn tạo điều kiện kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật sản xuất, quảng bá thông tin và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm…”.

Khắc phục ô nhiễm môi trường
Cho đến nay, hầu như chưa có doanh nghiệp, cá nhân nào “mạnh dạn” đầu tư xử lý vấn đề môi trường làng nghề. Nguyên nhân do khả năng thu hồi vốn, duy trì, vận hành các công trình đầu tư là khó khăn, kể cả những dự án đã được hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tâm lý ỷ lại, coi việc xử lý hậu quả ô nhiễm làng nghề là việc của Nhà nước còn tồn tại phổ biến ở hầu hết các hộ sản xuất trong làng nghề. Vì vậy, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề phải gắn với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc phát triển bền vững. Tiến hành đồng bộ các giải pháp và công cụ quản lý khác nhau như: xây dựng và ban hành lộ trình về áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường phù hợp với đặc thù sản xuất làng nghề; đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn về sản xuất sạch hơn, nhân rộng các mô hình thu gom và xử lý chất thải hiệu quả; khuyến khích hình thành các hiệp hội ngành nghề nông thôn, hợp tác xã, tổ tự quản bảo vệ môi trường; tăng cường đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường làng nghề; tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường và ý thức chấp hành pháp luật về môi trường trong cộng đồng; cân đối ngân sách cho thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó quan tâm đến phát triển ngành nghề nông thôn làng nghề với việc xử lý môi trường làng nghề.
 Bên cạnh đó cần quan tâm hơn nữa trong việc đa dạng hóa đầu tư tài chính cho bảo vệ môi trường làng nghề, bố trí đủ kinh phí triển khai các nhiệm vụ, dự án theo đúng lộ trình đề xuất nhằm chuyển biến cả về nhận thức, hành động cũng như cải thiện tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề.

 

Đổi mới công nghệ


Sản phẩm của làng nghề truyền thống đã và đang được người tiêu dùng chấp nhận nhưng chưa có sức lan tỏa, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng cả trong và ngoài nước là một thực tế khiến cho nhiều sản phẩm chưa thể đến nhiều với những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như: Anh, Mỹ, Pháp và Đức... Để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm, cần phải đổi mới công nghệ. Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú (Gia Bình) cho biết: “Trước đây sản phẩm của làng nghề Quảng Bố còn đơn điệu, chủ yếu chỉ cô đúc đồng và làm bu-lông, ốc vít bằng đồng sản xuất thủ công, thu nhập thấp nên nhiều người nản bỏ nghề khiến cho làng nghề khó phát triển. Nhưng bây giờ, hầu hết các cơ sở đều mạnh dạn đầu tư các loại máy chuyên dụng, công nghệ hiện đại như máy cắt, máy tiện, đúc, gọt… giúp tiết giảm chi phí, nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như công suất và hiệu quả hoạt động, nên nhiều lao động trong và ngoài thôn đã gắn bó với nghề giúp làng nghề phục hồi và phát triển khá mạnh”.

 

Công ty cổ phần Đồng Âu Lạc ở làng nghề Quảng Bố đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất đem lại hiệu quả cao.


Giám đốc Công ty Cổ phần đồng Âu Lạc Nguyễn Đăng Đoàn,  chia sẻ: “Mấy năm gần đây, Công ty có doanh thu đạt khoảng 30 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 30 lao động. Để chủ động trong việc sản xuất, kinh doanh, Công ty đã đầu tư dàn máy chuyên dùng hỗ trợ quá trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đồng thời luôn thay đổi mẫu mã sản phẩm đáp ứng thị hiếu khách hàng; thực hiện việc quảng bá sản phẩm qua các kênh khác nhau. Vì vậy sản phẩm của doanh nghiệp đã có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường”. Còn bà Nguyễn Thị Hành thôn Hồi Quan là 1 trong 5 hộ của thôn vẫn duy trì và phát triển được nghề dệt truyền thống cũng cho biết: “Nghề dệt truyền thống của địa phương có nguy cơ mai một vì thiếu nhân lực, thiếu thị trường tiêu thụ. Gia đình đã khắc phục được cả 2 yếu tố trên bằng cách đầu tư toàn bộ hệ thống thiết bị hiện đại vào sản xuất từ máy dệt, nhuộm đến tẩy thay thế lao động thủ công. Do đó từ 50 lao động nay giảm xuống còn 7 lao động mà khối lượng hàng sản xuất ra còn nhiều hơn trước, sản phẩm chất lượng hơn đáp ứng nhu cầu của thị trường, hạn chế được tình trạng tồn kho, hủy bỏ hàng. Chính vì thế, xưởng dệt của gia đình vẫn duy trì và phát triển tốt”.
Sản phẩm là yếu tố mang tính sống còn của các làng nghề, do vậy cần tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã và hình thức đẹp mắt, thu hút được người tiêu dùng. Do đó, các làng nghề cần thường xuyên đầu tư hiện đại hóa công nghệ, cải tiến đổi mới phương pháp sản xuất, trau dồi tay nghề cho người lao động. Tăng cường đào tạo nghề, cải tiến phương thức đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề, trình độ quản lý cho người lao động. Tuyên truyền rộng rãi để các cơ sở làng nghề, có thông tin, hiểu rõ, nắm chắc các quy định về các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU, với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), CPTTP… từ đó chủ động chuẩn bị các giải pháp hội nhập kinh tế. Xây dựng thương hiệu sản phẩm và làng nghề, tăng khả năng cạnh tranh cao. Hàng năm bình chọn sản phẩm tiêu biểu và xét công nhận làng nghề và nghệ nhân, nhằm tôn vinh và làm cơ sở để vận dụng các chính sách hỗ trợ cho các làng nghề, nghệ nhân, khuyến khích bảo tồn gìn giữ những giá trị nghề cổ truyền…
Nắm bắt cơ hội từ hội nhập kinh tế và làm chủ công nghệ mới để phát triển làng nghề vừa phù hợp với xu thế mới, nhưng vẫn bảo đảm sản phẩm làm ra không mất đi tính truyền thống, tính độc đáo, độ tinh xảo. Xây dựng hệ thống làng nghề hài hòa với chuỗi đô thị nhỏ văn minh, lành mạnh, nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống của cư dân nông thôn một cách toàn diện cả về kinh tế, văn hóa và xã hội.

Thái Uyên-Thanh Ngân