Làm chủ các kĩ thuật hồi sức tích cực, cứu sống nhiều bệnh nhân nặng

29/03/2023 15:39 Số lượt xem: 1204
Hồi sức tích cực (HSTC) là một trong những chuyên ngành quan trọng của cơ sở khám, chữa bệnh, bởi những bệnh nhân cần hồi sức tích cực đều trong tình trạng nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Vừa phải triển khai kĩ thuật chuyên sâu trong tình trạng nhanh, khẩn cấp, vừa phải chăm sóc toàn diện cho người bệnh – những yếu tố này đòi hỏi đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng làm việc trong chuyên ngành hồi sức phải chắc chuyên môn, có tình yêu nghề để hết lòng vì sức khỏe người bệnh.

Làm chủ hệ thống trang thiết bị hiện đại, phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến giúp cứu sống bệnh nhân nặng

Khoa HSTC, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh là nơi tiếp nhận những bệnh nhân có bệnh lí nặng cần hồi sức và chăm sóc đặc biệt như bệnh nhân sốc phản vệ, sốc nhiễm khuẩn, sốc tim, viêm tụy cấp nặng, suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não nặng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính suy hô hấp... Hầu hết các bệnh nhân đều phải điều trị, can thiệp bằng máy móc và hỗ trợ hô hấp bằng máy thở. Vì thế, đây là một trong những khoa được trang bị hệ thống máy móc hiện đại nhất của bệnh viện gồm 1 máy tim phổi nhân tạo (ECMO), 5 máy lọc máu liên tục, 24 máy thở đa năng, 10 máy thở không xâm nhập, hệ thống máy siêu âm, X-quang tại giường, hệ thống oxy khí nén trung tâm, monitor theo dõi, bơm tiêm điện, máy truyền dịch.

Để làm chủ hệ thống trang thiết bị hiện đại, cán bộ y tế tại khoa HSTC phải trau dồi kiến thức y khoa, cập nhật công nghệ, ngoại ngữ và theo dõi sát hệ thống máy móc.

 

Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng khoa HSTC – BVĐK tỉnh cho biết, tất cả các cán bộ mới khi về làm việc tại khoa đều được tập huấn để sử dụng thành thạo những máy móc cơ bản. Với những kĩ thuật chuyên sâu như thở máy, lọc máu liên tục hay tim phổi nhân tạo, cán bộ khoa đều phải đi học tại T.Ư từ 3 – 6 tháng, thậm chí dài hơn. HSTC là một chuyên ngành khó, các loại máy móc, trang thiết bị sử dụng đều rất hiện đại, phức tạp. Vì vậy, trong quá trình sử dụng, cán bộ y tế không chỉ phải học về chuyên môn, về máy móc mà còn phải cập nhật công nghệ, ngoại ngữ để áp dụng trong công việc. Mỗi bệnh nhân có một bệnh lí, một thể trạng và diễn biến bệnh khác nhau nên quá trình điều trị cũng phải theo dõi sát lâm sàng và các chỉ số trên máy móc để có thể điều trị hiệu quả nhất, phát huy tối đa tác dụng của máy móc hiện đại.

Một trong những nhóm bệnh lí điển hình của HSTC là sốc nặng, bao gồm sốc phản vệ, sốc nhiễm khuẩn, sốc tim… Ông Lê V. (xã Đại Đồng, huyện Tiên Du) vừa “thoát khỏi cửa tử” nhờ được cấp cứu, xử trí kịp thời tình trạng sốc phản vệ do dị ứng thuốc. Cảm thấy trong người mệt mỏi nên ông V. tự đến phòng khám tư truyền nước và bị sốc phản vệ nặng mức độ nguy kịch và được đưa đến Trung tâm Y tế thành phố Từ Sơn sớm, được các bác sĩ tại đây cấp cứu sốc phản vệ ban đầu, đặt ống nội khí quản cho thở máy. Ông được chuyển lên BVĐK tỉnh tiếp tục điều trị sốc phản vệ và đến nay tình hình sức khỏe đã ổn định. Với những bệnh nhân như ông V., sẽ khó có thể giữ được tính  mạng nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến trong xử trí cấp cứu ban đầu, vận chuyển bệnh nhân an toàn và chuẩn bị sẵn sàng phương án điều trị tích cực.

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Bảo Trung, Trưởng khoa HSTC, BVĐK tỉnh cho biết: Ngoài việc đào tạo, tập huấn chuyên môn cho tuyến huyện, đơn vị cũng thành lập nhóm trực tuyến với các Trung tâm Y tế tuyến huyện để sẵn sàng hỗ trợ khi có bệnh nhân nặng. Có thể trực tiếp cử bác sĩ tay nghề cao xuống tận nơi hỗ trợ hoặc hỗ trợ từ xa trong khâu cấp cứu ban đầu để kịp “thời gian vàng” cho người bệnh trước khi chuyển viện, đảm bảo an toàn trong khi vận chuyển. Tại khoa cũng bố trí sẵn sàng trang thiết bị, máy móc để tiếp đón nhanh chóng và cấp cứu kịp thời. Với những bệnh nhân nặng cần hỗ trợ từ tuyến trung ương, khoa cũng hội chẩn trực tuyến và liên hệ trực tiếp với chuyên gia đầu ngành lĩnh vực hồi sức để được hỗ trợ. Hàng năm, khoa đều cử các kíp cán bộ đi học tại tuyến trên, từ những kĩ thuật hồi sức cơ bản cho nhân viên mới đến những kĩ thuật hồi sức chuyên sâu như lọc máu, hạ thân nhiệt, tim phổi nhân tạo…cho cán bộ đã có kinh nghiệm.

Công việc của điều dưỡng viên HSTC thực hiện y lệnh, theo dõi diễn biến bệnh đến chăm sóc dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân.

 

Hết mình vì bệnh nhân nặng phải chăm sóc toàn diện

Ông Phạm Xuân T. (Thị trấn Thứa, huyện Lương Tài) bị giãn phế quản, suy hô hấp bội nhiễm nhiều năm nay. Vừa qua bệnh tiến triển nặng, gia đình phải đưa ông đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi bệnh ổn định hơn, ông được chuyển về tuyến tỉnh tiếp tục thở máy duy trì, điều trị khắc phục lâu dài. “So với nằm viện ở Hà Nội, được điều trị tại tuyến tỉnh thuận lợi hơn rất nhiều. Cái hơn rõ nhất là đi lại  thuận tiện, bệnh viện rộng rãi, sạch sẽ. Khu hồi sức tích cực của Bạch Mai là cách li hoàn toàn người nhà, viện tỉnh được vào chăm bệnh nhân cùng với bác sĩ nên thấy gần gũi hơn nhiều”. Bà Nguyễn Thị Hường, vợ ông T. chia sẻ.

Ông T. chỉ là một trong nhiều đối tượng được chuyển từ tuyến trên về tiếp tục điều trị tại tuyến tỉnh. Với bệnh lí nặng, thể trạng suy kiệt, xác định nằm viện trong thời gian dài nên những bệnh nhân này đòi hỏi phải chăm sóc toàn diện, ngoài điều trị bằng thuốc còn cần điều trị dinh dưỡng, phục hồi chức năng, tư vấn tâm lí. Vì vậy, khối lượng công việc của cán bộ y tế, đặc biệt là điều dưỡng tại khoa vô cùng vất vả. Theo chị Nguyễn Thị Mai Hòa, Điều dưỡng trưởng khoa HSTC – BVĐK tỉnh thì điều dưỡng là người thực hiện khoảng 2/3 khối lượng công việc tại khoa từ việc hút đờm, theo dõi dịch dẫn lưu, theo dõi chất thải, nước tiểu của người bệnh, nghiêng trở cho bệnh nhân nằm lâu, thay băng vết loét hay thay băng vị trí mở khí quản…đến việc ăn uống, vệ sinh cho bệnh nhân cũng đều do điều dưỡng phụ trách. Mặt khác, điều dưỡng cũng là người tiếp xúc với bệnh nhân và gia đình người bệnh đầu tiên. Đều là những bệnh nhân nặng, nguy kịch nên vì quá lo lắng, nhiều gia đình người bệnh có thái độ hay cư xử chưa chia sẻ khiến cán bộ y tế gặp khá nhiều khó khăn. Thế nhưng không vì thế mà họ nản lòng. Bởi hơn ai hết, họ hiểu và thông cảm cho gia đình và người bệnh không may mắn gặp vấn đề về sức khỏe. Cũng vì thế mà càng cố gắng và nỗ lực nhiều hơn để có thể cứu chữa cho người bệnh.

Bác sĩ Phan Bảo Trung, Trưởng khoa HSTC cho biết thêm, bệnh nhân tại khoa dao động từ 45 – 50 người, hầu hết đều có lượng hồ sơ bệnh án khá lớn. Bởi bệnh càng nặng, càng phức tạp thì càng cần phải theo dõi chặt chẽ và chỉ định thực hiện các cận lâm sàng phục vụ chẩn đoán, điều trị. Mới đây, Khoa triển khai bệnh án điện tử, toàn bộ hồ sơ bệnh án đều được cập nhật số hóa nên thông tin hiển thị được rõ ràng, cụ thể mà rất khoa học. Nhờ vậy, các bác sĩ có thể hội chẩn, theo dõi lịch sử bệnh tật, nắm bắt các kết quả cận lâm sàng và diễn biến bệnh nhanh chóng ngay tại giường bệnh. Cũng nhờ tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc tra cứu bệnh án, thủ tục hành chính nên bác sĩ có nhiều thời gian dành cho việc khám, chữa bệnh và giải thích, tư vấn cho người nhà hơn.

Với hơn 2.000 bệnh nhân nặng đến rất nặng điều trị tại khoa mỗi năm, hiện 45 cán bộ y tế của khoa Hồi sức tích cực đã làm chủ được hầu hết các kĩ thuật trong chuyên ngành từ cơ bản đến chuyên sâu như: tim phổi nhân tạo, lọc máu liên tục, thay huyết tương, thăm dò huyết động tại giường, siêu âm tĩnh mạch chủ dưới, siêu âm tim phổi tại giường đánh giá huyết động, đặt ống thông động mạch theo dõi huyết áp liên tục… Khoa phân công cán bộ làm việc liên tục 2 ca – 3 kíp, mỗi kíp có đầy đủ nhân lực triển khai được tất cả các kĩ thuật và đảm bảo toàn bộ bệnh nhân cũng như hệ thống máy móc, trang thiết bị được theo dõi 24/24 giờ. Mặc dù khối lượng công việc không hề nhỏ, tình trạng bệnh nhân nặng và diễn biến liên tục khiến cán bộ y tế phải làm việc không ngừng nghỉ nhưng các y, bác sĩ tại đây vẫn nhiệt huyết, say mê cống hiến hết mình để giành giật sự sống cho người bệnh.

Nguyễn Oanh