Ký ức của người lính tình báo

03/05/2019 15:34 Số lượt xem: 2704
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức vẫn còn hiển hiện trong tâm trí của người lính Tình báo một thời. Ông là Đại tá Đàm Lưu Hào, nguyên Trưởng phòng Quân báo trinh sát, Cục Tình báo Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 (ảnh tư liệu).
 

Ông Đàm Lưu Hào, sinh năm 1943 quê ở thôn Tiến Bào, xã Phù Khê (thị xã Từ Sơn). Năm 1963, ông xung phong nhập ngũ vào Tiểu đoàn trinh sát đặc nhiệm, Cục Tình báo Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu. Sau nhiều năm chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước, ông kinh qua nhiều vị trí: Binh nhì, Đại đội trưởng, Trợ lý, Trưởng phòng Quân báo trinh sát. Năm 1997, về nghỉ hưu ở khu phố 2, phường Đông Ngàn (thị xã Từ Sơn) nhưng Cựu chiến binh Đàm Lưu Hào vẫn bộc lộ tư chất tác chiến của nhà binh. Rót chén trà mời khách, ông Hào hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về những trận  “biệt kích” vào căn cứ địch…
“Chết lúc này là có tội với Tổ quốc”
Theo lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, đúng giờ G, ngày N+10, mặt trận đường 9 nổ súng mở màn cho chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968. Phòng Quân báo trinh sát được giao nhiệm vụ đúng ngày N+8 phải có báo cáo để Tư lệnh mặt trận hạ quyết tâm. Khi đó, căn cứ Tà Cơn (Hướng Hóa-Quảng Trị) là Sở Chỉ huy của trung đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, đồng thời còn là căn cứ hành quân của cụm cứ điểm phía Tây đường 9. Vì thế cứ điểm này được Mỹ bố phòng kiên cố, nghiêm mật với hệ thống mìn sáng bẫy tự động và hàng rào dây thép gai 8 lớp bảo vệ. Nhận được lệnh, ông Hào cùng 3 đồng đội ròng rã 3 ngày đêm cắt rừng, vượt thác thâm nhập căn cứ địch. Khi gặp những đoạn suối nước lớn, chảy xiết, ông và đồng đội dùng gậy và dây hỗ trợ nhau vượt qua. Đêm về, vắt và muỗi rừng cứ bám riết, không ít lần trượt ngã. Vất vả, gian khổ là thế nhưng ông và đồng đội động viên nhau tiến bước. 
Ông Đàm Lưu Hào nhớ lại: “Tiếp cận căn cứ địch, từng vệt đèn pha loang loáng, những chùm pháo sáng bắn lên soi rõ từng cành cây, ngọn cỏ. Thỉnh thoảng lại có tiếng mìn nổ, tiếng la hét “vi si” của mấy tên lính gác, rồi từng loạt đại liên nổ vang như xé toang màn đêm. Bất chấp nguy hiểm rình rập, chúng tôi chia làm 2 mũi lặng lẽ trườn mình qua hàng rào thép gai, đột nhập vào từng lô cốt, ụ súng, căn nhà của địch, rồi nhanh chóng vẽ lại tường tận sơ đồ căn cứ địch. Nhiệm vụ hoàn thành, sau nhiều ngày không một hạt cơm, ai nấy đều kiệt sức, nằm bất động dưới cánh rừng bạt ngàn. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ nghĩ phải đánh thức họ dậy và ghé vào tai đồng đội nhắc nhở: “Chết lúc này là có tội với Tổ quốc, chúng ta phải sống mang bằng được tài liệu về báo cáo cấp trên”. Cuối cùng chúng tôi cũng mang tài liệu trở về đúng ngày N+7. Tư lệnh mặt trận ôm chầm lấy chúng tôi, nước mắt ông ứa ra vì thương anh em, vì hạnh phúc giải phóng dân tộc đang rất gần”.
Từ năm 1968 đến 1973, ông Hào tham gia nhiều trận chiến ác liệt, từ Khe Sanh, Đường 9, Quảng Trị đến chiến trường miền Đông Nam Bộ, chiến dịch Nam Lào. Với ông, nhiệm vụ trinh sát, bám nắm căn cứ địch không chỉ là sứ mạng lịch sử mà còn là động lực, quyết tâm chiến đấu, giải phóng dân tộc. 
“Tai mắt” của Tổng hành dinh trước giờ toàn thắng
Cuối năm 1974, quân và dân cả nước dồn sức cho giải phóng miền Nam. Từ Tổng hành dinh trong Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Tổng Tham mưu ngày đêm bàn bạc, phát đi những mật lệnh, chỉ đạo Cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975. Khi ấy, ông Hào chuyển về làm Trợ lý, Phòng Quân báo trinh sát, thường trú tại Tổng hành dinh.

Đại tá Đàm Lưu Hào bên gia đình.

Những ngày đầu năm 1975, khi quân ta chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột, trận mở màn cho toàn chiến trường miền Nam, thì Tổng hành dinh hoạt động hết công suất. Dù ở cách Sài Gòn gần 2.000 km nhưng ai cũng cảm thấy mình như đang ngoài mặt trận. Cục Tình báo Quân sự là đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ những thông tin về tình hình địch để phục cho Bộ Chỉ huy tối cao ra những quyết sách, đồng thời cung cấp tình hình diễn biến của địch cho các cánh quân và đơn vị tác chiến. Quá trình Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 diễn ra nhanh chóng: Từ chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh. Trước khí thế hạ quyết tâm mở “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, Bộ Chính trị yêu cầu Cục Tình báo Quân sự trả lời 2 câu hỏi: Nếu ta mở chiến dịch đánh vào Sài Gòn thì chính quyền Ngụy sẽ đầu hàng hay chạy đi đâu? Ta đánh vào Sài Gòn, quân Ngụy sụy đổ thì Mỹ có quay lại cứu vãn không?
Đây là 2 vấn đề chiến lược cực kỳ quan trọng. 2 câu hỏi trên buộc phải trả lời ngay và tin tức cần có độ tin cậy tuyệt đối, nghĩa là không thể phán đoán, mà phải có tin “gốc” của địch. Ông Đàm Lưu Hào nhớ lại: “Thời điểm này, Cục Tình báo Quân sự  có anh Mạc Lâm là một sỹ quan có kinh nghiệm khai thác tù binh. Sau 5 ngày hỏi cung Trung tướng Ngụy quyền Sài Gòn Vĩnh Nghi (Tư lệnh vùng 3 chiến thuật) và cố vấn Mỹ, anh Mạc Lâm phát hiện được thông tin: Chế độ Ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ thì Mỹ sẽ không bao giờ quay trở lại miền Nam. Tin tức các nguồn liên tục báo về nhưng chưa có tin “gốc” để khẳng định. Ở thời điểm đó, một điệp viên của ta làm nhân viên bảo mật giữ tài liệu tuyệt mật trong Văn Phòng của Tổng Tham mưu trưởng quân Ngụy Cao Văn Viên lấy được nguyên bản bức điện của Tổng thống Mỹ Ních-Xơn gửi cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu với nội dung: “Nước Mỹ chúng tôi coi cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc…”. Bức điện đó lập tức được chụp lại nguyên bản và gửi ra Hà Nội. Với những tin tức này, Bộ Chính trị đã đủ yếu tố để hạ quyết tâm mở “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, giải phóng miền Nam, đồng thời đề phòng tình huống quân Ngụy rút lui về “tử thủ” ở Tây Đô (Cần Thơ).
Câu chuyện về những năm tháng gian khổ, khó khăn mà rất đỗi tự hào ấy, có lúc giọng ông Hào như nghẹn lại vì xúc động, nhớ thương những người đồng chí, đồng đội quên mình hy sinh cho Tổ quốc. Hôm nay, được sống trong hòa bình, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, đất nước, Đại tá Đàm Lưu Hào cảm thấy hạnh phúc, tự hào.
(Ghi theo lời kể của Đại tá Đàm Lưu Hào, nguyên Trưởng phòng Quân báo trinh sát, Cục Tình báo Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu).

Ghi chép của Phong Vân