Kỷ niệm 30 năm đón nhận Bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đền thờ: Đàm Thận Huy và Đàm Công Hiệu

12/09/2018 15:25 Số lượt xem: 4016
Ngày 11-9, Ban Quản lý Di tích xã Hương Mạc (thị xã Từ Sơn) phối hợp với Dòng họ Đàm Thận tổ chức kỷ niệm 30 năm đón nhận Bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đền thờ: Đàm Thận Huy, Đàm Công Hiệu.

Đền thờ Đàm Thận Huy di tích lịch sử cấp Quốc gia được trùng tu, tôn tạo ngày càng khang trang.

 

Đàm Thận Huy (1463 - 1526) sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học và khoa cử ở làng Ông Mặc, huyện Đông Ngàn, nay là xã Hương Mạc (còn gọi là làng Me), thị xã Từ Sơn. Ông đỗ Tiến sĩ khoa thi Canh Tuất (1490) dưới triều vua Lê Thánh Tông, làm quan tới chức Thượng thư. Ông là một nhà thơ nổi tiếng, nhà giáo, nhà sư phạm mẫu mực và tài năng trong việc phát hiện và đào tạo nhân tài cho quê hương đất nước. Tại quê hương của Đàm Thận Huy vua Lê chỉ đạo xây dựng “Tiết Nghĩa Từ” tiến hành khắc bia ghi công trạng để gia tộc và làng Hương Mạc thờ phụng, nhớ ơn. Di tích “Tiết Nghĩa Từ” được Nhà nước cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1988.

Đàm Công Hiệu (1652 - 1721), cháu đời thứ sáu của Đàm Thận Huy, một nhà giáo, vị quốc sư của triều Lê Trịnh. Ông được tiến cử vào vương phủ dạy chúa Trịnh, đồng thời đảm trách nhiều chức vụ quan trọng, được  thăng Lễ  bộ Thượng thư, tham dự triều chính. Sau khi mất, truy phong Quốc sư Đại Vương, được triều đình ban sắc cho gia tộc và quê hương phụng sự tôn thờ như thần. Công trình nhà thờ Đàm Quốc Sư được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1988. 

Minh Hường