Kinh tế số - “cú huých mới” cho nền kinh tế

03/07/2021 07:18 Số lượt xem: 2199
Trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế truyền thống như hàng không, du lịch, dịch vụ ăn uống lao đao vì COVID-19, các ngành công nghiệp số như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, vận tải “giao hàng công nghệ”, xuất khẩu điện thoại và linh kiện tạo ra điểm sáng tích cực cho nền kinh tế.

Tác động của dịch COVID-19 khiến thanh toán trực tuyến ngày càng thu hút khách hàng, sự tăng trưởng của thương mại điện tử trong giai đoạn dịch bệnh cũng tạo điều kiện cho kinh tế số có những “cú huých mới”.

Nhờ có kinh tế số mà các ngành nghề kinh doanh từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), giao thông vận tải (Uber, Grab) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shopee, TIKI)... sôi động hẳn lên. Có thể thấy những ứng dụng của kinh tế số như thương mại điện tử, bán lẻ trực tuyến, đồng tiền số chung, nền tảng công nghiệp số, học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến, làm việc từ xa, vận chuyển, giao nhận, quảng cáo trực tuyến… cũng được tích hợp công nghệ số để đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho con người. Điều này không chỉ tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế, mà còn khiến cho các nền kinh tế thay đổi về chất. Các nguồn lực phát triển mới là tài nguyên số, của cải số đang dần được công nhận và có nhiều đóng góp, tăng trưởng bền vững trong tương lai, giải quyết được các vấn đề về môi trường, lãng phí và tạo ra nghề nghiệp mới, đặc biệt là hạn chế lây lan dịch bệnh.
Với Bắc Ninh, tỉnh công nghiệp đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, nền tảng công nghệ, hạ tầng viễn thông của tỉnh được đầu tư đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của các nhà đầu tư đang đặt nhà máy tại tỉnh và nhu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân. Nền tảng  công nghệ này là cơ sở để Bắc Ninh đạt được Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-Vietnam ICT Index hàng năm đứng thứ hạng cao (đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố); xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đạt 25/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 gây nên sự đứt gãy của các hoạt động kinh tế truyền thống, nền tảng công nghệ này còn tạo ra chất xúc tác cho kinh tế số duy trì hoạt động tốt, với số liệu thương mại duy trì tốt trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu điện thoại và linh kiện chiếm hơn 90% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh, tạo lối mở phát triển cho nền kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng 7,45%.
Với quan điểm phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển nhanh và bền vững, hài hòa, sớm tiếp cận và chủ động nắm bắt, triển khai trong thực tiễn những nội dung, sản phẩm, thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bắc Ninh triển khai chương trình thực hiện Quyết định số 749/QÐ-TTg về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025”- một trong những mục tiêu cơ bản đến năm 2025 về phát triển Chính phủ số. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7% và đến năm 2030 kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GDP.
Sở hữu lợi thế lớn về nguồn lực con người, hạ tầng công nghệ, cùng với những chính sách phù hợp, kịp thời sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Nhất là trong khi đại dịch COVID-19 diễn biến còn phức tạp, với lộ trình chuyển đổi số hợp lý và nhanh nhạy, giúp địa phương có thể vượt qua thách thức, biến khủng hoảng thành cơ hội phát triển, tạo lối mở để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thái Uyên