Kinh nghiệm xây dựng phong trào TDTT ở Gia Bình

08/05/2019 08:19 Số lượt xem: 731
Với phương châm đẩy mạnh tập luyện TDTT nâng cao sức khoẻ phục vụ công tác, học tập, lao động sản xuất, huyện Gia Bình xây dựng và phát triển phong trào rộng khắp, giành nhiều thành tích cao trong các giải thi đấu của tỉnh, toàn quốc.

Môn võ cổ truyền hiện có nhiều người tham gia luyện tập.

 


Những năm qua, huyện Gia Bình đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các thành phần xã hội, các tầng lớp nhân dân thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Huyện giao cho các ngành hữu quan xây dựng chiến lược phát triển phong trào cũng như các môn thể thao mũi nhọn từ đó tập trung đầu tư, phát triển. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị hữu quan xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó Trung tâm Văn hoá-Thể thao huyện giữ vai trò quan trọng vừa  tuyên truyền, vận động vừa tổ chức khảo sát, xây dựng các CLB và hướng dẫn chuyên môn bảo đảm phong trào phát triển phù hợp với từng địa phương và có khả năng lan toả.
Các xã, thị trấn chủ động xây dựng các CLB và khuyến khích người dân luyện tập và thi đấu; thực hiện xã hội hoá trong hoạt động thể thao… Từ những việc làm thiết thực, phong trào TDTT của huyện Gia Bình ngày càng phát triển, được các cấp, ngành đánh giá cao. Hiện toàn huyện, tỷ lệ người dân luyện tập TDTT thường xuyên đạt hơn 35%, số gia đình thể thao đạt 29%.
Nhiều bộ môn TDTT thu hút đông đảo người dân luyện tập như: Thể dục dưỡng sinh, cầu lông, bóng bàn, võ, vật, cờ vua, cờ t­ướng... Điển hình như môn bóng đá tại xã Đại Bái có khoảng 12 CLB bóng đá với gần 300 người ở nhiều lứa tuổi tham gia. Kinh phí hoạt động của các CLB này chủ yếu do các thành viên đóng góp và nguồn xã hội hoá. Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Bái cho biết: “Xuất phát từ phong trào bóng đá phát triển mạnh, xã và các thôn luôn tạo điều kiện, kịp thời động viên, khích lệ để các CLB hoạt động, tổ chức nhiều giải giao hữu tạo sân chơi lành mạnh cho thành viên các CLB. Phát triển phong trào TDTT không chỉ giúp người dân nơi đây có điều kiện rèn luyện sức khoẻ mà còn góp phần tích cực vào xây dựng đời sống văn hoá, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tăng cường khối đoàn kết trong nhân dân”.
Cũng từ phong trào phát triển mạnh, huyện Gia Bình chọn những môn thể thao mũi nhọn từ đó tổ chức huấn luyện, tiêu biểu như môn vật, võ, Karate-do. Hiện nay, Trung tâm Văn hoá-Thể thao huyện đang phối hợp duy trì tập luyện, giảng dạy và phát triển 13 lớp võ cổ truyền, 4 lớp võ Karate-do, 3 lớp vật với hằng trăm VĐV. Đối với môn vật, Gia Bình là một trong những địa phương được chọn đào tạo tuyến thứ ba của tỉnh với  3 lớp năng khiếu đặt tại các xã Song Giang, Cao Đức và Xuân Lai gồm khoảng 60 VĐV. Các lớp này cung cấp nhiều VĐV tiêu biểu cho đội tuyển vật của tỉnh.
Với sự đầu tư đúng hướng, thành tích thể thao của Gia Bình luôn đạt cao và bền vững tại các giải thi đấu của tỉnh. Điển hình như giải việt dã “Khoẻ để lập nghiệp và giữ nước” Cúp Báo Bắc Ninh trong năm 2018 và 2019, đoàn VĐV huyện Gia Bình đứng thứ Nhì toàn đoàn. Tại Đại hội TDTT cấp tỉnh năm 2018, đoàn thể thao Gia Bình xếp thứ Nhất toàn đoàn với 77 huy chương các loại, trong đó 27 HCV, 20 HCB, 30 HCĐ. Đây cũng là kỳ Đại hội TDTT thứ hai liên tiếp huyện Gia Bình xếp thứ Nhất toàn đoàn.  Mới đây, tham gia giải vật tự do, vật dân tộc tỉnh năm 2019, huyện Gia Bình tiếp tục đứng thứ Nhất toàn đoàn về số huy chương, trong đó đoạt 16 HCV/tổng số 25HCV.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, HLV TDTT của Trung tâm Văn hoá-Thể thao Gia Bình thì qua thực tiễn xây dựng phong trào, chúng tôi rút ra nhiều kinh nghiệm, đó là: Để xây dựng phong trào rộng khắp, các cấp, ngành cần quan tâm tổ chức, triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Cán bộ làm công tác VH-TT từ huyện đến cơ sở tăng cường vai trò tham mưu cho các cấp, ngành triển khai phong trào cụ thể, sát thực; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn người dân luyện tập đúng cách; phát hiện, bồi dưỡng nhân tố làm nòng cốt cho phong trào cũng như để đào tạo, huấn luyện phục vụ thi đấu. Huyện và các xã, thị trấn quan tâm, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động TDTT, tổ chức các giải thi đấu tạo sự gắn kết, trao đổi kinh nghiệm, giúp các VĐV cọ xát nâng cao chất lượng chuyên môn. Điều quan trọng nhất là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho mỗi người dân hiểu được lợi ích to lớn của việc luyện tập TDTT từ đó tự giác tham gia.
Luyện tập TDTT mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội vì thế những kinh nghiệm trong xây dựng phong trào ở Gia Bình rất cần được nhân rộng góp phần xây dựng phong trào TDTT rộng khắp, nâng cao sức khoẻ người dân đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Lê Đại