Kinh nghiệm nâng cao kỹ năng chất vấn của đại biểu HĐND thị xã Từ Sơn

03/10/2019 08:34 Số lượt xem: 2927
Chất vấn là một trong những quyền quan trọng của đại biểu HĐND để thực hiện chức trách, nhiệm vụ đại diện cho cử tri tại cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND thị xã Từ Sơn có nhiều giải pháp bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng chất vấn cho đại biểu.

Nhiệm kỳ 2016-2021, thị xã Từ Sơn bầu được 39 đại biểu HĐND, có 12 đại biểu tái cử, 27 đại biểu tham gia lần đầu. Đa số các đại biểu có trình độ chuyên môn đại học trở lên, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc. Tuy nhiên,  trong thời gian đầu nhiệm kỳ,  phiên thảo luận, chất vấn tại kỳ họp của HĐND vẫn còn những hạn chế như: Một số đại biểu HĐND chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc chất vấn nên ý kiến chất vấn chưa được chuẩn bị chu đáo, chưa phản ánh đúng thực trạng, chưa đi sâu vào những vấn đề bức xúc đang được cử tri quan tâm, chưa chất vấn đến cùng; tại một số kỳ họp, thời gian dành cho hoạt động chất vấn và thảo luận còn ngắn, số lượng ý kiến ít, việc lựa chọn vấn đề chất vấn chưa được trọng tâm...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên như: Tài liệu kỳ họp quá nhiều, đại biểu có ít thời gian để nghiên cứu kỹ, không nắm chắc nội dung vấn đề cần chất vấn, thảo luận do đó ngại chất vấn tại kỳ họp; mặt khác nhiều đại biểu do có mối quan hệ công tác gắn bó thân thiết giữa các cơ quan, đơn vị nên tâm lý nể nang, ngại va chạm; một số đại biểu do năng lực, trình độ, khả năng cập nhật thông tin còn hạn chế, nhất là đối với đại biểu trẻ, đại biểu mới tham gia HĐND lần đầu, đại biểu kiêm nhiệm, bận công tác chuyên môn, ít có thời gian chuẩn bị cho kỳ họp, dẫn đến vấn đề chưa được xem xét thấu đáo, nên ảnh hưởng đến chất lượng chất vấn, thảo luận tại kỳ họp. Xuất phát từ thực trạng trên, để nâng cao kỹ năng chất vấn, thảo luận của đại biểu HĐND, Thường trực HĐND thị xã đã nghiên cứu đưa ra thực hiện một số giải pháp.
Hàng năm, HĐND thị xã phối hợp với HĐND tỉnh tổ chức tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND, trong đó có kỹ năng chất vấn, thảo luận. Các đại biểu được hướng dẫn phương pháp thảo luận, cách lựa chọn vấn đề chất vấn, phương pháp thu thập thông tin và nghiên cứu tài liệu, đặt câu hỏi và xác định chủ thể trả lời chất vấn.
Nhằm cung cấp thông tin cho đại biểu, hàng năm Thường trực HĐND đều bố trí lịch tiếp công dân cho từng đại biểu, yêu cầu Tổ đại biểu phối hợp Ủy ban Mặt trận tổ quốc các xã, phường tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND thị xã; yêu cầu UBND, Tòa án, Viện Kiểm sát và Chi cục Thi hành án dân sự gửi báo cáo kết quả hoạt động cho HĐND theo đúng quy định để đại biểu HĐND nghiên cứu; chỉ đạo Văn phòng HĐND thực hiện nghiêm quy định về thông báo dự kiến chương trình kỳ họp (chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp) và thời gian gửi tài liệu kỳ họp cho đại biểu HĐND (chậm nhất 05 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp).
Để tránh trường hợp nể nang, né tránh, hoặc câu hỏi chất vấn không chất lượng, Thường trực HĐND yêu cầu từng đại biểu tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi các tổ trưởng để  họp tổ, thảo luận và gửi báo cáo kết quả họp tổ, phiếu yêu cầu nội dung chất vấn để Thường trực HĐND nghiên cứu, lựa chọn nội dung cần chất vấn, thảo luận tại kỳ họp. Bên cạnh sự chủ động của đại biểu, Chủ tọa kỳ họp quan tâm gợi ý một số nội dung để các đại biểu tập trung nghiên cứu thảo luận, đặt câu hỏi chất vấn.
Thường trực HĐND cũng thường xuyên quán triệt, nâng cao ý thức, trách nhiệm để đại biểu HĐND xác định đúng vị trí, vai trò và nhiệm vụ là “người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương”, từ đó có ý thức trau dồi, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh để có ý kiến đóng góp chất lượng trong các phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND và phiên họp chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND giữa hai kỳ họp.
Thường trực HĐND lựa chọn, cân nhắc những vấn đề bức xúc, nhạy cảm để đưa ra thảo luận, chất vấn;  rà soát các ý kiến, kiến nghị chưa được UBND và các cơ quan chức năng tiếp thu, giải trình và làm rõ để chất vấn lại; yêu cầu từng đại biểu thực hiện việc truyền tải các ý kiến, kiến nghị của cử tri một cách đầy đủ và nghiêm túc. Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách về chế độ phụ cấp, kinh phí hội nghị, hội thảo, nghiên cứu tài liệu, học tập kinh nghiệm… để đại biểu yên tâm tham gia hoạt động HĐND.
Bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết, Phó Chủ tịch HĐND thị xã Từ Sơn cho biết: Kỹ năng chất vấn, thảo luận của đại biểu HĐND thị xã trong những kỳ họp gần đây đã được nâng cao rõ nét. Tại kỳ họp thứ 9 (tháng 12-2018), đã có 10 đại biểu nêu 21 câu hỏi; kỳ họp thứ 11 (tháng 7-2019) có 9 đại biểu nêu 22 câu hỏi và 3 đại biểu tái chất vấn; tại phiên họp giải trình giữa 2 kỳ họp (tháng 4-2019) có 7/15 đại biểu dự họp nêu 14 câu hỏi yêu cầu giải trình, 7 ý kiến tái chất vấn. Qua tổng hợp và theo dõi kết quả hoạt động của từng đại biểu, đến nay 100% các đại biểu HĐND không phải là ủy viên UBND có ý kiến chất vấn tại kỳ họp và phiên họp chất vấn, giải trình. Các câu hỏi của đại biểu được thủ trưởng các cơ quan chuyên môn và UBND thị xã trả lời, làm rõ và đưa ra phương hướng giải quyết.

Vân Giang