Kiểm soát từ gốc góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm

24/04/2019 15:12 Số lượt xem: 1827
Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp là vấn đề được nhiều người đặc biệt quan tâm, bởi thực phẩm nông sản ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khoẻ con người. Từ thực tế đó, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản trong sản xuất ban đầu nhằm mang lại niềm tin, sự an tâm cho người tiêu dùng.

Mô hình trồng rau sạch bảo đảm an toàn thực phẩm ở xã Cao Đức (Gia Bình).

 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh có 263 vùng sản xuất lúa tập trung, trong đó 5 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận VietGAP; 71 vùng rau màu chuyên canh, 7 cơ sở sản xuất rau an toàn được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, 7 cơ sở sản xuất rau và 1 cơ sở sản xuất cây ăn quả được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, toàn tỉnh có 56 trang trại chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, 43 cơ sở chăn nuôi liên kết theo chuỗi và 48 cơ sở nuôi trồng thủy sản đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để bảo đảm an toàn nông sản thực phẩm, ngành nông nghiệp tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trong sản xuất ban đầu nhằm giảm ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm;ích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, vận động các tổ chức cán nhân tham gia chuỗi giá trị ngành hàng nông, lâm, thủy sản nhất là người trực tiếp sản xuất các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP sản phẩm nông, lâm thủy sản.

Từ năm 2018 đến ngành đã tổ chức hơn 400 lớp tập huấn cho gần 30.000 lượt người về khoa học kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý chất lượng và ATTP nông, lâm, thủy sản; phát hành gần 32.000 cuốn Bản tin ngành và tờ rơi tuyên truyền về sản xuất rau an toàn, hiệu quả trên địa bàn. Công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát ATTP trong sản xuất ban đầu được chú trọng. Thực hiện kiểm dịch thực vật nội địa cho 30 lượt chủ vật thể có hàng hóa nông, lâm sản nhập nội; phối hợp điều tra, lấy mẫu gần 42.000 tấn hàng hóa nông sản các loại. Cấp gần 50.000 Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và thủy sản vận chuyển ra khỏi địa bàn; 42 Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y cho các cơ sở kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật… Thực hiện 17 cuộc thanh, kiểm tra đối với 376/636 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm và xử lý 22 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền hơn 216 triệu đồng.

Nhiều địa phương đã thực hiện tốt các chương trình phối hợp, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, giám sát bảo đảm ATTP, trọng điểm là các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm đã quảng bá sản phẩm thông qua bao gói, ghi nhãn, dán tem truy xuất điện tử.

Theo ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản thực phẩm, công tác quản lý, kiểm soát và nâng cao chất lượng ATTP luôn đặt ra hết sức cấp bách. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản từ gốc. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp, đặc biệt là các chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, chú trọng quảng bá các mô hình chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; góp phần to lớn trọng việc bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả phát triển kinh tế xã hội.​

Việt Anh