Kiểm soát chặt các mặt hàng phòng, chống dịch COVID-19

01/03/2021 20:02 Số lượt xem: 1988
Cuối tháng 1-2020, khi Việt Nam phát hiện thêm những ca nhiễm COVID-19 mới làm dấy lên cơn sốt khẩu trang và nước sát khuẩn. Một số cửa hàng nhân cơ hội này đã tự ý nâng giá bán lên gấp 5 - 10 lần so với  trước đó.

Trước thực trạng đó, Cục QLTT nhanh chóng nắm tình hình, kiểm tra xử lý nghiêm những đối tượng đầu cơ tích trữ hàng hóa, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái, nâng giá bán hàng hóa; đề nghị cơ quan chức năng rút giấy phép kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, vật tư, hóa chất phòng, chống dịch COVID-19 có hành vi vi phạm. Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Cục QLTT thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình kinh doanh, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, kinh doanh xăng dầu trong tỉnh. Chỉ đạo các Đội QLTT quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến thị trường, kịp thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp tại địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, mua gom hàng hóa, tăng giá bán bất hợp lý; tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của UBND các huyện, thị xã, thành phố.

 

Cán bộ QLTT kiểm tra tại cửa hàng Hồng Thoa, thị trấn Hồ (Thuận Thành) tháng 12-2020.


Từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện, xử lý gần 60 vụ sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, khẩu trang, nước sát khuẩn có các hành vi vi phạm như: Không niêm yết giá, không mở sổ theo dõi bán hàng, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên nhãn có chữ viết không đúng bản chất, sự thật về hàng hóa đó; sản xuất khẩu trang không công bố tiêu chuẩn áp dụng; hàng hóa có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa; lợi dụng dịch COVID-19 để định giá bán hàng hóa bất hợp lý.
Điển hình như vụ Công ty TNHH Human Link VN, phường Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) kinh doanh khẩu trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ, phạt vi phạm hành chính 50.000.000 đồng, tịch thu 200.000 chiếc khẩu trang 3 lớp không nhãn hiệu, trị giá hàng hóa ước tính 90.000.000 đồng. Phạt hành chính 45 triệu đồng đối với Nguyễn Văn Đông ở xã Đình Tổ và Nguyễn Thị Thương ở Song Hồ (Thuận Thành) về hành vi kinh doanh khẩu trang lợi dụng dịch bệnh định giá bán hàng hóa bất hợp lý...
Cùng với việc tích cực kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, lực lượng QLTT tăng cường triển khai các biện pháp đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại và hàng lậu. Nhờ vậy, thị trường hàng hóa luôn ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân. Đặc biệt là mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn không còn tình trạng khan hiếm, tăng giá bán….
Ông Trần Duy Hưng, Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết: Thời gian tới, Cục QLTT tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác QLTT, kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về niêm yết giá, găm hàng, kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Đề nghị nhân dân và các tổ chức cá nhân phối hợp, cung cấp thông tin về những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại, lợi dụng dịch bệnh, tình trạng khan hiếm hàng hóa để định giá bán quá mức thông qua số điện thoại đường dây nóng 0912127945.

Quang Minh