Kiểm soát chặt đầu vào các công nghệ xử lý rác thải mới

22/06/2020 19:49 Số lượt xem: 2001
Đứng trước vấn đề rác thải đang nóng lên từng ngày, việc tìm kiếm, lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường của các địa phương là vấn đề cấp thiết.

Theo ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng như hiện nay, mỗi ngày, toàn tỉnh phát sinh hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt và công nghiệp. Để xử lý, một số doanh nghiệp đầu tư lò đốt rác quy mô nhỏ, công suất đốt còn hạn chế và đa phần là không thu hồi, tái tạo năng lượng. Ngoài ra, nhiều bãi rác vẫn dùng hình thức chôn lấp nhiều khuyết điểm, vừa tốn diện tích đất vừa ô nhiễm nguồn nước do quá trình thấm rỉ của rác thải.
Trên quan điểm coi rác là một tài nguyên, gần đây, nhiều doanh nghiệp đề xuất những công nghệ tái chế và tái sử dụng rác thải. Trong đó, nổi bật là 3 dự án “Đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng” được tỉnh phê duyệt tại xã Phù Lãng, Quế Võ; xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành; xã An Thịnh, huyện Lương Tài. Đa phần, các công nghệ xử lý rác tái tạo năng lượng tiên tiến có xuất xứ từ nước ngoài, trên cơ sở xã hội hóa được doanh nghiệp mua về Việt Nam, Sở KH&CN chịu trách nhiệm là đầu mối thẩm định chi tiết công nghệ của từng dự án đầu tư, cấp chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ bảo đảm chất lượng, đáp ứng tốt đòi hỏi của thực tiễn.

 

Đa phần lò đốt rác hiện tại đều có công suất nhỏ cần được thay thế bằng lò đốt có công nghệ hiện đại, quy mô lớn hơn. Trong ảnh: Lò đốt rác của Công ty TNHH môi trường Tân Trường Lộc (Tiên Du).

 

Ưu điểm của các công nghệ mới này là xử lý chất thải rắn với quy mô, công suất lớn, có thể xử lý triệt để các chỉ số đầu ra về chất thải, khí thải, nước thải đạt quy chuẩn cao, kéo dài vòng đời của các bãi chôn lấp trong điều kiện nhiều bãi rác đang quá tải, đồng thời tận dụng nguồn điện năng được giải phóng ra. Mới đây, Sở KH&CN tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định và thông qua công nghệ của dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng tại Thuận Thành do Liên danh Công ty CP môi trường Thuận Thành và JFE Enngeering Corpration làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 4,8 ha, công suất dự kiến 500 tấn/ngày/dây chuyền; sử dụng hệ thống đốt ghi lò JFE Hyper grate stocker xuất xứ từ Nhật Bản. Phương pháp vận hành hệ thống đốt ACC (điều khiển đốt tự động) với nhiệt trị chất thải 1.800 kcal/kg (sau khi trộn chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp), khả năng chuyển hóa với công suất dự kiến là 1 tấn rác cho ra 20-25kWh điện; xử lý khí thải bằng túi lọc với vôi tôi và bơm than hoạt tính; xử lý tro đáy thành bê tông gạch không nung hoặc chôn lấp và có thể xử lý cả tro bay.
Ông Vũ Mạnh Tiến, Giám đốc Công ty CP Môi trường Thuận Thành cho biết: “Chúng tôi phải tìm hiểu rất kỹ về các công nghệ trên thế giới, có nhiều đối tác chào mời với giá thành khác nhau. Tuy vậy, nhận thức được xử lý rác thải là vấn đề cấp bách nhưng có tác động lâu dài, chúng tôi luôn ưu tiên những công nghệ hiện đại, an toàn, bền vững nhưng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương cũng như năng lực tài chính của doanh nghiệp”.
Thực tế, nếu 3 dự án đốt rác phát năng lượng này đi vào hoạt động, với công suất quy mô lên tới gần 1.500 tấn/ngày thì bài toán xử lý rác thải trên địa bàn cơ bản được tháo gỡ. Tuy nhiên, khó khăn là các công nghệ đốt rác hiện đại đều có giá thành tương đối cao, đòi hỏi các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, nhân lực để theo đuổi lâu dài. Ngoài ra, bản thân các nhà đầu tư cũng phải tính toán đến thiết bị, công suất thiết kế phù hợp, bảo đảm lợi nhuận cho cả quá trình duy trì hoạt động.
Theo lưu ý của PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường Việt Nam, kết quả đánh giá từng dự án đốt rác công nghệ mới có thể đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường nhưng các nhà quản lý địa phương cần phải có giải pháp tổng thể kiểm soát chất lượng khi nhiều nhà máy vận hành cùng lúc vẫn có nguy cơ gây ra ô nhiễm bụi mịn do chưa được xử lý kỹ càng.
Từ thực tế đó, thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa việc đầu tư, chuyển giao công nghệ xử lý rác hiện đại; hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị tiếp cận với chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước; đề xuất cơ chế để các nhà máy sớm hoàn thiện và đi vào vận hành; tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, thu gom, vận chuyển rác đúng quy trình để các nhà máy xử lý rác công nghệ cao phát huy tối đa hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường một cách triệt để.

Huyền Thương