Khuyến khích người dân tham gia bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm

22/06/2018 09:27 Số lượt xem: 1866
Bắc Ninh đang phát triển mạnh về công nghiệp và đô thị với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2022. Quá trình đô thị hóa đặt ra vấn đề bảo tồn không gian làng - những vùng đất cổ, giàu bản sắc văn hóa là yêu cầu tất yếu.

Nhà cổ tại xã Hiên Vân (Tiên Du) được bao bọc bởi không gian xanh của sân vườn và cây xanh.

 

Đã có hội thảo chuyên đề “Bảo tồn không gian làng” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia trên các lĩnh vực đóng góp các giải pháp quan trọng. Gần đây Sở Xây dựng tiếp tục cụ thể hoá nội dung này thông qua việc hướng dẫn các địa phương thực hiện với tinh thần khuyến khích người dân tham gia việc bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm Bắc Ninh.

Theo các chuyên gia quy hoạch, vùng quy hoạch đô thị trung tâm Bắc Ninh có nhiều làng với địa hình tự nhiên đa dạng, tạo cảnh quan hấp dẫn, mang nhiều đặc trưng của làng quê Bắc bộ. Phần lớn các làng đều có lịch sử, văn hóa lâu đời với nhiều công trình cổ, những di sản vật thể và phi vật thể quý giá. Vì vậy, cần có sự hướng dẫn quản lý để bảo đảm việc bảo tồn không gian làng được thực hiện hiệu quả. Hướng dẫn này cụ thể hóa công tác quản lý quy hoạch, không gian kiến trúc, cảnh quan các làng được bảo tồn theo Quy hoạch chung đô thị lõi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là cơ sở để các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện việc lập quy hoạch, cấp phép xây mới, cải tạo… tại các làng (thuộc thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, Quế Võ) theo nội dung bảo tồn.

Qua tổng hợp các ý kiến đóng góp, việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cần tập trung vào những không gian, công trình công cộng, không gian ở trong và tiếp giáp với làng. Bao gồm khu vực bên trong làng, có ranh giới được xác định đối với từng làng, theo đường chu vi bao quanh (có thể là đường giao thông, hàng cây, dãy ao...); khu vực giáp làng. Đối với các tuyến đường thông suốt qua làng và tuyến đường bao quanh làng, có thể mở rộng mặt cắt tối đa khi tiến hành cải tạo, nâng cấp; các tuyến đường làm mới hoàn toàn bên ngoài làng, mặt cắt tối thiểu 14,5m. Riêng các đường ngõ, cần giữ chiều rộng hiện có, đặc biệt đối với khu vực cấp I; khuyến khích các khu vực có thể mở rộng và khôi phục các đường ngõ, ngách lát gạch, đá...

 Về các công trình thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, thể thao… có thể xây dựng từ 1-3 tầng với kiến trúc truyền thống hoặc truyền thống kết hợp với hiện đại. Đặc biệt là diện tích đất cây xanh tối thiểu phải đạt được 20%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật nghiêm cấm lấn chiếm không gian mặt đất, trên mặt đất đối với đường giao thông trong và ngoài làng. Công trình xây dựng mới cần có khoảng lùi nhằm mở rộng không gian ven trục đường giao thông, tạo cảnh quan đường làng. Nên bố trí bãi đỗ xe ô tô trong làng, nhất là khu vực công trình công cộng, phục vụ du lịch. Quá trình xây dựng, cải tạo các công trình trong làng, các chủ đầu tư phải có biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường…

Trong hướng dẫn, nội dung trọng tâm cần khuyến khích người dân tham gia tự nguyện là việc bảo tồn không gian, cảnh quan làng đối với các công trình nhà ở. Theo đó, đối với khu nhà ở cũ cần bảo tồn, tôn tạo theo nguyên gốc các ngôi nhà cổ, bao gồm cả khuôn viên, cây xanh mặt nước, cổng, tường rào và các hạng mục phụ trợ. Nhà ở xây dựng mới trong khu ở cũ chiều cao nhà tối đa 3 tầng đối với làng bảo tồn không gian làng mức độ 1 và 2, tối đa 5 tầng đối với làng bảo tồn không gian mức độ 3. Khuyến khích xây dựng nhỏ hơn 3 tầng và hạn chế chia tách đất thành các lô nhỏ. Đối với khu nhà ở mới trong phạm vi ranh giới làng cần xây dựng theo kiến trúc truyền thống, có sân vườn, chiều cao nhà ở riêng lẻ tối đa 4 tầng đối với làng bảo tồn không gian làng mức độ 1 và 2; tối đa 5 tầng đối với làng bảo tồn không gian làng mức độ 3…

Đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn thực hiện “Bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm Bắc Ninh” là các địa phương trong khu vực đô thị lõi. Trực tiếp là cấp xã sẽ thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra và khuyến khích người dân thực hiện. Vì vậy, việc tăng cường kiến thức quản lý chuyên ngành cho cán bộ cơ sở là việc cần thiết và hàng năm phải có bình xét các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện tốt hướng dẫn, nhất là các sáng kiến trong việc đưa ra các giải pháp và việc làm cụ thể về bảo tồn không gian làng trong đô thị để khen thưởng. Có như vậy, mới bảo đảm tính khả thi và thúc đẩy sự bảo tồn, phát huy giá trị của làng trong quá trình đô thị hóa, tạo nét khác biệt cho thành phố tương lai.

Bài, ảnh: Hoàng An