Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Yên Phong: Các kiến nghị của người dân được giải đáp thỏa đáng

11/07/2018 08:28 Số lượt xem: 1309
Đầu tháng 6, tại thôn Chân Lạc (xã Dũng Liệt), lãnh đạo huyện Yên Phong tổ chức đối thoại với người dân về việc triển khai thực hiện dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và dự án đường vào khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Yên Phong tại 2 xã Tam Đa và Dũng Liệt. Các kiến nghị của người dân tại buổi đối thoại được lãnh đạo huyện Yên Phong và các sở, ngành của tỉnh giải đáp thỏa đáng.
 

 

Việc thực hiện dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Yên Phong là một chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương trong thời kỳ công nghiệp hóa. Theo quy hoạch, dự án được thực hiện trên địa bàn xã Tam Đa với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2020) xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 150 tấn/ngày, đêm; giai đoạn 2 (sau khi sử dụng hết công suất giai đoạn 1) sẽ nâng công suất khu xử lý lên 200 tấn/ngày, đêm. Quá trình giải phóng mặt bằng, dự án nhận được sự đồng thuận của người dân có đất phải chuyển đổi (thuộc cả khu vực dự án và đường vào khu xử lý giai đoạn 1 - dài 198,9m). Tuy nhiên, một số hộ dân xung quanh dự án thuộc xã Dũng Liệt lại chưa đồng thuận với chủ trương dự án. Qua đối thoại, người dân đề nghị làm rõ các vấn đề, trong đó tập trung vào: Trình tự thủ tục thu hồi đất các dự án; khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư; làm rõ công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt và sự ảnh hưởng của dự án khi hoàn thiện, vận hành đối với đời sống dân cư xung quanh. Đại diện các sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo huyện Yên Phong nghiêm túc tiếp thu và trả lời, làm rõ các ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Cụ thể, đối với dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Yên Phong, từ ngày 12-7-2014, huyện tiến hành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ có đất bị thu hồi và 77/77 hộ nhận tiền, đến nay không có kiến nghị, thắc mắc gì. Đối với dự án đường vào khu xử lý giai đoạn 1 (dài 198,9 m) chạy qua địa phận thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt, giáp thôn Đức Lý, xã Tam Đa, 6/6 hộ dân có đất thu hồi đồng ý ký biên bản thỏa thuận giải phóng mặt bằng, trong đó nhất trí và đề nghị huyện thu hồi trước thời hạn thông báo thu hồi đất, trước thời hạn công khai phương án bồi thường, hỗ trợ… Trong tháng 5-2016, 6/6 hộ dân trong diện thu hồi đất nông nghiệp (tổng diện tích thu hồi là 4.765,8 m2) để làm đường đã nhận tiền bồi thường.

Về khoảng cách từ dự án đến khu dân cư tập trung đều đạt quy chuẩn. Qua đo đạc, khoảng cách từ chân nhà máy tới thôn Đức Lý (Tam Đa) là 700m; tới thôn Thọ Đức (Tam Đa) là 860m; tới thôn Chân Lạc (Dũng Liệt) là 1.025 m; tới thôn Lương Cầm (Dũng Liệt) là 1.400 m; tới thôn Phù Cầm (Dũng Liệt) là 1.500 m. Trong khi đó, theo quy định QCVN01:2008/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng tại mục 6.1.2. Quy hoạch chất thải rắn: Quy định khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường giữa nhà máy xử lý chất thải rắn đến khu dân cư và các công trình hạ tầng xã hội là bằng hoặc lớn hơn 500 m.

 

Toàn tỉnh có 3 nhà máy đốt rác thải sinh hoạt công suất lớn đang hoạt động ổn định trong các khu xử lý tập trung tại: Phù Lãng (Quế Võ) với công suất 240 tấn/ngày, đêm; xã Cao Đức (Gia Bình) công suất 100 tấn/ngày, đêm và xã Ngũ Thái (Thuận Thành) công suất 150 tấn/ngày, đêm.
 


Về công nghệ xử lý được áp dụng công nghệ lò đốt kết hợp với hầm ủ biogas công nghiệp để tận dụng khí ga trong quá trình ủ biogas hỗ trợ lò đốt. Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, phun chế phẩm sinh học để khử mùi, diệt côn trùng sau đó tiến hành phân loại và xử lý. Đối với bụi, khí thải từ lò đốt được xử lý bằng phương pháp lọc tĩnh điện kết hợp với phương pháp hấp thụ bằng dung dịch nước vôi trong và than hoạt tính, bảo đảm khí thải trước khi ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Đối với nước thải, khu vực nhà máy có hệ thống xử lý nước rỉ rác công suất 60m3/ngày, đêm bằng phương pháp hóa lý kết hợp với phương pháp sinh học, bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải của bãi chôn lấp chất thải rắn… Như vậy, có thể thấy rõ trình tự thủ tục thu hồi đất đúng quy định và nhận được sự đồng thuận của người dân có đất. Vị trí xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt của huyện phù hợp với quy hoạch xây dựng, bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy chuẩn hiện hành; công nghệ xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải sinh hoạt, không ảnh hướng đến dời sống sản xuất, sinh hoạt  của nhân dân xung quanh.
Yên Phong đang trên phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ và thu hút hàng chục nghìn lao động trong cả nước đến sinh sống. Áp lực về an sinh xã hội, đặc biệt là vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường sống đang là vấn đề nan giải của địa phương. Việc đồng thuận xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung của huyện sẽ góp phần giải tỏa các áp lực trên; đồng thời kiến tạo môi trường sống tốt hơn, từ đó tác động tích cực trở lại để phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương.

Hoàng An