Không để ai bị bỏ lại phía sau

17/09/2021 19:55 Số lượt xem: 2725
Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến nhiều người dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì nghỉ việc, không có nguồn  thu nhập… Sát cánh bên những người chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã và đang khẩn trương triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời chia sẻ, động viên để họ vượt qua khó khăn trước mắt, yên tâm ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ kịp thời
Thôn Giang Liễu (xã Phương Liễu, huyện Quế Võ) sau hơn 1 tháng kết thúc cách ly y tế, cuộc sống bình thường mới đã quay trở lại. Trong nhà văn hóa thôn, trưởng thôn Giang Liễu, ông Nguyễn Viết Lý đang tất bật với việc giải đáp, trợ giúp người dân hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ đề nghị hưởng hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Từ đầu năm tới nay, sau 3 lần ghi nhận các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và cách ly y tế ở các cấp độ khác nhau, số trường hợp F0, F1 trên địa bàn thôn đã lên tới hơn 100 người. Phần lớn là công nhân, lao động ở các tỉnh thuê trọ nên ông Lý và đại diện các hội đoàn thể thôn phải tranh thủ thời gian tuyên truyền để người lao động hiểu rõ về quyền lợi, chế độ của mình, chủ động hoàn thiện hồ sơ nhận hỗ trợ kịp thời.
Theo Trưởng thôn Nguyễn Viết Lý, Giang Liễu có khoảng 17 nghìn công nhân tạm trú, thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, người lao động phải sống chật vật. Nhiều người bị mất việc làm, ngừng việc tạm thời, lao động ngoại tỉnh bị mắc kẹt không thể về quê, không có thu nhập để trang trải cuộc sống. Những chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có giá trị thiết thực giúp người lao động vượt qua khó khăn trước mắt. Cầm trên tay số tiền hỗ trợ trong đợt đầu tiên, chị Hoàng Thị Vân (quê Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi từng tiếp xúc với trường hợp F0 và phải đi cách ly tập trung 21 ngày. Kết thúc cách ly trở về khu trọ, tôi được chủ trọ và chính quyền địa phương quan tâm, thường xuyên trợ giúp nhu yếu phẩm, miễn giảm tiền thuê trọ, điện nước. Nay lại được Nhà nước cấp tiền hỗ trợ thấy thực sự ấm lòng”.

 

Lãnh đạo Công ty TNHH Kinyosha Việt Nam (KCN Tiên Sơn) trao tiền hỗ trợ cho công nhân bị ngừng việc tạm thời do dịch COVID-19.


Cùng chung hoàn cảnh đó là hàng nghìn công nhân, lao động ở các công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh phải ngừng việc tạm thời hoặc mất việc trong đợt dịch COVID-19 vừa qua. Dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh khôi phục song với họ khó khăn trong cuộc sống vẫn chưa thể qua đi. Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ với nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã kịp thời sẻ chia, động viên họ vượt qua thời điểm khó khăn trước mắt. Là một trong những công nhân được nhận hỗ trợ trong đợt đầu tiên tại huyện Tiên Du, chị Phạm Thị Phương, công nhân Công ty Công ty TNHH Kinyosha Việt Nam (KCN Tiên Sơn) xúc động: “Quãng thời gian qua vô cùng khó khăn với gia đình tôi vì hai vợ chồng đều là công nhân, phải thuê trọ và nuôi con nhỏ. Số tiền hỗ trợ tuy không quá lớn nhưng thời điểm này giúp chúng tôi ổn định cuộc sống, yên tâm trở lại làm việc”…
Đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Ra đời giữa bối cảnh cả nước đang dồn lực cho công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ là quyết sách kịp thời, nhân văn, hợp lòng dân. Với 12 nhóm chính sách hỗ trợ, Nghị quyết bao phủ hầu hết các đối tượng người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với nhiều hình thức, phạm vi, mức độ hỗ trợ khác nhau. Ý  thức được tầm quan trọng và ý nghĩa nhân văn đó, thời gian qua tỉnh đã huy động sự toàn thể hệ thống chính trị vào cuộc, xây dựng tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách, thụ hưởng kịp thời.
Sau 2 tháng triển khai, nhiều chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả thiết thực. Đến hết 31-8, toàn tỉnh có tổng số 16.627 người được hưởng hỗ trợ với tổng số tiền hơn 53,7 tỷ đồng. Tỉnh hoàn thành việc giảm mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với gần 6.700 đơn vị, doanh nghiệp (số tiền giảm trừ ước 12 tháng là hơn 144 tỷ đồng); hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho trên 770 lao động; chi trả hỗ trợ cho 222 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; hơn 2 nghìn lao động ngừng việc; gần 3 nghìn trẻ em và người đang điều trị Covid-19 (F0), cách ly y tế (F1), 22 viên chức hoạt động nghệ thuật gặp khó khăn… Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã ký hợp đồng và giải ngân cho vay để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất cho 15 doanh nghiệp với hơn 11 nghìn người lao động, tổng số vốn vay hơn 44,6 tỷ đồng…
Là Nghị quyết ra đời trong hoàn cảnh cấp thiết nên trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Song với quyết tâm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã khẩn trương, chủ động phối hợp tuyên truyền, rà soát, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân tiếp cận chính sách, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Những chính sách liên quan đến hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho các đối tượng là lao động đều được thực hiện ngay, đạt kết quả sớm nhất. Những chính sách có tính  hỗ trợ lâu dài cũng đang được từng bước thực hiện tạo đà cho người lao động và doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh, đủ sức tự đứng vững vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP, căn cứ vào tình hình thực tiễn, sửa đổi điều kiện theo hướng thông thoáng, mở rộng đối tượng thụ hưởng một số chính sách. Trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cũng chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và chắc chắn sẽ còn tác động lớn đến đời sống xã hội. Bên cạnh giá trị vật chất, với những người lao động nghèo, người đang trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, những chính sách hỗ trợ kịp thời còn mang ý nghĩa lớn lao về mặt tinh thần. Đó là sự sẻ chia trong điều kiện cả nước vẫn đang phải đối mặt với dịch bệnh, minh chứng cụ thể nhất cho quan điểm nhất quán của Đảng và Chính phủ “Không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch COVID-19”.

Hoài Phương